Giáo dục

Cánh cửa đại học đã mở với nữ sinh ước 'còn bố mẹ để gọi điện về nhà'

Mồ côi mẹ năm 1 tuổi, hai năm sau người bố cũng qua đời, nữ sinh Tao Thị Ón, Học viện Phụ nữ Việt Nam chỉ mong ngóng một điều giản dị: giá như còn bố mẹ để gọi điện về nhà.

Tao Thị Ón nhận bằng khen tại lễ tuyên dương tối 12/11. Ảnh: Xuân Tùng

Tao Thị Ón là một trong 120 gương mặt học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số được tuyên dương năm 2019.

Ón, là người dân tộc Lự, ở bản Nậm Ngập (xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, Lai Châu). Ón sinh năm 2001, là con út trong gia đình có 8 anh chị em và mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ. Nhắc đến cha mẹ mình, đôi mắt Ón không giấu nổi nỗi buồn. Những ngày cuối tuần không về quê, Ón mong ngóng những cuộc điện thoại, giá như còn mẹ, còn bố, em sẽ được nói chuyện, hỏi han.

Tao Thị Ón sớm mồ côi nên chưa một lần được cha mẹ đi họp phụ huynh. Ảnh (chụp lại từ clip chương trình tuyên dương) Xuân Tùng

Cha mẹ qua đời, Ón sống cùng người anh, đến năm lớp 3 thì chuyển sang sống cùng chị gái. Tuổi thơ nhọc nhằn, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần nhưng cô nữ sinh Tao Thị Ón vẫn vươn lên trong học tập. Suốt 12 năm bền bỉ đèn sách, tự mày mò học, Ón tìm thấy niềm đam mê với các môn xã hội. “Từ hồi tình cờ được xem một bộ phim tài liệu về đề tài lịch sử, em bỗng thấy cực kỳ thích học môn này”- Ón kể.

Trong 3 môn thi khối C00 thì Lịch sử cũng là môn học mà Ón đạt điểm cao nhất 8,5 điểm (Văn 7 điểm và Địa lý 8 điểm). Chia sẻ về bí quyết học tốt, Ón cười, em không có bí quyết gì vì chỉ đọc nhiều trong sách giáo khoa. Thời gian gần đến kỳ thi, Ón chăm chỉ tham gia các nhóm thi khối C trên mạng xã hội. Với cách học đó, Ón có điểm thi đại học cao nhất lớp với 23,5 điểm (chưa tính điểm ưu tiên) và chính thức đỗ vào Học viện Phụ nữ Việt Nam, ngành Quản trị Du lịch.

Nhưng cánh cửa ĐH ban đầu không mở ra với Ón khi chị gái nói không đồng ý cho Ón đi học vì nhà không có điều kiện và còn vì nhiều người học đại học ra không xin được việc làm. Nghe tin đó, Ón đã khóc mấy ngày. Hôm trường gọi nhập học, em còn đang nằm viện vì bị đau lưng nên càng thấy buồn, cảm thấy chán nản.

Cánh cửa ĐH ban đầu không mở ra với Ón khi chị gái nói không đồng ý cho Ón đi học vì nhà không có điều kiện. Ảnh (chụp lại clip chương trình tuyên dương)

Đầu tháng 9, khi bạn bè lũ lượt rời bản đi nhập học, cũng là lúc Ón thu xếp đồ xuống thủ đô… làm thêm. Anh họ xin cho Ón làm thêm tại một quán bia ở quận Nam Từ Liêm, công việc hàng ngày của Ón là rửa bát, chạy bàn. Sáng nào cũng bắt đầu công việc từ 9h đến 14h chiều, nghỉ 2 tiếng lại tiếp tục làm đến 23h với mức lương 4 triệu đồng/tháng và được bao ăn ở.

Đến một ngày, Ón bất ngờ nhận được rất nhiều cuộc điện thoại hỏi thăm xem em đang làm gì, ở đâu… Cách đây hơn 10 ngày, Ón được Học viện Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận nhập. Tuy nhập học muộn hơn các bạn, nhưng với Ón, đó là niềm vui vô bờ bến.

Không những thế, tại lễ tuyên dương, em còn nhận được học bổng để có thể tiếp tục học tập từ một nhà hảo tâm.

Tao Thị Ón nhận được học bổng tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Tác giả: Nghiêm Huê - Xuân Tùng

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP