Tin trong tỉnh

Thủy điện Chi Khê: Dự án nghìn tỉ đền bù kiểu... 'không giống ai'

Thủy điện Chi Khê được khởi công từ năm 2013 với số vốn ước tính gần 1.400 tỉ đồng. Tuy vậy việc đền bù và giải phóng mặt bằng của thủy điện này để lại nhiều tai tiếng, gây bức xúc cho người dân trong khu vực.

4 lần nước dâng 4 lần dân kêu

Để một thủy điện đi vào hoạt động, đi đôi với vấn đề thi công công trình là vấn đề đền bù và giải phóng mặt bằng thỏa đáng tại khu vực lòng hồ thủy điện. Tuy nhiên, từ ngày công trình thủy điện Chi Khê ngăn nước cũng là ngày "dậy sóng" dư luận và bức xúc cho người dân.

Nhiều diện tích đất của người dân bị ảnh hưởng nhưng chưa được xử lý

Ngồi trong căn nhà sàn mép bờ sông Lam, thả hơi thuốc lào trắng xóa, ông L. V. T. ở bản Liên Hồng, xã Cam Lâm (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) kể, từ khi có dự án thủy điện Chi Khê số cán bộ về bản không thể nào đếm xuể, người về hỏi han đất đai, có người cầm cọc, cầm máy đo đạc.

Vậy nhưng theo ông T. thì việc đền bù cho người dân bản đến nay cũng chưa xong. Đất của người dân đang ngày ngày bị nước cuốn trôi, diện tích đất bị ngập cũng chưa đền bù hết. Người dân bản đã năm lần bảy lượt gửi đơn lên chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý.

“Về lý mà nói, thủy điện muốn vận hành thì trước hết phải đền bù thỏa đáng cho dân bị ảnh hưởng. Đằng này các ông lại chơi bài ngược lại, vận hành rồi mới đền bù là như thế nào. Thủy điện thấy chúng tôi kém hiểu biết nên thực hiện như vậy đấy. Nếu ở nơi khác, người dân đã bao vây thủy điện Chi Khê đòi quyền lợi rồi chú ạ”, ông T. nói.

Danh sách ý kiến kiến nghị của hơn 100 hộ dân ở xã Lạng Khê, huyện Con Cuông

Ngược theo dòng sông Lam trên chiếc thuyền máy nhỏ chúng tôi trở lại bản Boong (xã Lạng Khê, huyện Con Cuông), nơi có những hộ dân đang “đau đầu” không thể hiểu vì sao ruộng vườn của gia đình ngày ngày bị nước cuốn trôi.

Tại đây, chị V. T. T. cho biết, gia đình chị có một thửa đất sản xuất lâu năm ở bờ sông Lam. Diện tích bao gồm đất dưới bờ sông trồng cây hàng năm và đất trên đồng bằng trồng mét. Sau khi thủy điện về đo đạc, đền bù phía gia đình chị chỉ nhận được hơn 2 triệu đồng tiền bồi thường hoa màu tại vùng đất dưới bờ sông. Còn tiền đất dưới bờ sông thì UBND xã Lạng Khê đã nhận số tiền đó? Ngoài ra, diện tích đất trên đồng bằng và cây mét bị ảnh hưởng gia đình chị không hề được đền bù?

Chính quyền thừa nhận việc đo đạc quy hoạch có “vấn đề”

Để hiểu rõ hơn về vấn đề người dân chịu ảnh hưởng bởi lòng hồ thủy điện Chi Khê, phóng viên đã trực tiếp liên hệ với UBND huyện Con Cuông. Tại đây, chúng tôi được giới thiệu gặp ông Vi Thanh Dũng, Chuyên viên phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Con Cuông. Ông Dũng là người đã có nhiều năm làm việc, tham gia trực tiếp vào việc giải phóng mặt bằng tại thủy điện Chi Khê.

Nước của lòng hồ thủy điện Chi Khê đang ngày ngày đe dọa đất sản xuất của dân

Qua trao đổi, ông Dũng cho biết, thủy điện Chi Khê chưa bao giờ giải phóng mặt bằng ngoài cao trình 38. Tuy nhiên, việc điều tra cơ bản của nhà đầu tư và cơ quan chức năng về quy hoạch lòng hồ không chính xác, điều đó đòi hỏi phải bổ sung quy hoạch lòng hồ 3 đến 4 lần. Mỗi lần điều tra thêm lại tăng diện tích đền bù.

Sau khi giải phóng dứt điểm theo bản đồ quy hoạch năm 2014, tiếp đến có bổ sung 25 ha do phản ánh từ người dân. Năm 2018 tích thử lại phát sinh hơn 100 ha. Đến khi tích chính thức với cao trình 38, tiếp tục phát sinh. Những khu vực chịu ảnh hưởng trong quá trình phát sinh đó chưa được thực hiện bồi thường. Những vị trí trên cần có bổ sung quy hoạch lòng hồ, cần đo đạc địa chính và sở TN&MT Nghệ An phê duyệt.

Do nền đất yếu nên đất ở khu vực lòng hồ thủy điện dễ bị sạt lở khi nước dâng cao, người dân hết "năm lần bảy lượt" đòi quyền lợi

“Phía huyện cũng đã nhiều lần thúc dục chủ đầu tư sớm đẩy nhanh việc đo đạc để chúng tôi tiếp tục thực hiện việc đền bù cho người dân. Nguyên tắc của hội đồng GPMB là khi có bản đồ được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì mới tiếp tục lập hồ sơ tiếp”, ông Dũng giải thích.

Được biết, đến nay toàn huyện Con Cuông có hơn 200 hộ dân ở các xã: Cam Lâm, Châu Khê, Lạng Khê đang bị ảnh hưởng bởi việc tích nước và xây dựng thủy điện Chi Khê và chưa được điều tra lại? Điều này đồng nghĩa với việc đền bù đang bị bỏ ngõ?

Trước thực trạng này một số hộ dân bức xúc: “Thủy điện Chi Khê sinh ra đã mang lại lợi ích trông thấy. Chúng tôi đã nhường đất, bỏ nơi chôn rau cắt rối để thực hiện dự án thủy điện. Vậy nhưng thủy điện Chi Khê lại không thể thực hiện được những quyền lợi tối thiểu của dân. Giờ đây chúng tôi cũng không biết kêu ai”.

Trước đó ANTT cũng đã có bài viết phản ánh, hàng chục hộ dân bản Boong, xã Lạng Khê kêu trời vì đất sản xuất của gia đình đang ngày ngày bị “hà bá” nuốt. Họ cho rằng nguyên nhân do thủy điện Chi Khê gây ra.

An ninh Tiền tệ sẽ tiếp tục thông tin./.

Tác giả: Quân Cơ

Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP