Theo quy định tại Nghị định số 131 ngày 29/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, có 7 tập đoàn và 12 tổng công ty được Chính phủ giao Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu.
Năm tổng công ty thuộc Bộ GTVT gồm: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Việc bàn giao lần này gồm các tài liệu pháp lý của doanh nghiệp như quyết định thành lập; điều lệ tổ chức và hoạt động; quyết định phê duyệt Kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm và kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp; quyết định phê duyệt Quy chế tài chính, vốn điều lệ; quyết định bổ nhiệm các chức danh; báo cáo tài chính hợp nhất...
Bộ GTVT chuyển giao 5 doanh nghiệp lớn nhất ngành cho "siêu ủy ban". |
Tại lễ bàn giao ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhận định, 5 Tổng công ty nói trên là những doanh nghiệp gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của ngành giao thông vận tải, kể cả những khó khăn, vướng mắc của các Tổng công ty này cũng liên quan đến hoạt động của Bộ GTVT. Mặc dù bàn giao về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, nhưng Bộ GTVT cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban để các doanh nghiệp này hoạt động ngày càng tốt hơn.
Theo Bộ trưởng GTVT, đối với các vấn đề đang tồn tại, với trách nhiệm và thẩm quyền của mình, chúng tôi sẽ phối hợp với Uỷ ban đề xuất các giải pháp xử lý để Uỷ ban có thể báo cáo lên Chính phủ, Quốc hội có phương án giải quyết.
“5 Tổng công ty về việc, các doanh nghiệp chỉ chuyển giao sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước về mặt hành chính và tổ chức bộ máy, còn công tác chuyên môn các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện đầy đủ. Bộ sẽ vẫn đồng hành cùng các doanh nghiệp nhưng thời gian tới sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát về mặt chuyên môn tại 5 doanh nghiệp này, đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành một cách tốt nhất.” - ông Thể nói.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, việc 5 Tổng công ty này có tổng tài sản rất lớn lên tới hơn 275.000 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 49.000 tỷ đồng, vốn Nhà nước góp vào hơn 46.000 tỷ đồng, “chiếm tới 1 phần 4 tổng tài sản của cả nước”.
Theo Phó Thủ tướng, việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn là triển khai chủ trương thực hiện mô hình đại diện chủ sở hữu do trước đây vai trò này phân tán ở các bộ, nay một cơ quan riêng là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước sẽ thực hiện chức năng đại diện phần vốn Nhà nước ở doanh nghiệp và quản lý số vốn này. Việc này cũng xác định rõ ràng chức năng quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với chức năng đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp.
Vietnam Airlines là một trong 5 doanh nghiệp lớn nhất ngành GTVT chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước |
Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhắc nhở Bộ GTVT vẫn còn nguyên 5 chức năng quản lý Nhà nước gồm: Xây dựng hệ thống pháp luật và hệ thống văn bản pháp luật về hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực giao thông; Xây dựng, hoạch định chiến lược, kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp; Hệ thống định mức tiêu chuẩn liên quan đến các lĩnh vực giao thông vận tải như giá cả, đơn giá, định mức, tiêu chuẩn, quy chuẩn…; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý Nhà nước về ngành giao thông; Thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp.
“Việc chuyển chức năng đại diện chủ sở hữu đang phân tán tại các bộ về Ủy ban Quản lý vốn không làm suy giảm vai trò của các bộ mà chính là tạo điều kiện để các bộ làm tốt hơn chức năng quản lý Nhà nước về chuyên ngành.” - Phó Thủ tướng khẳng định.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước được thành lập từ tháng 2/2018. Cuối tháng 9/2018, “siêu” Ủy ban đã chính thức hoạt động, quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển về từ các bộ, ngành. Ủy ban có nhiệm vụ quản lý tổng số tài sản khoảng 1,5 triệu tỷ đồng và 820.000 tỷ đồng vốn Nhà nước.
Tác giả: Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: Báo Dân trí