Kinh tế

Bổ sung quy hoạch nhiều cảng hàng không mới

Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về kết quả rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Điểm mới nhất trong dự thảo lần này là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không kiến nghị bổ sung quy hoạch 2 cảng hàng không quốc nội, gồm Thành Sơn tại tỉnh Ninh Thuận (thời kỳ 2021- 2030: công suất 1,5 triệu lượt hành khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050: công suất 3 triệu lượt hành khách/năm) và Biên Hòa tại tỉnh Đồng Nai (thời kỳ 2021-2030: công suất 5 triệu lượt hành khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050: công suất 10 triệu lượt hành khách/năm).

Lượng khách qua các cảng hàng không đang ngày một gia tăng.

Liên quan đề xuất bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới của các địa phương, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đã tổ chức làm việc với UBND các tỉnh đề xuất bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới vào quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc và đã có báo cáo Bộ GTVT kết quả làm việc vào cuối tháng 11/2022. Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp với tư vấn nghiên cứu và đề xuất phân loại thành 2 nhóm cảng hàng không mới để đề xuất bổ sung vào quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc.

Cụ thể, đối với nhóm địa phương có sân bay quân sự đang khai thác, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch, chuyển đổi một số sân bay quân sự hiện có sang khai thác lưỡng dụng theo mô hình cảng hàng không tại các tỉnh có sân bay quân sự, gồm sân bay Yên Bái (tỉnh Yên Bái), sân bay Gia Lâm (TP. Hà Nội) và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét khi có đủ điều kiện cần thiết.

Đối với nhóm địa phương hiện chưa có sân bay, Cục Hàng không Việt Nam muốn tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch cảng hàng không tại một số tỉnh có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và về lâu dài có tiềm năng phát triển về du lịch, dịch vụ, nhưng chưa có sân bay quân sự đang khai thác và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét khi có đủ các điều kiện cần thiết.

Việc có thêm cảng hàng không sẽ tạo động lực cho nhiều địa phương phát triển.

Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị cập nhật diện tích đất của các cảng hảng không theo các kết quả nghiên cứu lập quy hoạch nêu trên vào hồ sơ quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc. Sau khi cập nhật, tổng diện tích đất dự kiến của Quy hoạch Tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc giai đoạn đến năm 2030 tăng từ 20.378,41 ha lên 23.831,72 ha (tăng 3.453,31 ha) và giai đoạn đến năm 2050 tăng từ 22.481,77 ha lên 26.089,25 ha (tăng 3.607,48 ha).

Nếu những đề xuất nói trên được chấp thuận thì trong giai đoạn 2021 - 2030, cả nước sẽ có 30 cảng hàng không, gồm 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 14 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo). Hai cảng hàng không quốc nội chưa từng xuất hiện trong các quy hoạch và dự thảo quy hoạch trước đó là Thành Sơn và Biên Hòa sẽ được hình thành từ việc chuyển đổi các sân bay quân sự Thành Sơn và Biên Hòa sang khai thác lưỡng dụng theo mô hình cảng hàng không.

Về tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc sẽ có 33 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 19 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Biên Hòa, Thành Sơn và cảng hàng không thứ 2 tại Hà Nội).

Tác giả: Phạm Huyền

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP