Trong nước

Sửa quy định pháp luật để xử lý tín dụng đen, cho vay nặng lãi

Bộ Tư pháp cho rằng, quy định về tính mức lãi suất làm căn cứ cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay tiền cầm cố tài sản tại Nghị định 67/2013 đã không còn phù hợp. Bộ này đã xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về họ, hụi, biêu, phường để đảm bảo cơ sở pháp lý cho các giao dịch này phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

Ông Đỗ Đức Hiển - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết, qua rà soát bước đầu Bộ Tư pháp nhận thấy Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã có nhiều quy định làm cơ sở cho việc hạn chế hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi.

Trong đó, để kiểm soát vấn đề liên quan đến việc cho vay nặng lãi, Điều 468 Bộ luật Dân sự quy định cụ thể về mức trần của lãi suất cho vay: Mức lãi suất do các bên tự thoả thuận và không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp lãi suất theo thoả thuận vượt quá lãi suất giới hạn (20%/năm/khoản tiền vay) thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn tại thời điểm trả nợ.

Với hình thức tổ chức họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là họ), trường hợp tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật cũng nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.

Băng nhóm giang hồ chuyên hoạt động cho vay nặng lãi, tổ chức đánh bạc... vươn khắp các tỉnh thành phía Nam do đối tượng Lâm Thanh Vũ (tức Vũ “bông hồng”) cầm đầu bị Bộ Công an triệt phá mới đây.

Băng nhóm giang hồ chuyên hoạt động cho vay nặng lãi, tổ chức đánh bạc... vươn khắp các tỉnh thành phía Nam do đối tượng Lâm Thanh Vũ (tức Vũ “bông hồng”) cầm đầu bị Bộ Công an triệt phá mới đây.

Bộ luật Hình sự 2015 còn quy định về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự tại Điều 210. Theo đó, hành vi cho vay nặng lãi chỉ cấu thành tội phạm khi có đủ 2 dấu hiệu: Lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định tại Bộ luật Dân sự; Thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Ngoài ra, theo ông Đỗ Đức Hiển, Nghị định số 167/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy cũng quy định cụ thể về hành vi và thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi liên quan đến cho vay nặng lãi.

Cụ thể, xử phạt đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm cho vay.

Xử phạt đối với các hành vi sử dụng người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào làm việc trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; hoạt động kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh trật tự mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự…

Tuy nhiên qua rà soát, Bộ Tư pháp nhận thấy quy định về tính mức lãi suất làm căn cứ cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay tiền cầm cố tài sản tại Điểm d Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 67/2013 do Bộ Công an chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành (vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm cho vay) đến nay đã không còn phù hợp với quy định về lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (20%/năm/khoản tiền vay) và cũng không còn phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hơn nữa chưa điều chỉnh được hết các hành vi vi phạm trong giao dịch cho vay, bởi hiện nay nhiều trường hợp cho vay không cần cầm cố tài sản, chỉ cần chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ khẩu hoặc giấy tờ tuỳ thân khác hay hình thức bốc họ,…

“Trong thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ kiến nghị với Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2013 để khắc phục những bất cập nêu trên. Bên cạnh đó, hiện nay Bộ Tư pháp cũng đã xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về họ, hụi, biêu, phường để đảm bảo cơ sở pháp lý cho các giao dịch này phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành”- ông Hiển cho hay.

Như Dân trí đã phản ánh, Bộ Công an cho biết 4 năm gần đây, toàn quốc xảy ra hơn 7.600 vụ phạm tội liên quan đến “tín dụng đen”, trong đó có khoảng 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn lãi suất cao, với số tiền chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng. “Tín dụng đen” đang len lỏi đến cả vùng nông thôn và được ví như “cướp ngày” gây bất ổn trong xã hội.

Các đối tượng còn sử dụng công nghệ cao tổ chức hoạt động “tín dụng đen” qua mạng Internet dưới dạng cho vay trực tuyến, vay ngang hàng với lãi suất rất cao. Các đối tượng thường ngụy trang hành vi cho vay lãi nặng bằng các hợp đồng biến tướng để lách luật và trốn tránh sự điều tra, thu thập chứng cứ của cơ quan công an

Nếu các con nợ không trả đúng hẹn, các đối tượng cho vay thường sử dụng nhân viên hoặc thuê các đối tượng hình sự tổ chức các hình thức đòi nợ như đe dọa, khủng bố tinh thần, ném chất bẩn, đặt vòng hoa, quan tài, sử dụng sim rác để đe dọa, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, gây rối tại nơi ở, nơi kinh doanh của con nợ…

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP