Tin trong tỉnh

Nghệ An: Áp dụng Luật Lâm nghiệp mới, quản lý rừng bền vững

Luật Lâm nghiệp 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, theo đó luật sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho chủ rừng và những người bảo vệ rừng trên. Hiện tại, địa bàn Nghệ An đang tích cực tuyên truyền, tập huấn về thực thi Luật Lâm nghiệp để nhanh chóng áp dụng vào thực tế, góp phần bảo vệ rừng bền vững.

Nhờ làm tốt công tác trồng, chăm sóc quản lý bảo vệ rừng nên đến nay độ che phủ rừng Con Cuông đạt trên 85%, cao nhất tỉnh. Ảnh Minh Hạnh

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT: Tổng diện tích đất tự nhiên địa bàn Nghệ An là 1.648.997 ha, trong đó đất quy hoạch lâm nghiệp 1.166.109 ha, chiếm 70,7%. Đất có rừng 879.302 ha, chiếm 53,3 %, đất chưa có rừng 286.807 ha, chiếm 17,4%. Đất có rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 70.149 ha, chiếm 4,2%.

Trong đó, trữ lượng gỗ toàn tỉnh Nghệ An tính đến thời điểm này là 81.349.105m3 rừng tự nhiên, 9.654.183 m3 rừng trồng có 1.941.681 ngàn cây tre, nứa. Rừng đặc dụng trữ lượng 29.079.642m3, rừng phòng hộ 28.095.141m3, rừng sản xuất 29.922.683m3 và rừng ngoài đất quy hoạch lâm nghiệp có 3.364.371m3. Hiện trên địa bàn có 45 doanh nghiệp chế biến gỗ, có 10.410 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể các mặt hàng đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ.

Từ năm 2016, Nhà máy chế biến gỗ Nghĩa Đàn giai đoạn 1 sản xuất đạt công suất, gỗ ghép thanh 12.000 m3/năm, ván MDF 130.000 m3/năm. Năm 2018, Nghệ An tiếp tục đầu tư nhà máy chế biến ván sợi MDF tại Anh Sơn, công suất 400.000m3/năm. Vì vậy, Luật Lâm nghiệp mới có hiệu lực ngày 1/1/2019 rất cần thiết, theo đó luật sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho chủ rừng và những người bảo vệ rừng.

Cán bộ BQL, Hạt Kiểm lâm tuần tra rừng vùng lõi. Ảnh: PV

Cụ thể, mục đích xây dựng Luật Lâm nghiệp mới là: Thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lâm nghiệp. Ngành kinh tế - kỹ thuật bao gồm các hoạt động về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản theo định hướng thị trường và hội nhập quốc tế. Cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý, ổn định theo hướng hiện đại, phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường; Góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người làm nghề rừng và công cuộc xây dựng nông thôn mới, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Luật Lâm nghiệp mới góp phần thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về lâm nghiệp, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Là nền tảng cho phát triển lâm nghiệp trên cơ sở đẩy nhanh và làm sâu sắc hơn chủ trương xã hội hóa nghề rừng. Thể chế hóa chế định sở hữu rừng theo quy định tại Điều 53, Hiến pháp năm 2013, đồng bộ với các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ rừng, của cơ quan quản lý Nhà nước về lâm nghiệp; thu hút các nguồn lực phát triển lâm nghiệp bền vững.

Luật đã thể chế hóa chế định sở hữu rừng (Điều 7) theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Luật quy định rõ chính sách phát triển lâm sản theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác, liên doanh, liên kết với chủ rừng để tạo vùng nguyên liệu, quản lý rừng bền vững. Tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới và giải pháp tăng trưởng xanh, nâng cao giá trị gia tăng. Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong chế biến lâm sản, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong chế biến lâm sản. Nhà nước xây dựng và vận hành hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. Chính sách phát triển thị trường lâm sản theo hướng tổ chức, cá nhân hợp tác, liên kết, thu mua, tiêu thụ lâm sản được cung cấp tín dụng ưu đãi. Nhà nước hỗ trợ hoạt động xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, cung cấp thông tin thị trường lâm sản trong nước và quốc tế.

Lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng Pù Mát ở xã Châu Khê, Con Cuông. Ảnh: Văn Trường.

Theo đó, rừng được quản lý bền vững về diện tích và chất lượng, bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của chủ rừng, tổ chức, cá nhân hoạt động lâm nghiệp. Bảo đảm tổ chức liên kết theo chuỗi từ bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản để nâng cao giá trị rừng. Bảo đảm công khai, minh bạch, sự tham gia của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư liên quan trong hoạt động lâm nghiệp.

Việc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng và thu hồi rừng phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, diện tích rừng hiện có của địa phương. Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia, dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt. Không giao, cho thuê diện tích rừng đang có tranh chấp.

Đại diện của UNESCO phổ biến tuyên truyền công tác bảo vệ rừng cho bà con xã Môn Sơn, Con Cuông. Ảnh: PV

Đối với việc đóng và mở cửa rừng tự nhiên, Luật quy định rõ phải bảo đảm nguyên tắc quản lý rừng bền vững, bảo tồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học. Bảo đảm công khai và minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan khi thực hiện đóng, mở cửa rừng tự nhiên.

Đối với địa bàn Nghệ An, thời gian qua ngành liên quan đã triển khai tuyên truyền, tập huấn về thực thi Luật Lâm nghiệp mới. Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 2 tỉnh Nghệ An đã tổ chức cuộc Hội thảo “Tham vấn về vấn đề tăng cường thực thi lâm luật” ở cấp huyện và cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm: Các ngành liên quan cần tích cực tuyên truyền sâu rộng Luật Lâm nghiệp mới cho các chủ rừng, địa phương và bà con nhân dân để từ đó thực hiện tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đây cũng là tiền đề để thực hiện tốt Đề án “Giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Luật Lâm nghiệp (Luật số 16/2017/QH14) được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 15/11/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Luật gồm có 12 chương, 108 điều, điểm mới của Luật Lâm nghiệp mới là: Luật Lâm nghiệp đã mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng liên kết theo chuỗi các hoạt động lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản (Điều 1). Thể hiện rõ lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù, gồm tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng (Khoản 1, Điều 2). Đây là một trong những điểm mới quan trọng nhất, có liên quan đến toàn bộ nội dung cũng như cấu trúc của luật.

Tác giả: Văn Trường

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP