Giáo dục

Nghệ An: Chuyện dạy học ở bản Huồi Thum

Huồi Thum là điểm trường xa nhất của xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Đây là bản 100% dân tộc Khơ Mú, nằm biệt lập so với bên ngoài nhưng các thầy cô giáo không bỏ cuộc.

Gian nan đường đến Huồi Thum để gieo chữ của các thầy cô giáo.

Với những thầy cô giáo ở bản Huồi Thum, xã Na Ngoi, huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An gian nan, vất vả hơn bao giờ hết; công việc “gieo chữ, lái đò” lại càng thấm thía đến tận cùng của sự nghiệp trồng người đối với các thầy cô ở đây.

Con đường vảo bản Huồi Thum khoảng 20km nhưng đi xe máy cũng mất hơn 1h đồng hồ. Con đường một bên là vách núi cheo leo, một bên là vực thẳm với khe suối rất nguy hiểm.

Giáo viên bơi qua suối để dạy học

Vượt qua chặng đường dài gần 300km, chúng tôi có mặt tại bản Huồi Thum, xã Na Ngoi, huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An). Huồi Thum nằm lọt giữa thung lũng được bao bọc xung quanh bởi khe suối và nằm biệt lập với bên ngoài.

Điểm trường Tiểu học và Mầm non bản Huồi Thum, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn.

Để vào Huồi Thum, chỉ có một cách duy nhất là phải lội qua con suối Ca Nan với dòng nước chảy xiết và rất nguy hiểm. Nhưng vào mùa mưa, bản Huồi Thum dường như biệt lập với bên ngoài bởi nước suối Ca Nan dâng cao.

Đặc biệt, các thầy cô giáo công tác, giảng dạy tại đây khá vất vả, gian nan, vất vả bởi con đường đi lại. Gian nan bởi địa bàn xa xôi cách trở. Ở mảnh đất xa ngắc ngư, biệt lập, không chợ, không điện, không trạm xá, không giao thương… nên cô trò ở bản Huồi Thum thiếu thốn trăm bề.

Thầy Dũng trong một giờ lên lớp.

Thầy Dũng chia sẻ những khó khăn thời gian cắm bản ở huyện biên giới Kỳ Sơn.

Ngay cả trong việc giảng dạy của các cô giáo ở đây cũng gặp nhiều khó khăn vì các em học sinh bản Huồi Thum là 100% dân tộc Khơ Mú, do bất đồng ngôn ngữ nên mất thời gian dài cô trò mới hòa nhập được với nhau.

Tại điểm trường Tiểu học và Mầm non bản Huồi Thum có khoảng 60 em học sinh, với 7 thầy cô (trong đó giáo viên Tiểu học 5, giáo viên Mầm non 2). Các thầy cô giáo đều là những con người ở miền xuôi vào đây công tác, giảng dạy. Ở đây họ phải tá túc trong những mái nhà lụp xụp, bốn bức tường làm bằng gỗ tạp đã cũ kỹ và mục nát. Cứ mỗi khi trời mưa xuống thì nước dột qua mái, trong nhà cũng như ngoài sân.

Thầy Dương Đình Dũng chia sẻ những gian nan khi cắm bản ở rẻo.

Cô Lô Thị Hồng (SN 1988, công tác tại điểm trường Huồi Thum) chia sẻ: “Khổ nhất là khi mùa mưa đến, lần đầu tiên vào bản cô phải bơi qua suối. Mỗi bên có 3 người dân đón giúp cô vượt suối. Khi nào mưa lớn nước chảy xiết thì không thể ra ngoài được, thứ 7, Chủ nhật lại tiếp tục tranh thủ “bổ túc” thêm cho học trò. Ở bản đây các cháu là học sinh dân tộc Khơ Mú nên giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn, bởi bất đồng ngôn ngữ”.

“Ở Huồi Thum nằm biệt lập với bên ngoài đó nhà báo ơi. Mùa nắng thì còn đỡ, chứ vào mùa mưa lũ phải mất cả tuần khi nước rút chúng tôi mới ra được bên ngoài để mua thức ăn, giao thương nên khá vất vả. Cảnh giáo viên "cắm bản" không nói các anh cũng biết rồi đó, không chỉ thiếu thốn về vật chất, tinh thần mà còn nhà ở nữa.

Bao năm qua, các thầy cô ở đây sinh hoạt trong những căn nhà như lều tạm làm bằng gỗ tạp, tranh nứa, then gỗ đã mối mọt, xuống cấp trầm trọng. Cứ mỗi lần mưa xuống là các giáo viên nơm nớp lo sợ bị sập....”, cô Lô Thị Hồng chia sẻ thêm.

Cô Lô Thị Hồng công tác tại điểm trường Huồi Thum) chia sẻ: “Khổ nhất là khi mùa mưa đến, lần đầu tiên vào bản cô phải bơi qua suối. Mỗi bên có 3 người dân đón giúp cô vượt suối...".

Thầy Dương Đình Dũng (SN 1977, quê xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn) - người có thâm niên ngót nghét gần 20 năm băng rừng, đã “lưu lạc” ở nhiều bản khó khăn ở huyện Kỳ Sơn nhớ như in những kỷ niệm mà ngày đầu lên với mảnh đất Kỳ Sơn để “gieo chữ, lái đò” chia sẻ: Năm 2002, là giáo viên hợp đồng, thầy Dũng dắt tay vợ vào xã Bảo Nam - một xã xa xôi, khó khăn bậc nhất thời bấy giờ của huyện Kỳ Sơn, cả hai vợ chồng đi bộ hơn một buổi mới đến điểm trường. Tại đây, vì thiếu giáo viên nên một năm học thầy phụ trách đến 3 lớp gồm lớp 1, 3 và 5.

Thầy Dũng tâm sự với PV Dân trí về những ngày tháng gieo chữ ở các địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn.

“Từ ngày lên đây nhận công tác, tôi chủ yếu đi dạy tại các bản lẻ. Thời đó, ở mảnh đất Kỳ Sơn đa số là đi bộ đi dạy. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi cả hai vợ chồng đang hợp đồng vào Bảo Nam di dạy và đi bộ hơn một buổi mới đến điểm trường. Hai vợ chồng dìu nhau đi bộ gần 10km vào bản Lưu Tân. Lần đó, vợ tôi đang mang bầu, đi bộ gặp trời mưa nên phải dìu vợ nữa trở nên vất vả vô cùng. Nhưng riết rồi cũng quen dần với đường đi ở mảnh đất này”.

Năm 2008, thầy Dũng được “điều động” đến Trường Tiểu học Mường Ải, đúng năm này lũ lớn ầm ầm kéo về toàn bộ đồ đạc của cả hai vợ chồng bị cuốn trôi sạch.

“Hôm đó lũ bất ngờ quét vào ban đêm, không kịp trở tay nên hai vợ chồng kéo nhau bỏ chạy khỏi căn phòng thoát nạn, còn tất cả đồ đạc, đồ dạy học đều bị lũ cuốn trôi sạch. Năm đó hai vợ chồng tay trắng phải làm lại từ đầu, nhưng công tác giảng dạy cho con trẻ ở vùng biên vẫn phải hoàn thành”, thầy Dũng chia sẻ.

Con không dám nhìn mặt bố mẹ

Trải qua nhiều điểm trường ở nhiều xã khó khăn của huyện Kỳ Sơn, đến nay thầy Dũng đang “cắm chốt” ở bản Huồi Thum, xã Na Ngoi với hành trình gieo chữ cho các em tại đây. Thầy kể, từ khi về xã Na Ngoi, thầy tiếp tục xin đi bản xa để dạy học.

Góc soạn bài, giáo án của thầy Dũng đơn sơ.

“Tại Na Ngoi tôi đã đi dạy điểm lẻ ở Pù Quặc được hơn 1 năm. Mảnh đất Pù Quặc cũng tương đối khó khăn, nhưng không bằng ở Huồi Thum này. Huồi Thum là bản khó khăn, gian nan bậc nhất cái xã này. Các em học sinh ở đây vất vả lắm, hầu hết cha mẹ họ không lo lắng việc học các con đâu, cho nên chúng tôi dường như lo lắng hơn cho bà con đó”, thầy Dũng chia sẻ thêm.

Lũ có về, đường có xa, phải cuốc bộ cả ngày đường 2 vợ chồng không sợ, nhưng nỗi niềm lớn nhất là đối với các con. Sinh con ra cứ được 1 tuổi thì hai vợ chồng lại phải gửi con về ông bà ngoại chăm sóc, nuôi dưỡng.

Thời gian ở bên con ít ỏi, thậm chí có lần bố mẹ về các con còn không muốn ngủ cùng vì chúng đã quen hơi ấm của ông bà. Những lần như vậy nước mắt người thầy từng vượt núi, cắt rừng đương đầu với lũ đã rơi. Nhiều lúc muốn gọi một cuộc điện thoại về cho con phải đi hơn 20km mới có sóng.

Cô Lô Thị Hồng công tác tại điểm trường Huồi Thum) chia sẻ những kỷ niệm dạy học nơi bản xa.

“Chúng tôi lên đây công tác rồi lấy nhau luôn, hai vợ chồng sinh được 2 đứa con do ở trên này không có thời gian, thiếu thốn đủ đường nên phải gửi cả hai đứa về ông bà dưới xuôi nuôi nấng. Hàng tuần, hàng tháng khi có điều kiện thì mới về thăm cháu một vài ngày.

Những lần về thăm con vợ chồng ứa nước mắt, bởi con thấy mình như người lạ. Đưa tay bế nó cũng không cho, thấy vậy tôi đã khóc và nghĩ bởi sự chia cách về thời gian, không gặp được con nhiều nên các cháu mới vậy. Có lần về thăm, đêm bế cháu để ngủ với mình, nó cứ nằng nặc sang giường bà để ngủ, thấy vậy tôi cố ôm cháu, nhưng nó cứ khóc”, nói đoạn thầy Dũng quay đi rồi bật khóc.

Còn cô Lô Thị Thúy (SN 1988, quê ở bản Lũng, xã Tam Thái, huyện Tương Dương, Nghệ An) cũng đã tình nguyện vào bản Huồi Thum “chốt” được 8 năm qua. Phải đến năm 2017 mới có đường vào Huồi Thum còn trước đó đều phải đi bộ.

Thầy Dũng quê miền xuôi lên công tác gần 20 năm dạy học, mỗi khi nhớ về các con gửi nơi ông bà luôn rưng rưng nước mắt.

Cái khó nhất đối với cô chính là việc bất đồng ngôn ngữ với học sinh, bởi 100% đều là đồng bào người Khơ Mú, gia đình các em cũng rất khó khăn nên để quan tâm đến việc học của các con cũng rất ít.

“Năm 2017, từ khi có thủy điện họ làm cho đường đi nên mới đi được xe máy. Đối với các em học sinh tại đây khó khăn nhất là bất đồng ngôn ngữ. Học sinh 100% là người Khơ Mú, các gia đình họ đều khó khăn. Không quan tâm lắm đến việc học của con mình, nên giáo viên như chúng tôi phải cố gắng thôi”, cô Thúy tâm sự.

Góc nấu ăn của các em học sinh Mầm non ở Huồi Thum.

Các em học sinh điểm trường Tiểu học Huồi Thum vẫn còn nhiều gian nan.

Cũng như cô Hồng, thầy Dũng, cô Thúy từ ngày lấy chồng, sinh con mỗi người một nơi làm ăn. Chồng cô miền xuôi ở huyện Nam Đàn, còn cô công tác giảng dạy ở Kỳ Sơn. Hai vợ chồng có với nhau một đứa con. Sinh con ra chưa đầy một tuổi phải gửi về cho O ở huyện Hưng Nguyên nuôi nấng, bởi ông bà ngoại ở Nam Đàn già yếu, còn chồng đi làm công trình tận miền Nam.

“Hiện chồng em đi làm công trình ở Sài Gòn, con ở với O ở Hưng Nguyên. Mỗi tháng em về thăm cháu 1 lần. Nhưng lần nào về cháu cũng xa lánh, mỗi lần như vậy, em cũng não nề lắm, nhưng vì sự nghiệp gieo chữ nên đành phải chấp nhận chứ biết làm sao”, Thúy tâm sự.

Thầy Lâm Nguyên Ngọc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Ngoi 2 chia sẻ: “Huồi Thum là điểm trường xa nhất của xã cách điểm trường chính 18km, đây là điểm bản 100% dân tộc Khơ Mú, nằm xung quanh khe suối, mưa to bản này bị cô lập. Điểm trường có 42 em thì 41 em học sinh nghèo. Ở đây có 5 thầy cô, tất cả đều cố gắng khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ”.

Tác giả: Nguyễn Phê

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP