Kinh tế

Nợ cao tốc Hà Nội-Hải Phòng 4.000 tỷ: Treo 10 năm, trả 1 lần cho xong

Việc Chính phủ muốn trả nhà đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khoản nợ hơn 4.000 tỷ đồng tiền giải phóng mặt bằng sẽ tạo thêm niềm tin của các nhà đầu tư, giúp củng cố môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Hơn 4.000 tỷ nợ nhà đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Mới đây, Chính phủ đã có báo cáo đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định cho phép bố trí 4.069 tỷ đồng từ khoản 10.000 tỷ đồng để bố trí cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng của Bộ Giao thông Vận tải.

Đây là khoản nợ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thể hiện tại Quyết định số 746/QĐ-TTg ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Số tiền hơn 4.000 tỷ đồng này được lấy từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có vốn đầu tư 2 tỷ USD, được đánh giá là cao tốc hiện đại hàng đầu Việt Nam.

Theo tờ trình của Chính phủ, việc dành một phần vốn ngân sách Trung ương từ nguồn 10.000 tỷ đồng để thanh toán nợ hỗ trợ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng cho dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo cam kết trước đây của Chính phủ là "khả thi”, “thuộc nghĩa vụ của ngân sách trung ương”, phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội và nhằm triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về Đề án Tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Trước đó, ngày 7/5, Chính phủ cũng đã có văn bản gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội đề cập rõ hơn về nội dung này.

Theo đó, tại văn bản ngày 25/5/2018 của Văn phòng Trung ương Đảng về tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam (trong đó có liên quan đến các khoản hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án), Bộ Chính trị đã chỉ đạo: “Giao Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ bố trí ngân sách nhà nước cấp đủ những khoản thuộc trách nhiệm của ngân sách theo cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.

Tại khoản 1 điều 3 Nghị quyết 71/2018/QH14 quy định: Sử dụng 10.000 tỷ đồng từ việc điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia để ưu tiên bố trí cho các dự án gia cố hệ thống đê xung yếu, xử lý sạt lở bờ sông... Số còn lại sử dụng để thanh toán nợ giải phóng mặt bằng một số dự án thuộc nghĩa vụ của ngân sách trung ương và hỗ trợ giải phóng mặt bằng một số dự án cấp bách cần triển khai ngay”.

Cho nên, báo cáo của Chính phủ khẳng định: Việc bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương để hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư cho dự án là phù hợp với các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thuộc nghĩa vụ của Ngân sách trung ương.

Nhiều năm chưa trả, nhà đầu tư khốn đốn

Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Dự án) được Thường trực Chính phủ quyết định giao VDB chủ trì huy động vốn và thành lập Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) để thực hiện đầu tư hợp đồng BOT theo cơ chế thí điểm quy định tại Quyết định số 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007.

Dự án được khởi công ngày 19/5/2008 và hoàn thành, đưa vào khai thác toàn bộ vào ngày 5/12/2015.

Vậy nhưng, khoản tiền ngân sách nợ giải phóng mặt bằng hơn 4.000 tỷ đồng “treo lơ lửng” nhiều năm nay khiến dự án này lâm cảnh khó khăn, thậm chí nguy cơ phá vỡ phương án tài chính.

Bởi, từ khi dự án triển khai đến nay đã 10 năm, các khoản Nhà nước cam kết hoàn trả cho nhà đầu tư theo Quyết định số 746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa được thực hiện. Do đó, VIDIFI vẫn phải tiếp tục vay VDB các khoản tham gia, hỗ trợ của Nhà nước theo cam kết với lãi suất bình quân 10%/năm.

"Tính đến cuối năm 2018, chi phí lãi vay phát sinh thêm do các khoản hỗ trợ của Nhà nước theo Quyết định số 746/QĐ-TTg chưa được thực hiện ước khoảng trên 800 tỷ đồng", đại diện VIDIFI cho hay.

Kiểm toán Nhà nước khi đánh giá hiệu quả dự án này cũng nhận xét rằng phương án tài chính của dự án khả thi, dự án sẽ trả được nợ vay, thu hồi được vốn đầu tư trong thời gian 28 năm 9 tháng “nếu các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án theo Quyết định số 746/QĐ-TTg ngày 29/5/2015 được thực hiện theo cam kết”.

Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị: “Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan kiểm tra, chỉ đạo việc thực hiện Quyết định số 746/QĐ-TTg ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ”.

Trường hợp dự án không trả được các khoản nợ vay nước ngoài đến hạn được Chính phủ bảo lãnh cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các cam kết của Chính phủ đối với nhà tài trợ vốn nước ngoài, ảnh hưởng đến uy tín, môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Dự án này đã được 6 định chế tài chính và ngân hàng quốc tế cho vay (gồm Keximbank, Kfw, Citi Bank Japan, Sumitomo Mitsui Banking, MUFG Bank, Sumitomo Trust & Banking). Khi vay vốn, phương án tài chính được duyệt của dự án đã được gửi cho các tổ chức tài chính quốc tế trên, trong đó thể hiện thời gian hoàn vốn, lộ trình thực hiện các khoản tham gia, hỗ trợ của Nhà nước đối với Dự án.

Vì vậy, các tổ chức này rất quan tâm đến tính khả thi của phương án tài chính và khả năng hoàn trả vốn vay đến hạn, trong đó, đặc biệt quan tâm đến tình hình thực hiện các khoản hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án.

Ngoài ra, hiện nay Chính phủ đang kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực hạ tầng. Nhiều nhà đầu tư lớn của nước ngoài có ý định tham gia đầu tư hạ tầng giao thông lớn tại Việt Nam. Các nhà đầu tư này đặc biệt quan tâm đến các cam kết của Chính phủ đối với nhà đầu tư. Vì vậy, nếu các khoản cam kết của Chính phủ chậm giải quyết sẽ ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư.

Tác giả: Hà Duy

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP