Thế giới

Mổ xẻ chiến thuật Kim Jong Un dùng để ép ông Trump

Chiến lược của nhà lãnh đạo Triều Tiên cho thấy Mỹ chỉ có một lựa chọn: Thay đổi lập trường, hoặc đàm phán không đi đến đâu.

Tạp chí The Diplomat chỉ ra rằng, ông Kim Jong Un đang tiếp tục chiến dịch "gây sức ép tối đa " đối với Mỹ bất chấp triển vọng của cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại vùng phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều ngày 30/6 vừa qua.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều gặp nhau ở DMZ ngày 30/6. (Ảnh: Nhà Trắng)

Chỉ riêng trong tháng 7, hơn ba tuần sau cuộc gặp, ông Kim xuất hiện trong hàng loạt bức ảnh khi đi thị sát một tàu ngầm mới và giám sát các vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn cùng một hệ thống phóng tên lửa đa nòng.

Hình ảnh thị sát tàu ngầm đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 2/2018 Triều Tiên "khoe" cho cả thế giới thấy khí tài quân sự hạng nặng dùng để mang và phóng các tên lửa đạn đạo hạt nhân. Dần dần nhưng chắc chắn, Kim Jong Un tiếp tục tăng cường phát triển các năng lực hạt nhân cho đất nước của mình.

Mục tiêu của chiến dịch mà Kim Jong Un đang theo đuổi rất đơn giản. Sau khi không đạt kết quả tại hội nghị lần hai, nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố ông tìm kiếm "một quyết định dũng cảm" từ Washington trước cuối năm nay. "Quyết định dũng cảm" đó gắn với lập trường của Triều Tiên về nới lỏng cấm vận.

Nếu quan điểm đàm phán của Mỹ không rời xa những gì thể hiện ở cuộc gặp lần hai, tiến tới không gian mở cho một thỏa thuận nhỏ mà theo đó Triều Tiên chấp nhận một số nhượng bộ để đổi lấy nới lỏng cấm vận thực sự, thì ông Kim sẽ trở lại con đường cũ của mình.

Ở trong nước, Kim Jong Un khẳng định với Đảng Lao động cầm quyền rằng ông giữ vững cam kết bảo vệ đất nước một cách mạnh mẽ và tự chủ. Các hoạt động quân sự trong tháng 7 vừa qua chứng tỏ nhà lãnh đạo Triều Tiên thực sự nghiêm túc và rõ ràng về chuyện đàm phán với Mỹ.

Hàn Quốc cũng trở thành một mục tiêu bị Triều Tiên chỉ trích. Bình Nhưỡng phản đối cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, viện dẫn một cam kết mà ông Trump được cho là đã đưa ra với Kim Jong Un trong cuộc gặp ngày 30/6. Trong một thông cáo, Bình Nhưỡng lên án Seoul vì mua các chiến cơ tàng hình F-35 của Mỹ, cho rằng đây là bằng chứng cho thấy cách tiếp cận "hai mang" của chính phủ Hàn Quốc: Ủng hộ hòa đàm liên Triều nhưng tiếp tục sắm vũ khí hạng nặng.

Giữa bối cảnh đó, triển vọng nhanh chóng quay trở lại các cuộc hội đàm cấp độ làm việc dường như khó có thể trở thành hiện thực. Tháng 7/2019 sẽ được ghi nhớ là tháng bắt đầu với một sự lạc quan rất lớn về khả năng hai bên sẽ đưa con tàu trệch đường ray trở lại đúng hướng nhưng kết thúc bằng sự quay trở lại bi quan.

Đối với Chủ tịch Triều Tiên, ông có thể đang rất tự tin sau các hội nghị thành công mới đây với Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vadimir Putin. Đặc biệt, chuyến thăm Bình Nhưỡng của Chủ tịch Trung Quốc càng củng cố sự ủng hộ của Bắc Kinh dành cho ban lãnh đạo ở Triều Tiên, tạo cho ông khoảng trống lớn hơn để thể hiện trong tiến trình ngoại giao với Mỹ.

Chỉ còn 5 tháng nữa là hết năm 2019, có nghĩa là hạn chót cuối năm mà Kim Jong Un vạch ra cho Mỹ đang đến gần. Khả năng Triều Tiên sẽ tiếp tục thử tên lửa dù vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từ năm 2006.

Tháng 8 khả năng sẽ có nhiều căng thẳng nếu Mỹ và Hàn Quốc tập trận như đã định. Và sau gần 2 năm ông Trump đưa ra đe dọa bắt Triều Tiên hứng chịu "lửa và cơn thịnh nộ", những động thái vừa qua là lời nhắc nhở rằng bất ổn vẫn đang tiềm tàng ở phía trước.

Tác giả: Thanh Hảo

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: Trump , Triều Tiên , Kim Jong Un

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP