Tin trong tỉnh

Kỳ tích 'Sông Lam'

Nghệ An đang có hướng đi tốt trong thu hút đầu tư và đạt được kết quả ngoài mong đợi, nhưng để trở thành trung tâm kinh tế vùng Bắc Trung bộ thì địa phương này còn phải nỗ lực nhiều, trong đó việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ các dự án trọng điểm là yếu tố cực kỳ quan trọng.

Một góc Khu công nghiệp VSIP Nghệ An 1 tại huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Ảnh: Văn Dũng

Dấu ấn thu hút vốn FDI

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, tăng trưởng toàn cầu giảm tốc do chính sách thắt chặt tiền tệ, cuộc chiến Nga – Ukraine kéo dài, kinh tế - xã hội trong nước và tỉnh Nghệ An chịu ảnh hưởng rõ rệt theo tình hình chung của thế giới...

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An cùng với sự đồng lòng, bám sát các nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Ban Quản lý KKT Đông Nam đã làm tốt chức năng chủ trì, đầu mối tham mưu lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện rất hiệu quả nhiệm vụ phát triển KKT, các KCN của tỉnh Nghệ An.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2023 của Nghệ An có bước tăng trưởng vượt bậc (lần đầu tiên thu hút FDI không những đạt mốc 1 tỷ USD mà đã đạt trên 1,6 tỷ USD và tiếp tục 2 năm liền nằm trong top 10 địa phương thu hút FDI tốt nhất cả nước), vượt 219% mục tiêu đề ra. So với cùng kỳ năm 2022, số vốn đầu tư FDI tăng trên 77%. Với vốn đầu tư FDI thực hiện trong năm 2023 ước đạt 642 triệu USD (đạt 40,3% trên vốn đăng ký) cho thấy các Nhà đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đây là bước "bứt phá" đáng ghi nhận với sự nỗ lực của Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Ban Quản lý KKT Đông Nam cũng như sự tin tưởng của doanh nghiệp, Nhà đầu tư đối với sự phát triển của tỉnh Nghệ An.

Bên cạnh các nhà đầu tư hạ tầng VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt, đến nay Nghệ An đã trở thành điểm đến của các tập đoàn lớn trên thế giới trong chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ điện tử, năng lượng xanh như: Goertek; Luxshare - ICT, Everwin, JuTeng, Foxconn, Runergy, Shangdong, Sunny, YoungJin, Hoa Lợi…, bước đầu hình thành những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: công nghệ, điện tử, năng lượng, thép, sản xuất linh kiện ôtô. Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ thành lập mới 2 khu công nghiệp với tổng diện tích 834,79ha và triển khai các thủ tục đầu tư cho các 3 khu công nghiệp với diện tích khoảng 600 ha là điều kiện quan trọng để tiếp tục thu hút đầu tư, "xây tổ” đón "đại bàng".

Hiện, Nghệ An đang nắm lợi thế trong thu hút FDI nhờ có sự chuẩn bị tốt về hạ tầng và một cách làm hay, sáng tạo. Cơ sở để họ bứt tốc, trở thành trung tâm của vùng còn đến từ việc, các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tại Nghệ An đã bắt đầu mở rộng vệ tinh sang một số tỉnh lân cận. Có thể thấy rằng, từ trung tâm Nghệ An, các "ông lớn" đã xây dựng vệ tinh ở các tỉnh lân cận. Điều đó càng minh chứng rõ hơn cho vai trò đi trước, đón đầu của Nghệ An. Từ đây, Nghệ An sẽ là đầu mối, là trung tâm trung chuyển, logistics, dịch vụ... của cả vùng. Đây mới thực sự là mục tiêu lớn của địa phương, góp phần hiện thực hoá mục tiêu của Nghị quyết 39 dành cho Nghệ An.

Để làm được việc đó, Nghệ An còn phải nỗ lực rất nhiều. Bởi ngoài dòng vốn FDI liên tục chảy về là "điểm sáng" thì hạ tầng và môi trường đầu tư của Nghệ An còn tồn tại không ít bất cập. Hai dự án hạ tầng chiến lược là nâng cấp cảng Hàng không quốc tế Vinh và cảng nước sâu Cửa Lò triển khai thủ tục đang chậm so với kế hoạch đề ra có thể khiến Nghệ An bỏ lỡ nhiều cơ hội.

Nếu khắc phục được những điểm nghẽn về hạ tầng thì cơ hội trở thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ của Nghệ An là rất lớn khi nơi này hội tụ được rất nhiều lợi thế về vị trí địa lý, mạng lưới giao thông, lao động và tài nguyên thiên nhiên.

Chủ động chuẩn bị "5 sẵn sàng" để tiếp tục thu tốt FDI

Trao đổi với Tạp chí Nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An cho hay, Nghệ An đang là một “điểm sáng” trong thu hút vốn FDI của cả nước, khi chỉ trong vòng hơn 2 năm đã thu hút được vốn FDI lớn hơn nhiều so với 12 năm trước cộng lại.

"Đó là con số thể hiện sự thành công, sự quyết liệt của các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, với nhiều cách làm mới cùng sự hoàn thiện hạ tầng giao thông, cảng biển, sân bay… cộng với thực tiễn là "hoa đến thì thì hoa nở" nên Nghệ An đã gặt hái được những con số như vậy", ông Nam nói.

Ông Bùi Thanh An, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, năm 2024 sẽ là năm có ý nghĩa quan trọng, quyết định thành công việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, nhằm phát huy những kết quả đạt được, phấn đấu, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Chủ động chuẩn bị ngày càng tốt hơn yêu cầu "5 sẵn sàng" để thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI (Sẵn sàng về quy hoạch – Sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu – Sẵn sàng về mặt bằng đầu tư – Sẵn sàng về nguồn nhân lực – Sẵn sàng đổi mới, cải cách, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư).

Bên cạnh đó, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong năm 2024, trọng tâm hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Mở rộng Khu kinh tế Đông Nam và đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An; Hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2024, tỷ lệ giải ngân đạt 100%.

Cùng với đó, triển khai có hiệu quả, đồng bộ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra như: Tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai các chương trình hành động, các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các Kế hoạch, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tiếp tục triển khai Đề án phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An;

Tập trung công tác lập quy hoạch phân khu các khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế; Huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp; Cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và hỗ trợ các dự án trọng điểm; Nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, bảo vệ môi trường trong khu kinh tế, khu công nghiệp; Tăng cường công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính, chuyển đổi số.

Tác giả: Văn Dũng

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP