Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ tổ chức họp khẩn vào ngày 5/7, tập trung vào tình hình chiến sự leo thang khốc liệt tại khu vực Tây Nam Syria giữa lúc quân đội nước này đang đẩy mạnh chiến dịch tấn công các nhóm nổi dậy, khiến hơn 270.000 người phải tìm đường chạy trốn khỏi đất nước.
Khói bốc lên từ khu vực do phe đối lập kiểm soát sau một cuộc không kích của quân đội Syria. (Ảnh: Gulf Times) |
Những người dân Syria khốn khổ trốn chạy khỏi chiến tranh và xung đột đang rơi vào tình cảnh tuyệt vọng khi cả hai quốc gia láng giềng là Jordan và Israel kiên quyết đóng cửa biên giới, từ chối tiếp nhận họ.
Mặc dù vẫn hỗ trợ các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nước uống, thuốc men qua biên giới, nhưng chính phủ Jordan đã thẳng thừng tuyên bố sẽ ngăn chặn tất cả người tị nạn Syria đến từ Deraa tràn qua biên giới
Trong khi đó, Israel cũng làm rõ lập trường của mình trước tất cả các bên liên quan rằng nước này sẽ không chấp nhận vi phạm chủ quyền hay sự đổ bộ của người tị nạn vào Israel.
Trước tình thế cấp bách này, người phát ngôn của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ Liz Throssell đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Jordan mở cửa biên giới của nước này cho những người Syria đang cố gắng trốn chạy khỏi xung đột leo thang tại khu vực Tây Nam Deraa.
Người phát ngôn của Văn phòng Cao ủy LHQ về người tị nạn Andre Mahecic cũng nhấn mạnh: “Các cuộc tấn công cả trên không lẫn trên bộ vẫn tiếp tục được báo cáo diễn ra tại nhiều khu vực khác nhau ở Deraa dẫn đến hàng loạt thương vong cho dân thường và đợt di tản lớn nhất trong khu vực kể từ khi chiến sự bắt đầu bùng phát. Chúng tôi rất quan ngại về vấn đề này. Nhiều người đã phải di dời đến gần biên giới quốc gia láng giềng để tìm kiếm sự an toàn và hiện ước tính có khoảng 40.000 người ở gần biên giới Jordan”.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức giám sát nhân quyền Syria, ước tính hàng nghìn dân thường ở tỉnh Deraa đã phải sơ tán và cho đến nay xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 120 dân thường ở tỉnh này.
Deraa có vị trí chiến lược khi vừa giáp biên giới Jordan và Cao nguyên Golan, vốn đã bị Israel chiếm đóng. Chính quyền Israel đã xây dựng trái phép hàng chục khu định cư ở khu vực Cao nguyên Golan và sử dụng vùng này làm “bàn đạp” để tiến hành nhiều cuộc không kích nhằm vào các cứ điểm của quân đội Syria.
Kể từ khi phát động cuộc tấn công cách đây 10 ngày, quân đội Syria đã chiếm giữ một phần lớn lãnh thổ từ Quân đội Syria Tự do (FSA) và lực lượng đồng minh thánh chiến tại khu vực phía Tây Nam Syria.
Quân đội Syria ngày 3/7 đã thu giữ một kho vũ khí khổng lồ từ các lực lượng Hồi giáo cực đoan trên vùng đông bắc tỉnh Deraa trong quá trình rà phá bom mìn, truy quét các tay súng khủng bố còn ẩn náu trong khu dân cư.
Trước đó, các lực lượng vũ trang Syria cuối tuần qua cũng liên tục giải phóng 15 khu dân cư trên vùng nông thôn phía đông và phía tây tỉnh này. Một số nhóm Hồi giáo cực đoan địa phương dưới sức ép cuộc tấn công đã chấp nhận thỏa thuận hòa giải, đầu hàng và giao nộp địa bàn.
Quân đội Syria tiếp tục tăng cường pháo kích và không kích căn cứ của các lực lượng nổi dậy ở tỉnh Deraa, bất chấp việc tỉnh này nằm trong số các khu vực ngừng bắn được thiết lập theo khuôn khổ thỏa thuận đình chiến Astana ký vào tháng 5/2017 do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ. Hành động này đã hứng chịu sự chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế do lo ngại con số thương vong lớn trong dân thường tại vùng chiến sự.
Chiến dịch quân sự tại khu vực Tây Nam đất nước do chính phủ Syria phát động cũng vấp phải sự phản đối đặc biệt từ một số nước như Jordan hay Israel, vốn lo ngại rằng tình hình chiến sự có nguy cơ gây ra một đợt di dân mới đến các quốc gia láng giềng này cũng như nguy cơ kéo theo một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ trong khu vực./.
Tác giả: Phương Anh
Nguồn tin: Báo Điện tử VOV