Học sinh cầm dao rượt nhau; nhóm nữ sinh đánh hội đồng bạn, xé áo, giật tóc rồi đăng clip lên mạng; giáo viên phạt quỳ, ép học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng; phụ huynh vào trường đánh cô giáo… Hàng loạt vụ bạo lực học đường xảy ra khiến dư luận lo lắng.
“Tính chất, mức độ của những vụ bạo lực ngày càng nghiêm trọng, để lại hệ lụy xấu. Thậm chí, một số vụ ẩu đả khiến học sinh tử vong ngay trước cổng trường, để lại nỗi đau, sự mất mát lớn về thể chất, tinh thần cho gia đình, nhà trường và xã hội”, TS Nguyễn Huy Phòng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đánh giá trong tham luận gửi Hội thảo Giáo dục 2021 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức.
Những vụ việc như nữ sinh đánh nhau, bạn học vây xem, cổ vũ khiến dư luận lo lắng. Ảnh minh họa. |
“Đánh cho bõ ghét”
GS.TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An - lo ngại về tình trạng bạo lực học đường hiện nay. Ông nêu thực tế nhiều học sinh có biểu hiện không tốt trong văn hóa ứng xử như nói xấu người khác, dối trá, nói tục, chửi thề, cãi vã, đánh nhau.
Ông cho biết những năm gần đây, cả nước xảy ra không ít vụ bạo lực học đường cả trong và ngoài trường. Không chỉ học sinh nam, nhiều nữ sinh tham gia đánh nhau, quay clip đưa lên mạng xã hội, gây bức xúc.
“Học sinh đánh nhau không chỉ dùng chân tay hay cặp sách nữa mà còn dùng dao, kiếm và cả súng tự chế để ‘xử nhau’ chỉ với những lý do rất trẻ con như ‘nhìn đểu’, không cho chép bài, nói xấu, ghen tuông hoặc đơn giản, đánh cho bõ ghét”, ông Thái Văn Thành cho hay.
Ngoài ra, giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An còn nêu hiện tượng học trò vô lễ, không tôn trọng giáo viên, gọi thầy cô bằng những từ ngữ vô văn hóa, xé bài kiểm tra trước mặt thầy cô, cãi lại khi bị la mắng… Một bộ phận học sinh còn nhắn tin trên Facebook xúc phạm danh dự, uy tín của thầy cô và nhà trường...
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Phó hiệu trưởng ĐH Văn Hiến, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM, nêu thêm tình trạng học sinh kết bè, phái, lập băng nhóm rồi đi cướp, trấn lột, dằn mặt lẫn nhau, thanh toán ân oán cá nhân, làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục, khiến xã hội lo lắng.
“Thật không thể tưởng tượng học sinh chỉ vì một một cái nhìn và câu hỏi ‘nhìn đểu hả’ lại xông vào đánh nhau. Hiện tượng đánh nhau trong nhà trường hôm nay lại có cả sự cổ vũ của cả học sinh, kể cả việc quay clip tung lên mạng thay vì xông vào can bạn”, ông Hồng trăn trở.
Thạc sĩ Phan Đức Nam, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cùng đồng nghiệp tiến hành nghiên cứu dựa trên dữ liệu phỏng vấn sâu tại một trường THPT dân lập trên địa bàn Hà Nội.
Nghiên cứu cho thấy nhiều hành vi bắt nạt khác nhau diễn ra trong bối cảnh trường học, bao gồm cả học sinh là người “đứng đầu”, chỉ đạo một nhóm bắt nạt bằng thể chất và tinh thần đối với các bạn cùng lớp, trường học.
Hành vi bắt nạt gây ra tổn thương về mặt thể chất (xây xát mặt mũi, gãy tay, chân, thậm chí mất mạng) cùng hậu quả nặng nề về mặt tinh thần cho cả người bắt nạt lẫn nạn nhân.
Học sinh bị bắt nạt thấy đơn độc do bạn bè cô lập, thường sau đó, các em cũng chủ động tự tách khỏi thầy cô, thậm chí cha mẹ. Ở mức độ nặng hơn, nạn nhân nghĩ tới cái chết do căng thẳng tâm lý, bị xúc phạm ghê gớm.
Bắt nạt học đường cũng khiến học sinh thiếu tập trung, thay đổi cách thức học tập, thậm chí nghỉ học, chuyển trường để tìm kiếm môi trường an toàn hơn.
Giáo viên áp lực, trút bực dọc lên học sinh
Không chỉ giữa học sinh với nhau, trong nhiều trường hợp, bạo lực học đường còn xuất phát từ giáo viên.
TS Nguyễn Huy Phòng dẫn lại vụ thầy giáo trẻ tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có những lời nói, hành động lệch chuẩn, xúc phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự của người học khi các em vi phạm nội quy, không mặc đồng phục.
Vụ thầy giáo trẻ tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn đánh học sinh gây bức xúc dư luận. |
Theo ông, bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở tổn thương sức khỏe, thể chất mà một dạng phái sinh khác của bạo lực là áp lực, tra tấn về tinh thần. Một số thầy cô do tâm lý, hoàn cảnh cá nhân đã trút bực dọc lên học sinh.
Ông Phòng nêu trường hợp cô giáo cả tháng không nói với học sinh một lời, giáo viên bắt phạt học sinh quỳ trong nhiều giờ học, uống nước giẻ lau, phạt tiền, mắng chửi học sinh...
“Những hành vi ấy đang làm ‘ô nhiễm’ môi trường giáo dục, ảnh hưởng chất lượng dạy học, thậm chí đi ngược lại mục tiêu, triết lý giáo dục mà chính người thầy đã đặt ra”, TS Nguyễn Huy Phòng nhận định.
PGS.TS Nguyễn Xuân Đức, nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Vinh, cho rằng hành xử bạo lực từ phía giáo viên đang làm suy giảm nghiêm trọng văn hóa học đường. Một số thầy cô bạo hành học sinh bằng bạo lực hoặc xúc phạm nhân phẩm.
Theo ông Đức, một trong những nguyên nhân nằm ở việc từ khi được đào tạo đến lúc thực hành công việc ngoài xã hội, giáo viên không được học tập, huấn luyện đầy đủ về phương pháp xử lý tình huống khi học sinh phạm lỗi. Nhiều người xử lý có phần bản năng, theo kinh nghiệm.
Ông cũng đánh giá chất lượng giáo viên đang có vấn đề khi hệ chính quy khó tuyển sinh, người học ngành khác rồi học thêm chứng chỉ sư phạm lại không được đi thực tế, thực tập sư phạm. Ông cho rằng thầy cô bạo hành học sinh hiếm khi là giáo viên giỏi.
Bên cạnh đó, khi học sinh, phụ huynh trở thành khách hàng, giáo viên chịu áp lực từ dư luận khiến nhiều người hoang mang, chủ trương chỉ lên lớp giảng bài rồi về, một số khác lại tích tụ thành ức chế.
Ông Nguyễn Xuân Đức nêu thêm giáo viên chịu nhiều áp lực không tên từ công việc, cuộc sống, thậm chí phụ huynh, tạo ức chế mạnh, gây tâm lý mệt mỏi, thái độ tức giận. Vì thế, khi một học sinh nào đó hư, họ bùng phát hành xử bạo hành.
Giảm sức ép cho giáo viên
“Quá nhiều sức ép đối với giáo viên, trong đó không ít sức ép bất hợp lý, đó chính là căn nguyên góp phần tạo nên bạo lực học đường. Những áp lực này có thể loại bỏ được và cần phải loại bỏ ngay”, ông Đức nói và cho rằng phải hạn chế, đi đến loại bỏ những áp lực không cần thiết, trái với Điều lệ trường học để giảm bớt áp lực cho giáo viên.
Ông cũng đề xuất thực hiện luật lao động phù hợp nghề đặc thù, xem xét tính hệ số giáo viên từng cấp, nhất là bậc tiểu học và THCS, đồng thời công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phải sát thực tế hơn.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Huy Phòng nhận định cần đổi mới cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo, đảm bảo quyền lợi, chất lượng cuộc sống cho nhà giáo để họ yên tâm công tác, tận tâm với nghề.
Ông cũng đề xuất giải pháp để ngăn chặn bạo lực học đường như kịp thời phát hiện, ngăn chặn, loại trừ những biểu hiện tiêu cực, hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp ứng xử, đạo đức lối sống của một số cán bộ, thầy cô giáo, học sinh, sinh viên, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội.
Cần phát huy truyền thống văn hóa tôn sự trọng đạo, tinh thần hiếu học, chuẩn mực đạo đức, nâng cao kiến thức, hiểu biết về pháp luật cho học sinh, giáo viên. Thầy cô cũng cần nêu gương tốt.
Bên cạnh đó, nhà trường tạo sân chơi, không gian sáng tạo để tăng cường khả năng giao lưu, kết nối, thông hiểu lẫn nhau giữa các học sinh, giữa học sinh với thầy cô giáo, tăng cường trang bị kỹ năng sống cho người học.
“Nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với gia đình, tổ chức, đoàn thể xã hội trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những diễn biến phức tạp trong tư tưởng, lối sống của học sinh, sinh viên để kịp thời điều chỉnh, định hướng họ đến với những giá trị tốt đẹp”, ông nói.
Trong khi đó, thạc sĩ Phan Đức Nam đề xuất thêm cần có nhà tư vấn tâm lý, xã hội trong trường học nhằm giúp trường, cha mẹ và học sinh hiểu được những vấn đề hay khía cạnh liên quan tới bắt nạt học đường.
Tác giả: Nguyễn Sương
Nguồn tin: zingnews.vn