Tin trong tỉnh

Hội thảo khoa học luận cứ phát triển kinh tế vùng Tây Nam Nghệ An

Chiều 30/10, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học luận cứ phát triển kinh tế vùng Tây Nam Nghệ An. Các đồng chí: PGS, TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS Lê Văn Hùng – Phó Viện trưởng, phụ trách Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng Tây Nam Nghệ An; Nguyễn Quý Linh – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có các nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, lãnh đạo các huyện vùng Tây Nam Nghệ An.

Quang cảnh hội thảo

Vùng Tây Nam gồm 5 huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn với diện tích vùng khoảng 837.741ha (8.377 km2) chiếm 50,7% diện tích của cả tỉnh, chiếm 60,9% diện tích các huyện Miền Tây. Dân số vùng 602.680 người chiếm khoảng 17,9% dân số của tỉnh, khoảng 48,7% dân số Miền Tây. Diện tích đất lâm nghiệp của vùng 693.411 ha chiếm 68% diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh. Các huyện vùng Tây Nam giáp với tỉnh Xiêng Khoảng và Bôlykhămxay nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. 5 huyện của vùng đều nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) chính thức công nhận vào ngày 18/9/2007 và là Khu dự trữ sinh quyển lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, Hội thảo là bước đầu khởi động xoay chuyển tư duy, tầm nhìn chiến lược mới cho sự phát triển của vùng Tây Nam Nghệ An

TS Lê Văn Hùng - Phó Viện trưởng, phụ trách Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng phát biểu đề dẫn hội thảo

Vùng có địa hình đa dạng, núi non hùng vĩ, sông suối mật độ dày với nhiều thác ghềnh tạo nên sự đa dạng về cảnh vật thiên nhiên, nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau; phong phú của đa dạng sinh học và độc đáo về văn hoá là nguồn lực tự nhiên. Vùng là nơi định cư nhiều đồng bào các dân tộc với tri thức bản địa rất phong phú tạo nên sự đa dạng văn hóa rất độc đáo. Vùng có nhiều sản phẩm đặc sản và các loại dược liệu đặc hữu và có 4 cửa khẩu. Với những tiềm năng đó, vùng có điều kiện phát triển kinh tế rừng, phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, khám phá cảnh quan gắn với trải nghiệm văn hóa cộng đồng các dân tộc; có lợi thế phát triển sản xuất sản phẩm đặc sản và các loại nguồn gen đặc hữu và phát triển kinh tế cửa khẩu. Tuy nhiên, phát triển vùng kinh tế trọng điểm/động lực và liên kết vùng hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập từ công tác quy hoạch; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hoàn thiện cơ chế chính sách và thực hiện liên kết nội vùng cũng như liên vùng.

Tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có nhiệm vụ, giải pháp cho vùng Miền Tây: Tập trung nguồn lực đầu tư để hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế, trong đó có hành lang kinh tế đường mòn Hồ Chí Minh với trọng tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái. Hành lang kinh tế Quốc lộ 7 với trọng tâm phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm, cộng đồng. Phát triển nhanh và bền vững vùng phía Tây trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, kinh tế cửa khẩu, tài nguyên lịch sử, văn hóa.

Theo Nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Thành, vùng Tây Nam Nghệ An có đa dạng sinh học rất phong phú. Chỉ riêng Vườn Quốc gia Pù Mát, hiện tại đã xác định được 2.494 loài thực vật, 931 chi thuộc 202 họ, có 70 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam có nguy cơ bị tiêu diệt; trong đó có gần 1.000 loài dược liệu quý

Theo Bí thư Huyện ủy Anh Sơn Nguyễn Hữu Sáng, để phát triển được vùng Tây Nam Nghệ An cần có các doanh nghiệp lớn đầu tư, đi tiên phong mở rộng thị trường

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã cung cấp cơ sở lý luận về phát triển kinh tế vùng và liên kết phát triển vùng. Nhận diện các tiềm năng, cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng. Những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế, liên kết vùng trên các lĩnh vực: Phát triển kinh tế cửa khẩu; phát triển dược liệu, các nguồn gen quý; phát triển kinh tế rừng; phát triển du lịch, đa dạng sinh học, khai thác phát triển các tri thức bản địa đồng bào dân tộc… Phát triển vùng, liên kết vùng với nước bạn Lào gắn với an ninh quốc phòng vùng biên giới. Đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế vùng Tây Nam theo hướng bền vững như định hướng các lĩnh vực và ngành ưu tiên phát triển dựa trên lợi thế, tiềm năng và cơ hội liên kết phát triển vùng; thu hút đầu tư; cơ chế, chính sách và cơ chế phối hợp...

Tác giả: PT

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP