Tham dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Lưu Quang – Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Trần Văn Sơn - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các thành viên Ban Chỉ đạo; các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị; lãnh đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An |
Trong 10 tháng đầu năm 2023, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 341 quy định kinh doanh tại 30 VBQPPL
Trong 10 tháng năm 2023, công tác CCHC đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những đổi mới, quyết liệt, sát sao, cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đẩy mạnh công tác CCHC.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn đối với công tác CCHC nói chung, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chủ trì hội nghị tại điểm cầu Nghệ An |
Công tác xây dựng và ban hành pháp luật là một trong những nội dung được ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các thành viên ban chỉ đạo tại các bộ, ngành. Trong 10 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã tổ chức 08 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Từ đầu năm 2023 đến 06/10/2023, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 247 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), giảm 08 văn bản so với cùng kỳ 2022; các địa phương ban hành 1.540 VBQPPL cấp tỉnh (tăng 39 văn bản so với cùng kỳ năm 2022), 1.135 VBQPPL cấp huyện (tăng 171 văn bản so với cùng kỳ năm 2022) và 57 VBQPPL cấp xã (giảm 421 văn bản so với cùng kỳ năm 2022)…
Về rà soát cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh: Trong 10 tháng đầu năm 2023, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 341 quy định kinh doanh tại 30 VBQPPL. Luỹ kế từ năm 2021 đến 31/10/2023, các bộ, cơ quan đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 201 VBQPPL để cắt giảm, đơn giản hóa 2.483 quy định kinh doanh. Các bộ, ngành đã đơn giản hóa 437 TTHC/1.086 TTHC (đạt 40%) để thực thi 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, trong đó có 05 bộ, ngành hoàn thành thực thi phương án.
|
Lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh dự hội nghị |
Về rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022 – 2025, theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, đến 31/10/2023, đã có 21/22 bộ, ngành và 61/63 địa phương công bố 4.028 TTHC nội bộ (Bộ, ngành: 1.342 TTHC, các địa phương: 2.686.TTHC); 05 địa phương phê duyệt phương án đối với 117 TTHC nội bộ, trong đó cắt giảm, đơn giản hóa 32 TTHC…
Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, trong tháng 10 năm 2023, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử của các bộ, ngành đạt 26,93% (tăng 16,15% so với cùng kỳ năm 2022), các địa phương đạt 40,91% (tăng 27,77% so với cùng kỳ năm 2022). Việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của cấp bộ đạt 82,42% (tăng 30,73% so với cùng kỳ năm 2022), địa phương đạt 70,15% (tăng 31,31% so với cùng kỳ năm 2022)… 36/63 địa phương đã triển khai Trung tâm chỉ đạo, điều hành thông minh. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình trên tổng số đủ điều kiện đạt 100%; 40/63 địa phương tham mưu, ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện DVCTT nhằm thu hút người dân tham gia sử dụng.
Theo thống kê từ Bộ Công an, đến 10/10/2023 đã cấp trên 83,76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; thu nhận trên 64,3 triệu hồ sơ định danh điện tử; trong đó, đã kích hoạt trên 379,3 triệu tài khoản (chiếm 69,4% tổng tài khoản phê duyệt, tăng 17,2 triệu tài khoản so với thời điểm sơ kết 6 tháng). Có 24 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và có tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cao. Toàn quốc đã có 12.597 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) triển khai KCB bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip (đạt 98,2% tổng số cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc, tăng 142 cơ sở so với thời điểm sơ kết 6 tháng); 91,2 triệu thông tin nhân khẩu được làm sạch giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và Dân cư.
Tuy nhiên, tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục. Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ. Một số bộ chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo quy định, dẫn đến khó khăn cho tổ chức thực hiện tại địa phương. Việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết TTHC còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, có nơi, có lúc gây phiền hà cho người dân; việc rà soát, đồng bộ kết quả giải quyết hồ sơ TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia ở một số nơi chưa kịp thời; việc số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn hạn chế; việc thực hiện cung cấp DVCTT còn hình thức, chưa thực chất, chưa hiệu quả, tình trạng công chức nộp hồ sơ trực tuyến thay cho công dân diễn ra khá phổ biến…
Tại phiên họp, các Bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn kinh tế đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện CCHC; đồng thời đề xuất các giải pháp để tổ chức thực hiện.
Phân cấp, phân quyền, rà soát cắt bỏ các TTHC không cần thiết đối với người dân và doanh nghiệp
Thủ tướng Chính phủ phát biểu kết luận hội nghị. Nguồn: Chinhphu.vn |
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả trong công tác CCHC đạt được thời gian qua tại các Bộ, ngành, địa phương, qua đó đã kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với người dân, doanh nghiệp. Vai trò của người đứng đầu tại các địa phương, đơn vị được phát huy. Công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh… Tuy nhiên, theo Thủ tướng Chính phủ, nhận thức của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu vẫn còn hạn chế về tầm quan trọng, sức lan tỏa của CCHC. Nhiều TTHC còn rờm rà; việc thể chế các quy định còn tập trung nhiều ở Trung ương, chưa phân cấp phân quyền nhiều cho địa phương; kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số nơi chưa nghiêm…
Theo Thủ tướng Chính phủ, bài học kinh nghiệm trong CCHC đó là phải tích cực chủ động, phát huy tinh thần trách nhiệm đối với công việc Đảng và Nhà nước giao; nhận thức thống nhất từ ý thức và hành động.
Về nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và sức lan tỏa của công tác CCHC đối với sự phát triển của đất nước. Đẩy mạnh hơn nữa thực hiện 6 nội dung trong công tác CCHC. Thực hiện đồng bộ, toàn diện các nội dung CCHC để tạo ra đột phá, nhất là CCHC đối với doanh nghiệp, người dân tại cơ sở. Bố trí nguồn lực, con người ở cơ sở theo hướng giảm cán bộ, công chức ở cấp huyện, tỉnh để tăng cường cho cơ sở để CCHC từ cơ sở.
Các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao, không đùn đẩy trách nhiệm. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC được giao.
Các đồng chí Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp phải lắng nghe, đối thoại với nhân với tinh thần cầu thị, không hình thức. Các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện các VBQPPL, không để tình trạng nợ đọng văn bản. Đặc biệt lưu ý, khi xây dựng văn bản phải rà soát phân cấp, phân quyền, rà soát cắt bỏ các TTHC không cần thiết đối với người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các bộ, ngành khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành mình. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc CCHC tại địa phương, đơn vị... Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ CCHC.
Tác giả: PT
Nguồn tin: nghean.gov.vn