Thời gian gần đây, tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến rất phức tạp, mầm bệnh đã xâm nhiễm vào một số gia trại chăn nuôi, số lượng lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy hàng ngày tăng, đặc biệt tại các huyện có tổng đàn lợn lớn, mật độ chăn nuôi cao như: Yên Thành, Đô Lương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nam Đàn. Nguyên nhân do thời gian chống dịch kéo dài dẫn đến hiện tượng một số địa phương chủ quan, lơ là thiếu các biện pháp quyết liệt…
Dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp tại Nghệ An |
Hiện nay, mầm bệnh đã phát tán rộng, số lượng lợn tiêu hủy nhiều, công tác xử lý môi trường tại các hố chôn lợn nhiều địa phương chưa triệt để, kết hợp với thời tiết diễn biến bất lợi, bắt đầu mùa mưa bão gây ngập úng, xác chết động vật, chất thải từ các cơ sở thu gom, giết mổ, chăn nuôi... Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh bùng phát thời gian tới rất cao.
Để ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục phát sinh, khống chế dịch trong diện hẹp, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ra Công điện khẩn số `17/CĐ-UBND, ngày 06/9/2019 yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị huy động mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị quyết liệt phòng chống bệnh DTLCP, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời điểm hiện nay và thời gian tới; chủ động bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch, chi trả thù lao phù hợp, rõ ràng, chặt chẽ cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh…
Các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm, báo cáo, xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh trên động vật; tiêu hủy triệt để lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh trong vòng 24 giờ kể từ lúc phát hiện lợn bệnh; thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ, kinh doanh lợn, sản phẩm của lợn trên địa bàn; thực hiện nghiêm việc quản lý giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm từ lợn, kiểm soát vận chuyển lợn theo các hướng dẫn của Sở NN&PTNT.
UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, báo cáo về Sở NN&PTNT tổng hợp, trình UBND tỉnh để có các biện pháp giải quyết kịp thời.
Được biết, tính đến nay tại Nghệ An bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 3.799 hộ thuộc 650 xóm của 181 xã, 18 huyện; tổng số lợn tiêu hủy hơn 16.800 con.
Tác giả: Đình Tiệp
Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường