Kinh tế

TP HCM xây dựng phương án mở cửa hoạt động các chợ truyền thống

Sở Công Thương TP HCM dự báo nhu cầu "đi chợ hộ" sẽ tiếp tục giảm, gây áp lực lên các chợ đầu mối và hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn.

Theo thống kê của Sở Công Thương TP, trong ngày 26-9, toàn TP chỉ có 45.180 lượt hộ dân đặt hàng "đi chợ hộ", giảm 4,7% (tương đương 2.228 lượt hộ) so với ngày hôm trước.

Đây cũng là lượng đặt hàng "đi chợ hộ" thấp nhất kể từ khi bắt đầu triển khai chương trình vào ngày 23-8 đến nay (giai đoạn cao điểm có trên 100.000 lượt đơn hàng mỗi ngày). Lũy kế từ ngày 23-8 đến 26-9, đã có 2.549.953 lượt hộ đăng ký "đi chợ hộ".

"Với việc tăng điểm bán, kéo dài thời gian hoạt động, cho phép thêm loại hình cung ứng thực phẩm, tổ chức lực lượng shipper, tổ chức đặt hàng trực tuyến thông qua các ứng dụng..., người dân đã chủ động chuyển sang đặt hàng trực tuyến và giao nhận hàng thông qua lực lượng shipper, đi chợ trực tiếp tại các điểm bán hàng dã chiến; người dân quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ được trực tiếp đi chợ 1 lần/tuần... dẫn đến nhu cầu đặt hàng và lượng hàng hóa cung ứng thông qua mô hình "đi chợ hộ" đang có xu hướng giảm dần" - Sở Công Thương thông tin.

Người dân TP HCM đi chợ mua thực phẩm trước ngày 23-8

Trong thời gian tới, theo lộ trình kế hoạch mở cửa trong điều kiện an toàn phòng, chống dịch của TP, nhu cầu đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa sẽ được tạo điều kiện thông thoáng hơn.

Sở Công Thương và các sở, ngành, địa phương liên quan sẽ tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc đáp ứng các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch Covid-19, đánh giá nguy cơ và khả năng kiểm soát trước khi đưa vào hoạt động các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm trên địa bàn.

Rà soát, đánh giá và hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức mở cửa trở lại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống tạm dừng hoạt động phục vụ công tác phòng, chống dịch trên nguyên tắc an toàn đến đâu mở cửa đến đó.

Sở Công Thương TP cũng đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chủ động xây dựng phương án hoạt động các chợ. Trong quá trình triển khai có khó khăn, vướng mắc, Sở sẽ phối hợp các ngành chức năng hỗ trợ giải quyết.

Ngành công thương cũng sẽ tổ chức rà soát, đánh giá lại tình hình cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP trong thời gian qua để đúc kết kinh nghiệm và xây dựng mô hình hoạt động mang tính bền vững hơn trong thời gian tới, nhất là đối với chuỗi sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 2 ngành công nghiệp truyền thống, chuỗi liên kết cung ứng nông sản thực phẩm qua 3 chợ đầu mối.

Trong thời gian TP HCM thực hiện giãn cách xã hội, Sở Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa lương thực thực phẩm thiết yếu đến tay người dân trên địa bàn. Các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại các chợ đầu mối đã được đưa vào hoạt động. Sở cũng đã phối hợp UBDN TP Thủ Đức và các quận, huyện triển khai kế hoạch về cung ứng hàng hóa, thực phẩm thiết yếu.

Tác giả: Thanh Nhân

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: chợ truyền thống , tp hcm

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP