UBND tỉnh Nghệ An vừa có Công điện số 20/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão Noru.
Theo đó, để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ sau bão, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An yêu cầu lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã; các sở, ban, ngành, đoàn thể tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.
Trong đó, tập trung thực hiện nghiêm túc Công điện số 855/CĐ-TTg ngày 25/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4 năm 2022.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã đình hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ.
Ngư dân chằng néo tàu thuyền, ngừng ra khơi để đảm bảo an toàn |
Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ; phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở; khẩn trương rà soát, kiểm đếm, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch).
Rà soát, kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của ngập sâu, sạt lở; trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản, khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét,…
Chỉ đạo, hướng dẫn việc chằng chống bảo đảm an toàn nhà cửa, trụ sở, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là trước và trong khi bão khi bão đổ bộ và mưa lũ,…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, tàu thuyền, hoạt động thủy sản, nhất là hồ, đập xung yếu, hồ đầy nước, công trình đang thi công, sửa chữa; thu hoạch lúa và hoa màu với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Nghệ An hiện có 3.009 phương tiện với 13.778 lao động đang neo đậu tại bến |
Sở Công Thương chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa; phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp.
Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện, duy trì cung ứng khi có mưa, lũ xảy ra, đặc biệt, đảm bảo điện phục vụ cho các công trình tiêu úng, thoát lũ; đảm bảo dự trữ, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo việc kiểm soát hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh: Rà soát các phương án ứng phó, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác sơ tán, di dời dân cư, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó và khắc phục hậu quả bão, mưa lũ khi có yêu cầu; đảm bảo tuyệt đối an toàn tài sản và tính mạng của người dân, an ninh, trật tự xã hội.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh căn cứ diễn biến và dự báo bão, kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Lệnh cấm biển.
Nhà máy thủy điện Châu Thắng xả lũ |
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, tính đến 10h ngày 25/9, Nghệ An có 3.009 phương tiện với 13.778 lao động đang neo đậu tại bến; 339 phương tiện/2.019 lao động đang hoạt động trên biển; không có phương tiện nằm trong khu vực nguy hiểm.
Toàn tỉnh có 20.583 ha nuôi trồng thuỷ sản; người dân đã được các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên thông báo về diễn biến bão Noru để chủ động các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại. Nghệ An cũng đã thu hoạch 73.783 ha/108.770 ha sản xuất hè thu - mùa; trong đó, lúa 60.328 ha/82.604 ha, ngô 4.120ha/10.719 ha, lạc 274 ha/626 ha… Hiện bà con đang khẩn trương thu hoạch 22.276 ha lúa còn lại theo tiêu chí “xanh nhà hơn già đồng”.
Trong số 1.061 hồ, đập lớn, nhỏ, khoảng 65% số hồ đã chứa đầy dung tích, và đang được triển khai vận hành theo phương án phòng, chống thiên tai được phê duyệt, trong đó hai hồ lớn là hồ Vực Mấu và hồ sông Sào đã xả tràn.
Tỉnh Nghệ An hiện có 22 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác, trong đó, có 8 hồ chứa (Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê, Nậm Nơn, Nậm Mô, Bản Ang, Nhạn Hạc và Châu Thắng) đang thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả và các hồ còn lại vận hành theo quy trình đơn hồ; tất cả đã được phê duyệt các phương án phòng, chống thiên tai, phương án an toàn đập và hồ chứa.
Tác giả: Thu Hiền
Nguồn tin: Báo Tiền phong