Du lịch

Những bài học thiêng liêng từ kỷ vật về Bác Hồ

Những kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh là món quà vô giá đối với mọi thế hệ.

Khu di tích Kim Liên lưu giữ và trưng bày nhiều kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những kỷ vật đó càng đặc biệt có ý nghĩa trong giáo dục truyền thống cho học sinh – mà sinh thời Người luôn dành tình yêu thương, quan tâm đặc biệt. Những kỷ vật còn là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại, tương lai, để lịch sử và lời dạy của Người “vẫn còn sống mãi”, khắc ghi và thực hiện.

Món quà vô giá dịp sinh nhật Bác

Sáng ngày 15/5 - một ngày đặc biệt đối với Trường THCS Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An) khi nhận lại kỷ vật là bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do chính Bác tặng nhà trường cách đây hơn 50 năm.

Theo lịch sử nhà trường ghi lại, ngày 19/5/1969, Trường Cấp 2 Nam Liên (nay là Trường THCS Kim Liên) được Bác Hồ tặng bức chân dung, phía dưới có dòng chữ viết tay của Người với nội dung: “Bác mong các cô giáo, thầy giáo dạy thật tốt. Các cháu học trò học thật tốt”. Tuy nhiên, do chiến tranh, trường học phải sơ tán, di dời để sửa chữa nên bức chân dung bị thất lạc.

Với tình cảm, trách nhiệm dành cho thế hệ mai sau, NGƯT Hoàng Nguyên – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nam Liên thời điểm được Bác tặng bức chân dung, đã lặn lội hàng chục năm tìm kiếm.

Năm 2021, được sự hỗ trợ của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Kim Liên, bức chân dung quý giá đã được tìm lại. Và đúng dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ vật này đã được bàn giao lại cho Trường THCS Kim Liên và giới thiệu lại “hành trình” dài trở về cho học sinh, giáo viên nhà trường.

Cô Nguyễn Thị Khánh Vân - Hiệu trưởng Trường THCS Kim Liên - xúc động nói: “Nhận lại bản khôi phục lại ảnh chân dung kèm bút tích của Bác Hồ tặng nhà trường vào dịp kỷ niệm sinh nhật Người, là món quà vô giá đối với tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh.

Đây cũng là vinh dự, tự hào to lớn đối với ngôi trường đóng ngay trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kỷ vật này sẽ được nhà trường lưu giữ, trân trọng để giáo dục truyền thống cho học sinh. Không chỉ vậy, các thế hệ thầy, cô giáo, học sinh nhà trường sẽ thực hiện lời Bác dạy, cố gắng dạy tốt, học tập tốt hơn nữa”!

Nhân dịp này, nhà trường đã tổ chức chương trình ngoại khóa lồng ghép vào tiết chào cờ thứ 2 đầu tuần với chủ đề “Nhớ ơn Bác”. Trong chương trình ngoại khóa, học sinh thể hiện nhiều câu chuyện, bài múa hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình yêu thương bao la mà Người dành cho dân tộc, đồng bào, đặc biệt với thiếu niên nhi đồng. Bên cạnh đó còn có tiết mục thuyết minh về một di tích trong Cụm di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An), giới thiệu quê hương nơi Bác đã sinh ra, trải qua năm tháng ấu thơ tại đây.

Cô Khánh Vân cho biết thêm, chiều cùng ngày, nhà trường tổ chức cho tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh giỏi, đã nỗ lực trong học tập đến Khu di tích Kim Liên để báo công với Người.

Thư học sinh Nghệ An gửi cho Bác Hồ năm 1960 được lưu giữ tại Khu di tích Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An

Bài học từ những kỷ vật

Mới đây, Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) đã sưu tầm được hàng chục bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó có những bức thư Bác Hồ gửi cho Đảng bộ tỉnh Nghệ An; bức chân dung và lời nhắn gửi cho Trường THCS Kim Liên; lá thư gửi đồng bào, bộ đội và cán bộ thành phố Vinh; thư Bác Hồ gửi các cụ phụ lão. Đặc biệt, những lá thư mà học sinh ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh gửi chúc mừng Bác vào những năm 1960 chứa đựng tình cảm kính yêu, đối với vị cha già của dân tộc.

“Thưa Bác, cháu là Phan Thị Hương, học sinh lớp 2A ở Minh Lam, xã Thanh Minh. Trước hết cháu cầm bút viết một vài dòng chữ hỏi thăm sức khỏe của Bác. Cháu và các bạn cháu học rất chăm. Cháu rất yêu Bác, cháu hứa với Bác sẽ học rất chăm chỉ…” - Đó là một trong nhiều bức thư học sinh gửi cho Bác Hồ, tuy mới học lớp 2 nhưng dòng chữ đẹp nắn nót, cẩn thận.

Nhiều lá thư khác, các cháu học trò còn thể hiện nỗi nhớ mong, ước được Bác đến thăm trường và lời hứa “sẽ học tập chăm chỉ, trau dồi hạnh kiểm để xứng đáng là học trò ngoan của Bác”.

Những bức thư này đã được Khu di tích Kim Liên kịp giới thiệu, trưng bày nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023). Cùng với nhiều kỷ vật khác, chính là những câu chuyện, bài học lịch sử truyền thống sinh động, ý nghĩa, giàu cảm xúc đến thế hệ trẻ.

Nhiều năm qua, Nam Đàn quê Bác đã trở thành quê chung của bao nhiêu người con trên dải đất hình chữ S. Để mỗi dịp trở về “Làng Trù quê mẹ và Làng Sen quê cha”, lại cảm nhận được những tình cảm thân thương, ấm áp. Đặc biệt, dịp tháng 5 về, nhiều nhà trường đã tổ chức cho học sinh về thăm quê Bác để báo công với Người, sau một năm học nhiều cố gắng, nỗ lực. Và được nghe thêm nhiều câu chuyện, bài học, lời dạy Bác để lại để tiếp tục phấn đấu trong học tập.

Trước đó, từ năm 1956, ngay sau khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Đảng, Chính phủ đã có chủ trương khôi phục Di tích làng Sen và Di tích làng Hoàng Trù để đáp ứng tình cảm, nhu cầu, tham quan, tìm hiểu của nhân dân đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Năm 1964, Nhà trưng bày Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng. Đến năm 1970, một năm sau khi Bác Hồ từ trần, nơi đây có thêm Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên chính thức được thành lập. Đây cũng là di tích lưu niệm đầu tiên trong Hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh được phục hồi, phát huy tác dụng. Cùng với quần thể di tích, nơi đây đang lưu giữ nhiều hiện vật gốc rất có giá trị.

Để phát huy giá trị của di tích, trong hơn 60 năm qua, Khu di tích Kim Liên đã luôn làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ các cụm di tích gốc. Đồng thời nghiên cứu khoa học, gặp gỡ nhân vật lịch sử, những người trong dòng họ Nguyễn Sinh, họ Hoàng… để phục vụ việc phục dựng, tôn tạo các di tích phụ cận một cách bài bản, gần với nguyên mẫu nhất.

Ông Lâm Đình Hùng - Trưởng phòng Nghiệp vụ Khu di tích Kim Liên - cho biết: Khu di tích đang bảo quản 290 hiện vật với 100 đơn vị hiện vật gốc, hiện vật đồng thời đồng loại. Ngoài ra, lưu trữ ở kho hiện vật 42 đầu loại với gần 4.000 đơn vị hiện vật cùng hàng trăm tài liệu hiện vật là những bức ảnh tư liệu, kỷ vật của các đoàn khách trong và ngoài nước, các địa phương tặng cho Khu di tích Kim Liên và các đầu tư liệu được sưu tầm. Phần lớn hiện vật đã được số hóa và nhờ đó, góp phần làm phong phú thêm nguồn tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là thời gian Người sinh sống tại quê hương và 2 lần Người về thăm Nghệ An.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP