Không xác định được nguyên đơn, bị đơn
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ đề nghị áp dụng quy trình giải quyết thông qua tòa án trong việc xử lý tài sản bất minh |
Phát biểu tại phiên thảo luận về dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) của UB Thường vụ Quốc hội sáng 13/7, đại biểu Nguyễn Mai Bộ - Uỷ viên thường trực UB Quốc phòng – An ninh không tán thành cả 3 phương án về xử lý tài sản của cán bộ không giải trình được nguồn gốc hợp pháp được đưa ra. Ông Bộ phân tích, người kê khai không đầy đủ tài sản, thu nhập vi phạm nghĩa vụ công chức, viên chức nhưng tài sản không giải trình được lại thuộc về quan hệ tài sản. Đây là 2 loại quan hệ khác nhau nên việc giải quyết cần thông qua quy trình tố tụng dân sự.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu băn khoăn, nếu giải quyết bằng thủ tục tố tụng thì ai là nguyên đơn, ai là bị đơn trước toà trong các trường hợp này?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chia sẻ với băn khoăn này. “Không lẽ giờ “ông” Thanh tra Chính phủ lại đi kiện "ông" Bộ trưởng này, lãnh đạo kia về tài sản thì nghe không đúng truyền thống văn hoá Việt Nam lắm” – bà Ngân nêu giả thiết.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh lý do đưa ra phương án xử lý tài sản bất minh bởi đây là thời điểm đấu tranh chống tham nhũng mạnh mẽ. Ông Hưng điểm lại 4 cách xử lý: hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế. Chọn theo hướng áp dụng pháp luật dân sự có cái khó là không xác định được nguyên đơn, bị đơn. Theo phương án xử lý về kinh tế thì chỉ có thu thuế là cách có nhiều ưu điểm.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga giải đáp, đề xuất của đại biểu đã được xem xét, nghiên cứu. Cách này là thực hiện theo luật pháp hiện hành, không phải sửa, thêm luật gì, nguyên tắc áp dụng giống như việc muốn đưa người nghiện vào cơ sở giáo dưỡng, đi cai nghiện bắt buộc thì cần có bản án của tòa án. Tuy nhiên, thực tế cũng còn rất nhiều vướng mắc, khó khả thi.
Về phương án đánh thuế thu nhập cá nhân với phần tài sản bất minh, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, sau rất nhiều phân tích, cân nhắc kỹ lưỡng cơ quan thẩm tra và cơ quan trình thống nhất chọn phương án đánh thuế thu nhập cá nhân. Theo phương án này thì nếu chưa có căn cứ xác định tài sản, thu nhập tăng thêm do phạm tội, vi phạm hành chính mà có thì chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.
Phát biểu tại phiên họp, cả đại diện TAND tối cao và VKSND tối cao đều cho rằng không đủ căn cứ để thực hiện phương án này.
Phó Viện trưởng VKSND tối cao Trần Công Phàn cho rằng, phải là thu nhập hợp pháp thì mới đánh thuế. Kê khai không trung thực thì đầu tiên là kỷ luật, còn tài sản thì xử lý theo quy định hiện hành, nếu chứng minh được là hợp pháp thì thu thuế, còn có dấu hiệu phạm tội thì chuyên sang xử lý hình sự, chứ không rõ nguồn gốc mà chuyển sang thu thuế ngay thì ko được, hơn nữa cũng không có căn cứ nào mà thu 45%.
Không đồng tình giải trình cán bộ "buôn chổi đót xây biệt phủ"
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu giải trình đầy đủ với lý lẽ thuyết phục để xin ý kiến Bộ Chính trị về việc xử lý tài sản bất minh |
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhận định, cán bộ nào cũng sẽ có những giải trình về tài sản của mình, vấn đề cần xem xét là giải trình có thuyết phục hay không chứ không nên đặt vấn đề xử lý với tài sản không thể giải trình. Thời gian qua người dân không đồng tình với giải trình của nhiều cán bộ là nuôi heo, chạy xe ôm, buôn chổi đót để tích cóp xây biệt thự, biệt phủ to lớn. Đó cũng là một thực tế để đánh giá việc giải trình.
Còn về hướng xử lý, bà Hải cho rằng, trong bối cảnh này, “so bó đũa chọn cột cờ” thì thu thuế là phương án tốt nhất nên chọn vì không còn nhiều thời gian, luật không thể lùi được nữa; dư luận, người dân đang trông đợi rất nhiều. Làm công tác dân nguyện, bà Hải hối thúc, cử tri, nhân dân cũng rất trông ngóng việc thu hồi được tài sản cho nhà nước.
Giải trình về điều 59, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đề cập 6 phương án. Đó là, thông qua con đường tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, xử phạt vi phạm hành chính, hành chính - tư pháp, xử lý kinh tế - thuế. Phương án thứ sáu là không có phương án gì, tức là thực hiện như luật hiện hành.
“Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu rất kỹ, định dạng chỉ có 6 phương án đó thôi. Sau khi trao đổi, hội thảo, xin ý kiến, cuối cùng thấy phương án thu thuế có nhiều yếu tố phù hợp, áp dụng được với Việt Nam nên đi sâu vào phương án này”, ông Khái cho biết.
Vẫn theo Tổng thanh tra, loại tài sản mà Nhà nước không chứng minh được vi phạm, không chứng minh được thuộc sở hữu của Nhà nước, còn người giải trình đã giải trình nhưng không hợp lý, thì rất khó xử lý. Xử hình sự không được, dân sự cũng khó, hành chính cũng không xong. Nếu xử theo con đường hành chính - tư pháp thì phải có pháp lệnh.
“Đây là việc khó, một chính sách mới, tính thuế rồi thì cũng không loại trừ nếu có vi phạm thì tiếp tục xem xét theo trình tự tố tụng hình sự để xử lý cuối cùng. Mức thuế thì lấy mức thuế bình quân và có thêm khoản phạt. Tính đi tính lại thì khoảng 40-45%. Nếu được Thường vụ Quốc hội chấp nhận thì tiếp tục hoàn thiện theo hướng đó” - Tổng thanh tra nói.
Nhấn mạnh phương án thu thuế còn nhiều tranh cãi và chưa thực sự thuyết phục, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, bên cạnh tham khảo kinh nghiệm quốc tế thì cần thảo luận kỹ với các cơ quan trong Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng.
Phải bàn thật sâu, thật kỹ thuật để lý lẽ đủ thuyết phục sau đó xin ý kiến Bộ Chính trị, bà Ngân nói.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí