Kinh tế

Danh tính đại gia U90 mua đứt nửa cánh đồng xây lăng mộ

Để xây dựng lăng mộ, vị đại gia Thái Bình phải mất hàng chục năm tham khảo và chi tới cả tỷ đồng thuê các kiến trúc sư người Pháp thiết kế.

Xây lăng mộ lớn bậc nhất Việt Nam

Đến làng Mẹo (tức làng Phương La, xã Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình), nhiều người không không khỏi bỡ ngỡ trước công trình lăng mộ Đức Hoằng Nghị Đại Vương, cao như ngọn núi nằm trên mảnh đất rộng khoảng 5ha. Đây được xem là công trình lăng mộ lớn bậc nhất Việt Nam.

Công trình đồ sộ này thuộc về đại gia Trần Văn Sen (SN 1940) - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Hương Sen. Được biết, để xây dựng lăng mộ này, doanh nhân Trần Văn Sen đã mua nửa cánh đồng làng Mẹo. Người dân địa phương gọi đây là đền thờ vì xưa kia tại mảnh đất ông Sen xây dựng có một ngôi đền nhỏ rất linh thiêng được dân làng gọi là Đền Nhà Ông.

Công trình lăng mộ khởi công từ năm 2002 đến 2011 mới hoàn thành. Ảnh: Nguoiquansat

Để xây dựng lăng mộ này, đại gia Trần Văn Sen phải mất hàng chục năm tham khảo và chi tới cả tỷ đồng thuê các kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Theo thiết kế ban đầu, lăng mộ cao 51m, để người bên kia sông Hồng vẫn nhìn thấy lăng mộ. Tuy nhiên, do nền đất yếu, công trình lại quá nặng, lún sâu cả mét, nên phải rút ngắn độ cao, rút bớt nhiều hạng mục.

Móng của lăng mộ được làm nổi lên so với mặt đất cao 2,5m. Khi đứng từ dưới tầng hầm nhìn lên có thể thấy mái lăng mộ gồm 3 lớp bê tông xếp chồng lên nhau rất tráng lệ. Công trình được làm bằng đá xanh nguyên khối được chạm khắc tinh xảo cầu kỳ.

Bên trong lăng mộ được xây dựng với tổng diện tích 800m2, gồm 42 cột trụ lớn nhỏ đỡ lấy phần mái nặng hàng nghìn tấn.

Anh hùng Lao động, doanh nhân tiêu biểu tỉnh Thái Bình

Doanh nhân Trần Văn Sen sinh ra và lớn lên ở làng Phương La (làng Mẹo), xã Thái Phương (huyện Hưng Hà) - nơi có nghề dệt vải được gây dựng từ thế kỷ XIII gắn với quá trình dựng nghiệp của vương triều Trần.

Từ năm 1937, ông nội nghệ nhân Trần Văn Sen đã có công đầu đưa những tấm vải dệt từ làng Mẹo xuất khẩu sang nước Nhật. Sau này, doanh nhân Trần Văn Sen giúp bà con giữ gìn nghề truyền thống rồi ứng dụng công nghệ hiện đại giúp người dân làng Mẹo có thu nhập ổn định.

Doanh nhân Trần Văn Sen. Ảnh: Internet

Tháng 1/1992, ông Trần Văn Sen thành lập CTCP Tập đoàn Hương Sen kinh doanh lĩnh vực bất động sản, hàng dệt, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng, sản phầm từ giấy hay tre nứa...

Hơn 60 năm lăn lộn trên thương trường, kiên trì vượt qua bao khó khăn thử thách, doanh nhân Trần Văn Sen đã được Chính phủ hai lần phong tặng Nghệ nhân ngành dệt, Huy chương đôi bàn tay vàng và 3 bằng sáng tạo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và doanh nhân có Tâm, có Tài. Ông vinh dự được Nhà nước phong tặng Danh hiệu cao quý Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Ông cũng được Liên hiệp các hội UNESCO thế giới trao tặng danh hiệu Doanh nhân văn hóa tiêu biểu theo tiêu chí UNESCO.

Đến nay, dù đã ở tuổi ngoài 80 song đại gia Trần Văn Sen vẫn nắm quyền cao nhất tại Tập đoàn Hương Sen, bên cạnh sự hỗ trợ quản lý của các thành viên gia đình.

Tác giả: Hoàng Minh (tổng hợp)

Nguồn tin: kienthuc.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP