Kinh tế

'Sóng ngầm' đổi lãnh đạo cấp cao ngân hàng

Các vị trí nhân sự cấp cao của các ngân hàng luôn là thông tin được thị trường đặc biệt quan tâm bởi điều này gắn liền với chiến lược phát triển của ngân hàng. Nhiều quyết định “thay máu” nhân sự cấp cao còn ẩn chứa thông tin về việc doanh nghiệp nào đang là “ông chủ” thực sự đứng sau các thương vụ thâu tóm.

Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB

Thế hệ tổng giám đốc và chủ tịch ngân hàng mới

Theo định hướng của nhiều ngân hàng, mục tiêu trong năm 2023 sẽ tiếp tục chuyển mình trên mọi phương diện, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Trong đó, công tác phát triển nhân sự, chuyển đổi số được coi là những những yếu tố then chốt được chú trọng đầu tư để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, từng bước đạt mục tiêu chiến lược. Đặc biệt, nhân sự cấp cao là một trong những vấn đề được ưu tiên và nhận sự quan tâm đặc biệt.

Tiếp theo một năm có khá nhiều biến động về nhân sự cấp cao tại các ngân hàng, trong 7 tháng đầu năm 2023, xu hướng này vẫn tiếp tục có nhiều biến động. Cuối tháng 1/2023, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Tùng làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023. Cùng ngày, ông Tùng cũng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc ngân hàng này kể từ 30/1/2023. Cũng trong ngày 30/1/2023, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) công bố quyết định giao bà Lê Thị Bích Phượng đảm nhận nhiệm vụ quyền Tổng giám đốc, thay ông Nguyễn Mạnh Quân.

Tiếp đến, tháng 4/2023, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) bổ nhiệm thêm 2 Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022-2027 là ông Đỗ Quang Vinh và ông Đỗ Đức Hải - những người từng giữ trọng trách thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc ngân hàng này. Trong đó, ông Đỗ Quang Vinh chính là con trai cả của “bầu Hiển” – Chủ tịch HĐQT SHB.

Cũng trong tháng 4, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã bầu ông Lưu Trung Thái làm Chủ tịch HĐQT trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2024. Chiếc ghế Tổng giám đốc của ông Lưu Trung Thái được để lại cho ông Phạm Như Ánh.

Cùng tháng, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) công bố thay đổi một loạt nhân sự cấp cao trong quá trình tái cơ cấu. Sau đó, NCB chính thức bổ nhiệm ông Tạ Kiều Hưng giữ chức Tổng Giám đốc. Đằng sau việc thay đổi một loạt nhân sự cấp cao tại NCB có bóng dáng một tập đoàn bất động sản – du lịch lớn.

Gần đây nhất, ngày 3/7/2023, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) công bố thông tin về việc thay đổi Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc. Ông Nguyễn Phi Hùng rời ghế Tổng Giám đốc PG Bank để đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT từ ngày 2/7. Cùng ngày, HĐQT PG Bank cũng bổ nhiệm ông Phạm Mạnh Thắng giữ vị trí quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng kể từ ngày 2/7. Ông Phạm Mạnh Thắng không phải là cái tên xa lạ trong giới tài chính ngân hàng khi đã nhiều năm đảm nhận vị trí Phó tổng giám đốc Vietcombank.

Trong khi nhiều ngân hàng thay lãnh đạo cấp cao với mục đích đổi mới chiến lược kinh doanh thì tại Eximbank, cuộc cạnh tranh giữa các nhóm cổ đông lớn có thể vẫn chưa chấm dứt. Chưa có ngân hàng nào trong lịch sử của Việt Nam trong hơn 7 năm ghi nhận tới 9 lần đổi Chủ tịch HĐQT. Ngày 21/6/2023, HĐQT Eximbank đã triệu tập cuộc họp bất thường nhằm bãi miễn Chủ tịch HĐQT là bà Lương Thị Cẩm Tú. Người kế nhiệm ở vai trò Chủ tịch HĐQT Eximbank kể từ ngày 28/6/2023 là bà Đỗ Hà Phương. Nhưng chỉ sau 2 ngày, đại diện một nhóm cổ đông gửi tới HĐQT Eximbank đề nghị rút đề cử, miễn nhiệm bà Đỗ Hà Phương, tân Chủ tịch Eximbank.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LPBank) cũng đã đồng loạt thay tổng giám đốc và nhiều vị trí phó tổng giám đốc sau khi ông Nguyễn Đức Thụy lên chức Chủ tịch HĐQT.

Xu hướng trẻ hóa và thích ứng thời đại số
Điểm qua danh sách lãnh đạo ngân hàng được bổ nhiệm trong năm 2023 có thể thấy đa số đều thuộc thế hệ 7x và 8x. Bên cạnh đó, một đặc điểm dễ nhận thấy là các nhận sự mới đều được chọn lựa để điều hành theo hướng chiến lược bán lẻ và thúc đẩy kinh doanh trên nền tảng số.

Ông Phạm Như Ánh, phụ trách Ban Điều hành MB, sinh năm 1980, thuộc lớp lãnh đạo trẻ, có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính, ngân hàng. Tại MB, ông Phạm Như Ánh đã đảm nhiệm nhiều vị trí từ Giám đốc Chi nhánh, Giám đốc Khối, phụ trách kinh doanh Khu vực phía Nam đến Thành viên Ban điều hành.

Ông Tạ Kiều Hưng, quyền Tổng Giám đốc NCB, cũng sinh năm 1980, là Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh, Trung tâm Đào tạo về Quản lý Pháp-Việt (CFVG) - Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng, với nhiều chức vụ quan trọng tại Techcombank. Tháng 12/2022, ông Hưng gia nhập NCB với vai trò Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân. Ông được người trong giới đánh giá là nhanh nhẹn, có khả năng kinh doanh tốt.

Trẻ, được đào tạo cơ bản, kinh qua nhiều vị trí làm việc trong hệ thống và có kiến thức/kinh nghiệm chuyên sâu trong chuyển đổi số và kinh doanh bán lẻ, là những yêu cầu về các nhân sự cấp cao mà HĐQT các NHTM đang tìm kiếm.

Có thể kể thêm trường hợp bổ nhiệm ông Đỗ Quang Vinh làm Phó Chủ tịch HĐQT SHB. Ông Đỗ Quang Vinh vốn được biết đến là người có những đóng góp quan trọng cho chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ và chuyển đổi số của SHB. Hiện ông Vinh là lãnh đạo trực tiếp dẫn dắt việc triển khai Chiến lược và Chuyển đổi toàn diện của SHB, bao gồm chuyển đổi số và ngân hàng số.

Đỗ Quang Vinh, Phó chủ tịch HĐQT SHB

Hoặc như trường hợp của bà Lê Thị Bích Phượng tại ABBank, đây cũng là nhân sự có kinh nghiệm chuyên sâu trong mảng ngân hàng bán lẻ.

Tuy nhiên, với một số NHTM thì cũng có những lựa chọn khác. Ví dụ, Vietcombank lựa chọn ông Nguyễn Thanh Tùng, người có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh bán buôn và khách hàng doanh nghiệp làm Tổng giám đốc. PG Bank bổ nhiệm ông Phạm Mạnh Thắng vì những kinh nghiệm làm việc và mối quan hệ đối ngoại của vị này.

Quan sát biến động nhân sự cao cấp thời gian gần đây, một cựu lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhận định, với xu hướng hiện nay, tương lai thuộc về những nhân sự được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm thực chiến và chuyển đổi số.

Trong một bối cảnh năm 2023 và các năm tới, NHTM vẫn phải triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” đi đôi với thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng gắn với đảm bảo an ninh, an toàn; cung ứng các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ tiện ích, an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp… thì việc thay đổi nhân sự cấp cao là một xu thế sẽ còn tiếp tục để ngân hàng chọn ra các nhân sự cao cấp để đáp ứng yêu cầu và đưa các ngân hàng lên một tầm cao mới phù hợp với xu thế thời đại và vươn lên nhóm các ngân hàng dẫn đầu thị trường.

Trên thực tế, chọn lựa nhân sự cấp cao vẫn phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của các cổ đông lớn, nhưng xu hướng hiện nay, các NHTM đã tìm kiếm và đưa những người thực sự đào tạo bài bản, có kinh nghiệm thực chiến vào các vị trí lãnh đạo cao nhất. Đây là xu hướng tốt và sẽ tiếp diễn trong tương lai.

Một chuyên gia cho rằng những năm tới sẽ không dễ dàng đối với hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng. Sự ra đời của ChatGPT cùng ứng dụng trí tuệ nhân tạo phổ thông trên diện rộng sẽ là điểm nhấn làm thay đổi sâu rộng mọi hoạt động tài chính ngân hàng. Đây cũng là một thách thức lớn, đòi hỏi ứng viên nhân sự cấp cao của các NHTM phải không ngừng nâng cao kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, cập nhật xu hướng mới để đáp ứng các yêu cầu từ các cổ đông.

Tác gả: Hoài Sơn

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP