Nguyệt thực toàn phần ngày 8/10/2014 tại Hà Nội - Ảnh: Hoàng Quốc Phương – HAS |
Như tin đã đưa, vào đêm 27, rạng sáng 28/7, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, người Việt trên khắp mọi miền đất nước sẽ chiêm ngưỡng được 2 hiện tượng thiên nhiên: mưa bao băng Delta Aquarids đạt cực đại và nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ.
Theo Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam, nguyệt thực sẽ kéo dài hơn 5 tiếng, từ 00h14 đến 6h28 phút. Trong đó nguyệt thực toàn phần bắt đầu từ 2h30 đến 4h13. Sau thời điểm này, phải đến tháng 5/2021 và tháng 11/2022 người Việt mới được chứng kiến tiếp hiện tượng thiên nhiên này.
Lịch trình nguyệt thực đêm 27 rạng sáng 28/7. Ảnh:CLB Thiên văn học Đà Nẵng |
Đánh giá đây là sự kiện không thể bỏ lỡ, những người yêu thiên văn đã lên kế hoạch đón xem và chuẩn bị các phương tiện để ghi lại khoảnh khắc thiên nhiên này.
Cụ thể, hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội (HAS) sẽ tổ chức quan sát từ 23h30 ngày 27/7 đến 4h ngày 28/7 tại sân bóng Đầm Hồng, đường Hoàng Văn Thái (Hà Nội). Câu lạc bộ thiên văn Đà Nẵng sẽ tổ chức cắm trại và cùng xem nguyệt thực ở xã Bình Đào (Thăng Bình, Quảng Nam).
Nhiều bạn trẻ đã sẵn sàng phương tiện để ngắm hiện tượng thiên nhiên đặc biệt vào đêm 27, rạng sáng 28/7. |
Theo danh sách thông báo, đến thời điểm hiện tại, hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội (HAS) đã kêu gọi được hơn 2 nghìn người quan tâm và 300 bạn trẻ trực tiếp tham gia. Câu lạc bộ Thiên văn Đà Nẵng cũng đã có hàng trăm người đăng ký dự buổi cắm trại để quan sát hiện tượng này.
Ngoài ra, rất người yêu thiên văn trên khắp mọi miền đất nước cũng đã đánh dấu sự kiện và lên mạng xã hội kêu gọi bạn bè cùng theo dõi bầu trời vào thời gian đặc biệt đêm 27 rạng sáng 28/7.
Tuy nhiên, trước diễn biến thời tiết phức tạp trong mấy ngày vừa qua, nhiều người cũng tỏ ra lo lắng việc thiên nhiên không ủng hộ kế hoạch chiêm ngưỡng nguyệt thực và mưa sao băng.
Ba hiện tượng thiên văn trong một đêm Không chỉ nguyệt thực toàn phần và mưa sao băng Delta Aquarids xuất hiện trong thời gian này. Ngày 27/7 sao Hỏa sẽ đạt vị trí trực đối. Hành tinh đỏ sẽ nằm gần Trái Đất và tỏa sáng nhất trong suốt 15 năm qua. Trong suốt đêm diễn ra nguyệt thực, Sao Hỏa nằm ngay bên dưới Mặt Trăng. |
Tác giả: Minh Anh
Nguồn tin: Báo VietNamNet