Trước, ở khắp các làng quê, nhà nào cũng đào một cái giếng để lấy nước sinh hoạt, đội ngũ làm nghề đào giếng rất đông. Nay, người dân chủ yếu dùng nước máy, nước giếng khoan, nhu cầu đào giếng ít đi, nên thợ đào giếng cũng không nhiều. Họ thường đi làm theo nhóm, mỗi nhóm ít nhất 3 người (1 người đào, 1 người quay ròng rọc, 1 người đổ đất). Trong ảnh: Một nhóm thợ đang đào giếng ở xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn. |
Mùa hè nắng nóng, khô hạn là thời điểm những người đào giếng hoạt động nhiều nhất. Dụng cụ của nghề đào giếng gồm cuốc, xà beng... và một bộ ròng rọc quay tay gác trên một giàn gỗ tạm. Trong ảnh: Bộ ròng rọc bắc trên miệng giếng. |
Ngày trước, khi miệng giếng đã sâu xuống dưới lòng đất, người ta dùng 1 nhánh cây rậm lá kéo lên, thả xuống liên tục để thông khí; nay những người thợ thường cột cố định 1 chiếc quạt điện vào khung ròng rọc trên miệng giếng, cho thổi xuống giếng, vừa thông khí, vừa làm mát. |
Người thợ đào giếng hầu hết đều là những người có sức khỏe dẻo dai, gan dạ, không ngại nguy hiểm. Trong nhóm thợ, nếu có 2 người biết đào thì có thể thay đổi luân phiên nhau. |
Theo anh Nguyễn Xuân Khoa (45 tuổi) - một thợ đào giếng ở xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn: Đào giếng vùng đồi núi tuy khó khăn nhưng khá an toàn, không sợ bị giếng sập, còn đào ở vùng đồng bằng, đất mềm, dễ đào, nhưng khá nguy hiểm, nhất là những vùng ven sông. Gặp những vùng đất dễ bị sụt lún, tốp thợ phải vừa đào, vừa thả cống. Khi chưa hoàn tất, thợ đào phải quay trở trong lòng cống giếng chật hẹp để thao tác, là một việc “vô cùng cực nhọc”, nguy hiểm. |
Nếu người thợ chỉ dùng dụng cụ thô sơ như xà beng, cuốc để làm việc thì rất vất vả, nhất là gặp những vị trí đất khô cứng, toàn đá sỏi, đá điệp hay đá tảng. Nếu nhóm thợ sắm được máy khoan thì việc đào giếng đỡ vất vả hơn và làm nhanh hơn. Tuy nhiên, ở dưới giếng sâu, việc khoan đất đá không mấy dễ dàng. Hợp đồng đào giếng chỉ hoàn tất khi: “đào đến khi nào có nước thì thôi”. |
Anh Nguyễn Văn Thắng - một người từng làm nghề đào giếng lâu năm ở xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương cho rằng: Khi làm việc ở dưới giếng, thường chỉ có 1 người thợ chính đảm nhận hết mọi việc, vừa khoan, đào, vừa xúc đất, khiêng đá… Thợ chính khá vất vả vì phải lao động cật lực và chịu nhiều nguy cơ rình rập từ trong và trên giếng. |
Hai người ở trên miệng giếng vừa làm việc, vừa phải chú ý theo dõi người thợ chính hoạt động dưới đáy giếng, để phối hợp nhịp nhàng, khởi động ròng rọc kéo đất, trả xô chậu và xử lý kịp thời các sự cố. |
Gặp những ngày trời mưa, hay gặp mạch nước phun mạnh, việc đào giếng cũng gặp khó khăn, người ở dưới giếng phải vừa đào, vừa múc nước. Anh Nguyễn Xuân Khoa cho biết thêm: Nhóm anh đào giếng ở vùng đất đồi với đường kính giếng khoảng 1,4 m, mỗi ngày chỉ đào sâu được khoảng 0,8m. Giá hiện tại mỗi mét chiều sâu dao động từ 800 nghìn - 1 triệu đồng. |
Theo kinh nghiệm của những người thợ đào giếng, đất đá sau khi đào lên, phải được đổ xa miệng giếng, đặc biệt là những giếng khảo lại, tránh hiện tượng ngấm nước, sụt lún xung quanh giếng, gây sập giếng như một số nơi đã xảy ra. Quan niệm của những người đi đào giếng, khi gặp những sinh vật như cóc, nhái lỡ nhảy vào giếng đều được “cứu sống” bằng cách bỏ vào xô, chậu đưa lên khỏi mặt giếng. |
Anh Phan Văn Sự (42 tuổi) ở xã Thanh Tùng huyện Thanh Chương - người trở về từ “lưỡi hái tử thần” sau vụ sập giếng ở xã Thanh Hà (5/2019) cho biết: Nghề đào giếng vất vả, khó nhọc, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tai nạn, như chấn thương (do rơi xô chậu, đất đá); điện giật; ngạt khí độc và nguy hiểm nhất là tai nạn sập giếng. Tuy nhiên vì cuộc sống mưu sinh, không có nghề gì hơn, nên phải theo nghề đào giếng. Trong ảnh: Kết thúc một buổi đào giếng khó nhọc, người thợ theo dây tời lên mặt đất. |
Clip: Vất vả nghề đào giếng
Tác giả: Huy Thư
Nguồn tin: Báo Nghệ An