Hôm nọ, tôi lang thang ở một bến xe ở Hà Nội với mục đích tìm hiểu ý kiến của cánh lái xe về một dự thảo nghị định Bộ Giao thông Vận tải.
Dự thảo này quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhằm thay thế Nghị định 86 được ban hành năm 2014 và đang gây tranh cãi, lo lắng trong giới phân tích chính sách và doanh nghiệp vận tải.
Bản thân tôi không thể hình dung vì sao nhiều quy định lại được thiết kế như vậy. Tôi không trả lời được những câu hỏi đơn giản nhất: những quy định đó quản cái gì, bằng cách nào, cho ai, để làm gì…?
Chẳng hạn, có quy định, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trước khi thực hiện vận chuyển hành khách phải cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận tải đến Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng văn bản hoặc qua thư điện tử.
Tôi mang quy định này hỏi một tài xế, xem anh có nộp hợp đồng đó không. Anh nói có lúc không nộp nhưng phần lớn là không nộp. Tuy nhiên, khi bị các cơ quan liên quan “sờ gáy” thì luôn bị phạt, hoặc phải “biết điều” mới được cho qua.
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Trao đổi với vài tài xế xong mà tôi vẫn không thể hiểu, vì sao Nhà nước lại phải cắt cử công chức ra làm việc vô nghĩa vậy?Mỗi ngày, chỉ riêng Hà Nội có hàng ngàn chuyến xe hợp đồng, từ chở khách liên tỉnh, đưa học sinh đi tham quan, đám cưới, đám ma... Nếu tuân thủ nghiêm túc quy định này, cánh lái xe phải cử người mang bản hợp đồng đó lên Sở Giao thông Vận tải, và sở phải cắt cử biết bao nhân viên để nhận hàng ngàn bản hợp đồng đó, mà chẳng có kho nào của sở đủ để chứa đống giấy tờ ngồn ngộn đó.
Song, chính những từ nhẹ nhàng như “biết điều” của bác tài nọ nói lên tất cả. Quy định đó chỉ nhằm gây khó dễ cho lái xe, doanh nghiệp để dễ bề bắt lỗi, vòi vĩnh, kiếm chác từ họ.
Trên thực tế thì quy định này đã tồn tại trong chính Nghị định 86 đang có hiệu lực. Năm ngoái, một tài xế vận tải khách du lịch ở Đà Nẵng đã phản ánh lên Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng những khó khăn của anh. Xe của anh kinh doanh vận tải khách du lịch và đã có phù hiệu hợp đồng do sở Giao thông Vận tải và Sở Du lịch cấp; anh có đầy đủ chứng chỉ nghiệp vụ phục vụ khách du lịch do Sở Văn hóa thể thao và du lịch cấp, chứng chỉ phục vụ khách du lịch của sở Giao thông Vận tải cấp...
Anh cho biết, trong khi vận chuyển khách trên các điểm du lịch trong Thành phố như Bà Nà, Ngũ Hành Sơn..., anh hay bị đội liên ngành cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, quản lý thị trường gọi lại để hỏi hợp đồng vận chuyển.
“Tôi đã thực hiện đầy đủ mọi thủ tục hành chính cũng như nghĩa vụ thuế, thì việc việc kiểm tra có hợp lí không, có tác dụng tích cực hay không? Tôi thực sự rất thất vọng”, tài xế này phản ánh với Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng.
Rõ ràng, quy định đó một lần nữa lại được lặp lại trong dự thảo thay thế tới đây. Thử hình dung, chi phí về thời gian, tiền bạc… của các tài xế, của doanh nghiệp lớn đến thế nào trên phạm vi toàn quốc.
Thật đáng tiếc, những quy định gây phiền hà, dễ lạm dụng như trên có rất nhiều trong bản dự thảo.
Chẳng hạn, quy định đơn vị vận tải phải cung cấp thông tin về hợp đồng vận tải đến Sở Giao thông vận tải trước khi thực hiện vận chuyển hành khách.
Quy định hợp đồng vận tải phải có thông tin “hạng giấy phép lái xe, số giấy phép lái xe” của lái xe, “năm sản xuất” của phương tiện.
Yêu cầu doanh nghiệp vận tải báo cáo Sở Giao thông Vận tải về các nội dung, hợp đồng mẫu, v.v… của ứng dụng phần mềm trong khi các ứng dụng đã được đăng ký/thông báo cho Bộ Công Thương theo quy định về thương mại điện tử.
Yêu cầu hợp đồng phải được ký trước khi vận chuyển; chỉ được ký 01 hợp đồng, mang theo hợp đồng vận tải, danh sách hành khách bằng văn bản giấy có dấu xác nhận của đơn vị kinh doanh vận tải.
Doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng hợp đồng vận tải điện tử có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông.
Trong thời gian một tháng, mỗi xe kinh doanh vận tải khách du lịch (có điểm xuất phát và điểm kết thúc của chuyến đi không nằm trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau.
Nhân danh Nhà nước, những quy định như vậy để làm gì, quản lý cái gì vì lợi ích của người dân, của xã hội? Nó đâu vì sự an toàn của hành khách?
Lẽ ra xây dựng chính sách phải trên nền tảng Chính phủ đã tuyên bố là kiến tạo và cương quyết cắt giảm điều kiện kinh doanh. Các quy định đó của dự thảo nghị định đó lẽ ra phải thúc đẩy phát triển, đảm bảo quyền tự do kinh doanh hơn cho người dân và doanh nghiệp, thứ không phải đẻ ra nhiều thủ tục để bắt bẻ họ.
Có thể, không phải công chức nào cũng lạm dụng các quy định đó để vòi tiền doanh nghiệp và người dân, nhưng thử hỏi, họ có đủ người, nguồn lực để thực hiệt tất cả các quy định nói trên hay không?
Hôm ở bến xe, nhiều tài xế nói với tôi, họ đã kiệt sức vì nghề nghiệp cực nhọc mà vẫn phải căng đầu để đối phó với thủ tục “rất dấm dớ” như trên, mà thiếu đi thì dứt khoát phải chìa “phong bao”. Chả nhẽ, chính sách lại được thiết để vì mục đích đó?
Tư Giang (còn nữa)