Ở làng Đắc Châu, mọi không gian đều như được dành cho việc phơi bánh. Bánh phơi trên giàn trước nhà trước ngõ, phơi trên mái ngói, phơi trên nóc nhà tầng, rồi trên cả bờ đê… |
Nằm bên bờ sông Chu, làng Đắc Châu từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bánh đa với lịch sử hàng trăm năm tuổi. Chẳng ai còn nhớ nghề làm bánh đa của làng có từ bao giờ, nhưng nghề đã gắn chặt với cái tên của làng. |
Bánh đa ở đây nguyên liệu được làm hoàn toàn tự nhiên là gạo, vừng. Theo những người làm bánh lâu năm ở làng thì chỉ làm bằng bột gạo thì bánh đa sau khi quạt mới giữ được độ giòn và thơm lâu, không bị dai dù có để lâu. Đây là nét đặc trưng tạo nên sự khác biệt của bánh đa làng Chòm. |
Kỹ thuật rắc vừng đòi hỏi sự chuyên nghiệp để vừng rắc được đều tay và đầy đặn trên khuôn bánh. Một điều đặc biệt của bánh đa làng Chòm chính là lớp vừng rất dày. Bánh đa nhiều vừng ăn vừa ngon, vừa bùi. |
Để có một chiếc bánh đa ngon, người dân làng Đắc Châu phải sử dụng gạo có độ dẻo ít (gạo thường được dùng là Q5) để tráng bánh. Công đoạn tráng bánh khá quan trọng, bột phải được dàn đều để bánh có độ dày vừa phải, rồi rắc lớp vừng đều trên mặt bánh. |
Bà Nguyễn Thị Diệp, thôn Đắc Châu 2 chia sẻ, mỗi ngày, gia đình bà làm khoảng 1.000 chiếc bánh, giá bình quân hiện tại là từ 8.000 - 10.000đ/chiếc. Theo bà Diệp, bánh chỉ làm được khi trời có nắng để phơi, nên trong tháng có ngày làm có ngày không, thu nhập bình quân cũng giao động khoảng 400 - 500 nghìn đồng/ngày. |
Vào dịp cận Tết, nguồn nguyên liệu làm bánh thường sẽ tăng giá nên giá bánh từ đó cũng tăng theo. Tuy nhiên, do là sản phẩm đã có thương hiệu nên lượng thương lái đổ về để thu mua rất đông. Hiện tại, nhà bà Diệp đã huy động cả nhà tham gia làm bánh nhưng cũng không đủ số lượng để cung cấp cho thương lái. |
"So với công việc khác, công việc tráng bánh đa vất vả, cho thu nhập không cao, nhưng được cái ổn định, được làm việc tại nhà nên có thời gian chăm sóc con cái. Dù khó khăn nhưng tôi cũng theo nghề hàng chục năm rồi, giờ bảo bỏ nghề cũng không bỏ được", bà Diệp tâm sự. |
Hàng ngày, những người dân làm nghề phải dậy từ 3h sáng để chuẩn bị các khâu làm bánh và họ thường kết thúc công việc vào khoảng 13h chiều. |
Bánh đa sau khi tráng xong sẽ được đưa ra phơi, nếu trời nắng to khoảng 5-6 tiếng là bánh khô, nhưng nếu trời râm mát phải 2 – 3 ngày. Bánh không được phơi quá khô, sẽ cong giòn, dễ gãy. |
Được biết, làng nghề Đắc Châu có hơn 100 hộ sản xuất bánh đa. |
Thu nhập nghề mang lại không quá cao, khoảng 6-7 triệu đồng/người/tháng nhưng đủ nuôi sống anh gia đình và tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa phương. |
Tác giả: Bình Minh
Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết