Thế giới

Vì sao Trung Quốc trải thảm đỏ đón bà Mạnh Vãn Chu?

Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu về nước sau 3 năm bị giam lỏng tại Canada, trong sự chào đón nhiệt tình của người dân Trung Quốc.

Giám đốc tài chính Huawei vẫy tay chào đám đông khi bước ra ngoài máy bay tại sân bay ở Thâm Quyến vào tối 25/9 (Ảnh: Xinhua).

Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, người bị các công tố viên liên bang Mỹ truy nã vì nghi vấn gian lận liên quan đến cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Iran, đã bị bắt tại Vancouver, Canada vào tháng 12/2018. Trung Quốc gọi đây là một vụ bắt giữ chính trị của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và liên tục yêu cầu thả người.

Cuộc chiến pháp lý của con gái nhà sáng lập Huawei Mạnh Chính Phi khiến quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và Canada trở nên căng thẳng, đặc biệt sau khi Bắc Kinh bắt giữ 2 công dân Canada. Động thái này của Trung Quốc được cho là đòn trả đũa chính trị nhằm vào Canada.

Ngày 24/9, bà Mạnh được phép về nước sau khi đạt được thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ về việc hoãn truy tố cho đến cuối năm 2022, sau đó các cáo buộc nhằm vào bà có thể được bãi bỏ. Vài giờ sau khi bà Mạnh được trả tự do, 2 công dân Canada bị Trung Quốc bắt giữ, Michael Kovrig và Michael Spavor, cũng được thả và lên máy bay về nước.

Tối 25/9, thành phố Thâm Quyến ở phía nam Trung Quốc, nơi đặt trụ sở chính của tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei, đã trải thảm đỏ chào đón "công chúa" Huawei. Bà Mạnh về nước trên chuyến bay do chính phủ Trung Quốc thuê.

Mặc một chiếc váy đỏ, bà Mạnh bước ra khỏi máy bay mà không cần đeo khẩu trang. Bà vẫy tay chào đám đông gồm hơn 100 người đang vẫy cờ và reo hò: "Chào mừng bà đã trở về nhà".

"Cuối cùng tôi cũng về nhà!", bà Mạnh nói ngắn gọn trước những người tập trung tại đường băng sân bay, bày tỏ lòng biết ơn đối với "đất mẹ vĩ đại", đặc biệt là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

"Là một công dân Trung Quốc bình thường đã phải chịu hoàn cảnh khó khăn này và bị mắc kẹt ở nước ngoài trong 3 năm, chưa có một giây phút nào tôi không cảm nhận được sự quan tâm và sự ấm áp của đảng, của đất nước và của nhân dân", bà Mạnh nói.

Bà Mạnh kết thúc bài phát biểu với lời ca ngợi sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, đồng thời cam kết trung thành với đất nước.

Đám đông chào đón bà Mạnh Vãn Chu ở sân bay Thâm Quyến (Ảnh: Xinhua).


Theo CNN, mặc dù bà Mạnh liên tục nhận mình là một "người Trung Quốc bình thường" trong bài phát biểu tại sân bay, nhưng sự tiếp đón hoành tráng dành cho bà không cho thấy đó là điều bình thường.

Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay, bà Mạnh được chào đón bằng một thông điệp đặc biệt từ tháp kiểm soát không lưu: "Đây là sân bay Bảo An, Thâm Quyến của Trung Quốc. Tổ quốc mãi mãi là chỗ dựa mạnh mẽ nhất của bà. Chào mừng trở lại, bà Mạnh Vãn Chu!".

Bên trong sảnh đến, hàng trăm người tụ tập để chào đón bà Mạnh. Họ cầm cờ, hoa và biểu ngữ, thể hiện niềm tự hào dân tộc, hô vang khẩu hiệu "Tổ quốc muôn năm" và hát vang các ca khúc yêu nước.

Những tòa nhà chọc trời cao nhất ở trung tâm thành phố Thâm Quyến được thắp sáng với thông điệp: "Chào mừng Mạnh Vãn Chu trở về nhà!".

Trên mạng xã hội Trung Quốc, tin tức về hành trình về nước của bà Mạnh đã thu hút sự chú ý của công chúng và "thống trị" các cuộc thảo luận. Hàng chục triệu người đã theo dõi tường thuật trực tiếp của truyền thông nhà nước Trung Quốc về hành trình trở về của bà Mạnh. Một số kênh thậm chí tường thuật trong 6 giờ liên tục.

"Chiến thắng ngoại giao"

Nhiều người gọi bà Mạnh Vãn Chu là "người hùng dân tộc" và ca ngợi sự trở về của "công chúa" Huawei như một biểu tượng cho chiến thắng của Trung Quốc trước phương Tây.

"Lý do khiến (sự trở về của bà Mạnh) thu hút nhiều sự chú ý như vậy là bởi đây là chiến thắng ngoại giao của Trung Quốc và là biểu hiện cho sức mạnh của Trung Quốc", một người bình luận trên Twitter.

Bài bình luận đăng trên Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã mô tả việc trở về của bà Mạnh là "một thắng lợi lớn của nhân dân Trung Quốc".

Bài bình luận gọi vụ bắt giữ bà Mạnh là một hành động "đàn áp chính trị" của Mỹ nhằm "gây sức ép với các doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc" và làm cản trở tiến trình phát triển của đất nước.

Nhà chọc trời ở Thâm Quyến chiếu khẩu hiệu chào đón bà Mạnh Vãn Chu về nước (Ảnh: Xinhua).


Wang Yiwei, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, cho biết người dân Trung Quốc thực sự vui mừng và phấn khích khi bà Mạnh trở về nước, vì họ cảm thấy rằng Trung Quốc đã trở thành nước đi đầu trong kỷ nguyên kỹ thuật số, sau khi bị lép vế kể từ cuộc cách mạng công nghiệp.

"Sự kiện lần này nhắc nhở người Trung Quốc rằng "đế quốc Mỹ chỉ là hổ giấy" và họ không thể đánh bại bạn chừng nào bạn không bỏ cuộc", chuyên gia Wang cho biết.

Lu Xiang, nhà nghiên cứu về Mỹ tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng Huawei đại diện cho sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ Trung Quốc và là một trong số ít lĩnh vực mà Trung Quốc đi trước Mỹ.

Ông Lu lập luận rằng vụ việc của bà Mạnh Vãn Chu cũng góp phần nâng cao lòng tự hào dân tộc, điều này chắc chắn thu hút sự ủng hộ của người dân Trung Quốc.

"Mỹ đã sai lầm khi nhắm mục tiêu vào Huawei ngay từ đầu", ông Lu nói.

Theo SCMP, một chương trình bình luận trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc đã ca ngợi công lao của chính phủ Trung Quốc trong việc đòi tự do cho bà Mạnh, so sánh sự kiện này với việc sơ tán công dân Trung Quốc khỏi các vùng chiến sự như Yemen và Afghanistan.

"Bất cứ khi nào người dân của chúng tôi gặp nguy hiểm, nhà nước của chúng tôi luôn xuất hiện đúng lúc", bình luận nhận được 100.000 lượt thích.

Sự thỏa hiệp của các bên?

Zhu Feng, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, nhận định việc gọi hành trình về nước của bà Mạnh Vãn Chu là "chiến thắng" của Trung Quốc xuất phát từ cảm xúc dân tộc chủ nghĩa. Thực chất, tất cả các bên đều đã có sự thỏa hiệp.

Hai công dân Canada bị Trung Quốc giam giữ vì cáo buộc làm gián điệp - Michael Kovrig và Michael Spavor - cũng được Bắc Kinh trả tự do ngay sau khi bà Mạnh được thả. Nhiều người cho rằng đây là sự trao đổi giữa hai nước, trong khi chuyên gia Zhu cho biết Mỹ hiện có thể kỳ vọng các cuộc đàm phán thương mại mở lại với Bắc Kinh.

"Sẽ là nói quá khi cho rằng vụ việc này đã làm chuyển hướng mối quan hệ Mỹ - Trung, nhưng nó chắc chắn là biểu tượng cho sự bền bỉ về ngoại giao và các chiến thuật mới của Trung Quốc", ông Zhu nhận định.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP