Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở LĐ-TB&XH quản lý, hiện có 20 biên chế và 20 hợp đồng lao động, có 2 cơ sở.
Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Quỳnh Lưu cũng là đơn vị sự nghiệp công lập, trước đây trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo nhưng tháng 5/2017 đã bàn giao về cho UBND huyện Quỳnh Lưu quản lý và hiện có 10 biên chế, 2 hợp đồng lao động.
Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Toàn |
Tại cuộc họp các đại biểu đã có nhiều ý kiến góp ý vào dự thảo đề án và cũng đưa ra băn khoăn xung quanh các vấn đề như: tên gọi, chức năng, nhiệm vụ và việc sắp xếp, bố trí cán bộ, viên chức sau khi sáp nhập.
Ông Hoàng Văn Thất - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An băn khoăn: Nếu sắp tới sáp nhập 2 đơn vị này lại thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Quỳnh Lưu thì có gây gián đoạn quá trình học tập cũng như có được phép cấp bằng trung cấp cho học viên đang học ở trường hay không?
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở Nội vụ Nghệ An cho biết, sau sáp nhập nếu Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Quỳnh Lưu hoạt động hiệu quả, đủ điều kiện thì có thể liên thông đào tạo với các trường để cấp bằng.
Ngoài ra, một số ý kiến khác cũng đề nghị quá trình triển khai sáp nhập cần có sự tính toán kỹ, phải cẩn trọng để đưa ra phương án phù hợp, đúng với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.
Toàn bộ ý kiến đóng góp tại cuộc họp đều được Phòng Nội vụ huyện Quỳnh Lưu tổng hợp, hoàn thiện và sẽ trình về Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳnh Lưu xin ý kiến trước khi trình UBND tỉnh xem xét duyệt đề án.
Đề án sáp nhập hai đơn vị này nhằm mục tiêu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức; qua đó nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp; đảm bảo quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo nghề nghiệp và tổ chức các chương trình giáo dục thường xuyên trên địa bàn Quỳnh Lưu.
Tác giả: Thanh Toàn
Nguồn tin: Báo Nghệ An