Thủy điện Khe Thơi bị "mắc kẹt" vì không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Ảnh: Việt Khánh. |
Quy hoạch thiếu nhất quán là một trong những nguyên do đẩy tình hình lâm vào ngõ cụt, ngoài ra phải kể đến động thái nửa vời…
Vướng chủ trương
Toàn tỉnh Nghệ An có hàng chục dự án phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác. Đến nay nhiều chủ đầu tư thực sự mất ăn mất ngủ vì vướng vào chủ trương “đóng cửa rừng” của Thủ tướng Chính phủ.
Xét tính chất đặc thù, ngành nghề thủy điện, một lĩnh vực điển hình đã trực tiếp “ngốn” hàng ngàn ha đất rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh chắc hẳn chịu nhiều tác động.
Qua tìm hiểu, 2 dự án thủy điện “chết chìm” bởi lệnh cấm là Khe Thơi và Tiền Phong. Mặc cho các bên liên quan đã tích cực vào cuộc nhằm sớm tháo gỡ nút thắt, dù vậy đến thời điểm này tổng thể vẫn là một mớ bòng bong.
Dù đã hoàn thành 90% khối lượng nhưng dự án thủy điện Khe Thơi buộc phải dừng lại. Ảnh: Việt Khánh. |
Liên quan đến vấn đề trên, ngày 20/12/2017 UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn số 9894/UBND-NN gửi đến Bộ NN-PTNT về việc “giải trình sự cần thiết phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với một số dự án”. Nội dung được thể hiện như sau:
“Dự án thủy điện Tiền Phong tại xã Tiền Phong, huyện Quế Phong và thủy điện Khe Thơi tại xã Lạng Khê, huyện Con Cuông là 2 công trình đầu tư trên địa bàn các huyện khó khăn (riêng Quế Phong là huyện nghèo 30a).
Hai dự án khi đi vào hoạt động sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo đà phát triển ngành nghề thủy sản, nông nghiệp, du lịch, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất, cải tạo khí hậu, tạo công ăn việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Các dự án triển khai từ năm 2011, hiện đã hoàn thành công tác bồi thường hỗ trợ GPMB, đã triển khai một số hạng mục ngoài phần đất lâm nghiệp như ngăn đập, làm đường giao thông…”.
Tổng quan dự án thủy điện Khe Thơi có quy mô 65,84 ha, tổng mức đầu tư trên 397 tỷ đồng. Trong khi đó, thủy điện Tiền Phong triển khai trên diện tích 8,5 ha, tổng kinh phí đầu tư khoảng 230 tỷ đồng. Theo kế hoạch cả 2 công trình dự kiến hoàn thiện vào quý IV 2018, tuy nhiên thực tế lúc này lại diễn ra không như ý muốn.
Quá trình tìm hiểu được biết, mới chỉ có 3,75 ha đất lâm nghiệp thuộc dự án thủy điện Tiền Phong được chấp thuận cho phép chuyển đổi, phần 4,75 ha còn lại chưa đủ điều kiện triển khai, chưa kể phần diện tích này bao gồm hơn 2,6 ha đất có rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.
Nếu căn cứ Chỉ thị số 13-CT/TW, Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ và Thông báo số 511/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, rõ ràng phần diện tích hơn 2,6 ha đất có rừng tự nhiên nằm trong quy hoạch điều chỉnh được UBND tỉnh phê duyệt trước đó tại Quyết định số 3130/QĐ-UBND ngày 23/7/2015 thuộc đối tượng không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác.
Tổng thể dự án này có gần 20 ha diện tích vùng lòng hồ bắt buộc phải chuyển đổi mục đích sử dụng. Ảnh: Việt Khánh. |
Chưa hết, trong số 3,75 ha đã chuyển đổi có đến 3,11 ha được xác định trạng thái là đất có rừng tự nhiên (chủ yếu là rừng hỗn giao nứa gỗ), đây là đối tượng phải rà soát, đánh giá các tác động tiêu cực đến hiện trạng rừng, môi trường tự nhiên, tính đa dạng sinh học, không được phép khai thác tận thu, tận dụng lâm sản.
Trên cơ sở những tồn tại, vướng mắc, Sở NN-PTNT đã tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh Nghệ An, trình Bộ NN-PTNT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Lúc này, phía chủ đầu tư – Công ty TNHH MTV Thủy điện Tiền Phong buộc phải chờ chủ trương.
Về phần dự án Nhà máy thủy điện Khe Thơi, do không chịu nổi nhiệt sau quãng thời gian dài gắng gượng, rốt cuộc nhà đầu tư đành phải chấp nhận buông.
Cố níu kéo, mặc cho thủy điện dày đặc
Dự án thủy điện Khe Thơi được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 144/QĐ-UBND ngày 10/1/2017. Được HĐND tỉnh thông qua, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng theo tinh thần của Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 20/12/2017.
Nhờ sự ủng hộ tích cực của chính quyền cùng các đơn vị liên quan, đến cuối năm 2019 dự án đã hoàn thành đến 90% khối lượng (chi 365/397 tỷ đồng). Dù vậy khi áp dụng theo Chỉ thị 13/CT/TW của Ban Bí thư và Luật Lâm nghiệp có một phần lòng hồ (19,7 ha) ảnh hưởng đến phần diện tích rừng tự nhiên, đây là nguồn cơn khiến cớ sự thêm phần rối ren.
"Không chịu nổi nhiệt", phía chủ đầu tư - Công ty Cổ phần 473 phải chuyển nhượng lại dự án. Ảnh: Việt Khánh. |
Không được Chính phủ chấp thuận phương án chuyển đổi mục đích đồng nghĩa dự án phải hoãn lại vô thời hạn. Kinh phí thực hiện tốn kém, trong khi tiềm lực có hạn, cực chẳng đã Công ty CP thủy điện Khe Thơi, thuộc Công ty Cổ phần 473 đành phải làm thủ tục chuyển nhượng lại cho Công ty CP tư vấn xây dựng thủy lợi thủy điện Thăng Long vào đầu năm 2020.
Cú bắt tay chuyển giao vào đúng giai đoạn nhạy cảm khiến dư luận không khỏi xôn xao, không ít ý kiến thắc mắc vì sao Công ty CP tư vấn xây dựng thủy lợi thủy điện Thăng Long đang yên đang lành lại ôm nợ vào thân?
Cần biết rằng, tại Khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp nêu rõ: “Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt”. Trong khi đó, xét tổng quan dự án thủy điện Khe Thơi nằm ngoài diện ưu tiên.
Biết vướng nhưng vẫn đứng ra tiếp nhận, không hiểu phía thủy điện Thăng Long dựa vào đâu hòng đảo ngược thế cờ, nhất là khi chủ trương “đóng cửa rừng” của Thủ tướng Chính phủ vẫn còn nguyên hiệu lực?
Một phần nguyên do bắt nguồn từ quy hoạch bất cập của Bộ Công thương và tỉnh Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh. |
Nút thắt của thủy điện Khe Thơi là hình ảnh thu nhỏ, thể hiện nhan nhản vấn đề bất cập xoay quanh công tác quy hoạch tổng thể thủy điện của Bộ Công Thương nói chung và toàn tỉnh Nghệ An nói riêng.
Bàn tiếp về thực trạng quy hoạch tràn lan các dự án thủy điện trên địa bàn Nghệ An, dù đã chính thức gạt bỏ hàng loạt công trình nhưng thực tế trên khắp 5 huyện miền núi của tỉnh này vẫn án ngữ dày đặc các nhà máy thủy điện.
Phát triển thủy điện tràn lan khiến người dân khắp vùng cao Nghệ An lãnh đủ. Ảnh: Việt Khánh. |
Để có đủ diện tích phục vụ dự án, trên dưới 10.000 ha đất rừng và đất lâm nghiệp đã bị mất, sự thiếu hụt này ngay lập tức gây nên xáo trộn trầm trọng tầng địa chất và hệ sinh thái xung quanh, kéo theo đó là những tác động triền miên, âm ỉ.
Những hệ lụy đã được đông đảo người dân, cử tri đưa ra “mổ xẻ” không biết bao nhiêu bận, tiếc thay mọi sự chỉ như muối bỏ bể. Hơn lúc nào hết, các cơ quan chuyên ngành và tỉnh Nghệ An cần nhìn nhận rõ vấn đề này, nếu cố tình “tham bát bỏ mâm” chắc chắn hệ lụy sẽ rất khôn lường.
Lúc đỉnh điểm Nghệ An được quy hoạch trên 50 dự án thủy điện, về sau nhận thấy nhiều công trình không đáp ứng được yêu cầu đặt ra (triển khai chậm, không khả thi, ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường sinh thái…) nên Bộ Công Thương và địa phương đã thống nhất gạch tên 22 dự án.
Dù vậy toàn tỉnh còn đến 32 dự án, trong đó hơn phân nửa đã đi vào hoạt động. Bên cạnh những mặt tích cực thì các nhà máy thủy điện đã “góp phần” gia tăng nghiêm trọng mức độ tàn phá của thiên tai, rõ nhất là đợt mưa bão kinh hoàng diễn ra cuối năm 2018.
Tác giả: Việt Khánh
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam