Kinh tế

Đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu: Liệu có quá cao!

Tin từ Bộ Tài chính cho hay, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng vừa thừa lệnh Thủ tướng Chính phủ ký tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Theo đó, thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít... Số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm.

Ảnh minh họa

Ngoài xăng dầu, một số mặt hàng khác như than đá, dung dịch HCFC, túi nilon, cũng được Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng, tuỳ loại. Cụ thể, đối với than đá, mức tăng dự kiến thêm 5.000 đồng đến 10.000 đồng/tấn. Tổng số thu mà Bộ Tài chính nhẩm tính sau khi tăng thuế đối với mặt hàng này sẽ vào khoảng 2.385 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 795 tỷ đồng/năm.

Đối với mặt hàng túi nilon, với đề xuất tăng 10.000 đồng/kg (từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg), tổng số thu sẽ đạt khoảng 67,5 tỷ đồng, tăng khoảng 13,5 tỷ đồng/năm. Đối với mặt hàng dung dịch, với đề xuất tăng 1.000 đồng mỗi kg (từ 4.000 đồng/kg lên 5.000 đồng/kg), tổng số thu sẽ vào khoảng 63,5 tỷ đồng, tăng khoảng 12,7 tỷ đồng/năm.Theo Bộ Tài chính, nếu phương án được tăng qua, tổng số thuế bảo vệ môi trường dự kiến thu sẽ vào khoảng 57.612 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.189 tỷ đồng/năm.

Lý do tăng như trên, theo Bộ Tài chính, triển khai thực hiện quy định về mức thuế BVMT tại các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp phần nâng cao trách nhiệm và nhận thức của xã hội đối với môi trường; khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường; qua đó đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, đảm bảo động viên hợp lý đóng góp của xã hội vào ngân sách nhà nước (NSNN) để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ nhận thấy cần thiết phải nghiên cứu điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường lên mức phù hợp.

Bởi, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và một số nước trong khối ASEAN và châu Á. Hiện, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia (thấp hơn 120 nước), với mức 19.980 đồng/lít, thấp hơn so với 3 nước có chung đường biên giới với Việt Nam (từ hơn 1.400 đồng đến hơn 1.500 đồng/lít).

Cũng theo Bộ Tài chính, các nghiên cứu cho thấy hàng hoá thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường như xăng, dầu, mỡ nhờn, than đá, túi nilon… trong quá trình sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Và cũng theo tính toán của các nhà khoa học, để trả lại môi trường thì thuế đối với các mặt hàng kể trên phải được điều chỉnh cao hơn rất nhiều. Trong khi đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với một số hàng hóa đang ở mức thấp so với mức độ tác động đến môi trường khi sử dụng của các hàng hóa này.

Bộ Tài chính lý giải là vậy, song vấn đề đặt ra nếu tăng thuế môi trường thêm 4.000 đồng lít sẽ đẩy chi phí đầu vào lên cao. Thêm trên 15 nghìn tỷ đồng từ tăng thuế hay thiệt từ hệ thống sản xuất- kinh doanh và giá cả nhảy vọt bên nào lợi hơn!

Với phương án điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường nêu trên và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2018, Bộ Tài chính cho biết, việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7/2018 (so với tháng 6/2018) là khoảng 0,27-0,29% và sẽ tác động đến CPI bình quân năm 2018 là khoảng 0,11-0,15%.

Đồng thời, Bộ Tài chính tính toán tổng số thu thuế Bảo vệ môi trường dự kiến là khoảng 57.612,0 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.189,2 tỷ đồng/năm. Từ đó sẽ góp phần tạo thêm nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có các nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường

Tác giả: L.Hà

Nguồn tin: Báo Lao động Thủ đô

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP