Tin trong tỉnh

Nghệ An “bế tắc” với giải ngân vốn đầu tư công?

Mặc dù cấp, ngành địa phương đã nỗ lực đôn đốc thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công từ nhiều tháng qua nhưng đến nay, hàng chục đơn vị trên địa bàn Nghệ An vẫn chưa thể thực hiện.

Trước tình trạng “bế tắc” này, UBND tỉnh Nghệ An đã tiếp tục ban hành văn bản để đốc thúc, cùng với đó trực tiếp “chỉ mặt, điểm tên” các đơn vị chưa thực hiện, chậm triển khai vấn đề này và có chế tài xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức…

Hàng chục đơn vị chưa thực hiện giải ngân

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, đến nay trên địa bàn hiện có 24 cơ quan, đơn vị chưa thực hiện giải ngân gồm: Huyện Tương Dương; 07 Sở, ban, ngành cấp tỉnh: Du lịch, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.

Bên cạnh đó, Nghệ An còn có 16 đơn vị chủ đầu tư khác gồm: Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương, Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An, Trường Đại học Y khoa Vinh, Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành, Trường THPT Hà Huy Tập, Trường THPT Quỳ Hợp 3, Trường THPT Tương Dương 2, Trường THPT Mường Quạ, Trường THPT Đô Lương 3, Trường THPT Thanh Chương 3, Công ty TNHH thủy lợi Tân Kỳ, Chi cục Tiêu chuẩn Đô lường Chất lượng Nghệ An, Chi cục phát triển nông thôn…chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Cùng với 24 cơ quan, đơn vị chưa thực hiện vấn đề nói trên, Nghệ An hiện có 16 đơn vị có tỷ lệ giải ngân tính đến ngày 10/5/2023 ở dưới mức trung bình của tỉnh dưới 16,22%. Cụ thể, 14 huyện, thị xã: Thái Hòa (0,35%), Quỳnh Lưu (1,11%), Vinh (1,31%), Nghĩa Đàn (1,77%), Thanh Chương (6,66%), Hưng Nguyên (7,01%), Nghi Lộc (7,54%), Kỳ Sơn (7,61%), Yên Thành (7,81%), Hoàng Mai (9,03%), Con Cuông (10,32%), Anh Sơn (10,59%), Nam Đàn (11,62%), Quế Phong (12,43%).

Đến nay, Nghệ An vẫn còn hàng chục đơn vị cấp Sở, ngành, huyện, thành, thị...vẫn đang trong tình trạng loay hoay với việc xử lý nguồn vốn đầu tư công

Ở cấp Sở, ngành có 04 đơn vị bao gồm: Ban QLDA ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (1,17%), Nông nghiệp và PTNT (4,6%), Kế hoạch và Đầu tư (13,65%), Lao động – Thương binh và Xã hội (15.92%).

Bệnh viện Ung bướu Nghệ An (1,49%), Công ty TNHH MTV thủy lợi Bắc (3,8%), Công ty TNHH thủy lợi Phủ Quỳ (12,14%) là 03 đơn vị chủ đầu tư cũng có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở mức thấp.

Bên cạnh đó, hiện nay Nghệ An còn có 19 cơ quan, đơn vị giải ngân 4 tháng đầu năm không đạt cam kết như ban đầu gồm 10 huyện, thành, thị; 04 Sở, ngành và 05 chủ đầu tư. Thị xã Thái Hòa, TP Vinh, Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Kỳ Sơn, Yên Thành, Hoàng Mai, Con Cuông, Anh Sơn, Quế Phong và Du lịch, Nông nghiệp và PTNT, Giao thông vận tải, Ban Quản lý KKT Đông Nam là những huyện, thị, thành và Sở, ban, ngành được UBND nhắc tên trong một văn bản số 3763/UBND-KT được ban hành vào ngày 17/05/2023 vừa qua.

Đáng quan tâm, huyện Tương Dương và 06 Sở, ban, ngành cấp tỉnh: Y tế, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh;

15 đơn vị chủ đầu tư khác: Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương, Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành, Chi cục Tiêu chuẩn Đô lường Chất lượng Nghệ An, Chi cục phát triển nông thôn,Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An, Trường Đại học Y khoa Vinh, Trường THPT Hà Huy Tập, Trường THPT Quỳ Hợp 3, Trường THPT Quỳnh Lưu 3, Trường THPT Tương Dương 2, Trường THPT Mường Quạ, Trường THPT Đô Lương 3, Trường THPT Thanh Chương 3…là những đơn vị không đăng ký giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng đầu năm 2023.

“Tuyệt đối không để tình trạng có vốn mà không giải ngân được”

Ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu như vậy tại văn bản số 3763/UBND-KT do ký ngày 17/05/2023 để chấn chỉnh tình trạng “bế tắc” trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công.

Theo văn bản nói trên, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã;

Thủ trưởng các đơn vị chủ đầu tư thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã được đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Ông Lê Hồng Vinh cũng yêu cầu cần phải nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án để hạn chế việc điều chỉnh dự án, làm chậm tiến độ thực hiện; lựa chọn nhà thầu tư vấn, xây lắp đủ năng lực, điều kiện và trách nhiệm để thực hiện dự án;

Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, cơ quan liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công; phấn đấu đến hết tháng 5/2023 không còn tình trạng dự án chưa giải ngân. Trường hợp ngành, địa phương nào gây khó khăn trong quá trình thẩm định hồ sơ thủ tục liên quan đến dự án kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để xử lý.

Đã có không ít văn bản đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công gửi các đơn vị liên quan nhưng xem ra vấn đề này vẫn không thấy khả quan trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Vấn đề siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án; trường hợp dự kiến không giải ngân hết chỉ tiêu kế hoạch được giao, có văn bản đề xuất cắt giảm để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chuyển; các cơ quan, đơn vị chủ đầu tư phải quán triệt yêu cầu này, tuyệt đối không để tình trạng có vốn mà không giải ngân được cũng được UBND tỉnh Nghệ An đốc thúc, yêu cầu thực hiện.

Trước đó, cũng trong một diễn biến liên quan tại Công văn số 2597/UBND-KT ngày 10/4/2023 do ông Bùi Thanh An – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Như vậy, trong những tháng gần đây, để chấn chỉnh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Công điện 123/CĐ-TTg ngày 10/3/2023 và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác phân bổ, giải ngân đầu tư công, UBND tỉnh Nghệ An đã liên tục ban hành các văn bản để đốc thúc. Tuy nhiên, với những số liệu nói trên có thể thấy, tình trạng có vốn mà không giải ngân được vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

Tác giả: Ngọc Thái

Nguồn tin: Diễn đàn doanh nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP