Bồi thường giá 'bèo'?
Phản ánh đến Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Hồng Thái ở xóm Tân Thành, xã Tân Long, huyện Tân Kỳ, Nghệ An nêu: ngày 13/9/2007, ông có ký hợp đồng thuê đất trồng cây cao su với UBND xã Tân Long trên diện tích được thuê 2.077 ha (tương đương với 20,770 m2) đất hạng 5 tại vùng thung 70 để trồng cao su. Thời hạn thuê đất là 36 năm, từ năm 2007 đến năm 2043.
Ông Nguyễn Hồng Thái, bà Hoàng Thị Hòa kêu cứu đến báo chí và các cơ quan chức năng |
Tuy nhiên năm 2021, UBND huyện Tân Kỳ thông báo về việc thu hồi đất của ông với giá “bèo” để cho doanh nghiệp thực hiện dự án Xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn và lỏng.
Cụ thể, huyện Tân Kỳ thông báo phương án bồi thường đối với thửa đất của ông đã thuê, gồm: giá trị bồi thường chi phí đầu tư còn lại vào đất chỉ có 11.300 đồng/m2; đền bù cây cao su chỉ có 450.000 đồng/cây; đền bù 9 sào cây keo trồng từ 2017 đến nay đã cho thu hoạch chỉ 0.73 ha, tương ứng với 43.800.000 đồng. Trong khi ông Thái cho rằng, 9 sào keo này bán ra thị trường với giá khoảng 100 triệu đồng. Đền bù khóm tre chỉ 200.000 đồng và bờ rào thép gai 3 dây, cọc bê tông cũng chỉ được 13.020.000 đồng.
Chính vì vậy, hộ ông Thái không chấp nhận phương án áp giá đền bù quá thấp, không phù hợp với giá thị trường. Tuy nhiên, ngày 13/7/2022, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ vẫn ra Quyết định số 3515/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ ông tại thửa đất số 37, tờ bản đồ số 01 ở xã Tân Long.
Hợp đồng cho thuê đất trồng cây cao su giữa UBND xã Tân Long ký với ông Nguyễn Hồng Thái |
Theo ông Thái, gia đình ông thuê thửa đất trên từ năm 2007 đến nay, tại thời điểm thuê, ông đã bỏ ra rất nhiều công sức, của cải để cải tạo lại mảnh đất khô cằn thành mảnh đất màu mỡ, để trồng cây cao su “khó tính” nhanh cho thu hoạch mủ. Toàn bộ 770 cây cao su của ông đã trồng được 14 năm, từ năm thứ nhất đến năm thứ 9, do cao su là loại cây khó trồng nên cần phải đầu tư nhiều chi phí để nuôi dưỡng cây. Đến năm thứ 10 thì cây cao su bắt đầu thu hoạch mủ, mỗi tháng thu hoạch được gần 40 triệu đồng tiền mủ, và toàn bộ số cây cao su trên tiếp tục cho thu hoạch được hơn 30 năm nữa. Nhưng tôi chỉ mới thu hoạch mủ được 4 năm thì bị chính quyền cưỡng chế thu hồi đất, chặt phá toàn bộ vườn cao su làm cho cuộc sống của gia đình tôi rơi vào khó khăn.
“Trong khi cây cao su của tôi đang cho thu hoạch với giá mủ ổn định, nhưng phương án áp giá đền bù giải tỏa mà chính quyền địa phương phê duyệt, làm cơ sở cho Công ty Hoàng Gia Quân thực hiện bồi thường cho tôi là quá thấp, không phù hợp với giá thị trường. Khi gia đình tôi chưa đồng ý với phương án đền bù này, yêu cầu chính quyền xem xét giải quyết thì họ lại không giải quyết mà đem máy móc, lực lượng đến chặt hạ, san ủi hết tài sản trên đất của tôi”, ông Thái bức xúc nói.
Chính quyền cưỡng chế thu hồi đất của ông Thái để giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án nhà máy xử lý chất thải khi chưa thống nhất phương án bồi thường. |
Cần làm rõ sự việc, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân
Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Đậu An, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết, huyện tiến hành cưỡng chế thu hồi đất để giao cho Công ty Hoàng Gia Quân thực hiện dự án Xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn và lỏng.
Người dân thất thần ngồi bên gốc cây cao su nhiều năm tuổi vừa bị tàn phá |
Nói về nguồn gốc thửa đất vừa bị cưỡng chế thu hồi, ông An cho biết, năm 2007, UBND xã có ký hợp đồng cho các hộ dân thuê đất trồng cây cao su với thời hạn lên đến 36 năm. Năm 2012, thanh tra huyện kết luận việc xã cho thuê đất trái thẩm quyền nên yêu cầu xã khắc phục lỗi sai này. Năm 2018, xã mời hơn 20 hộ thuê đất trái thẩm quyền lên làm việc để hủy bỏ hợp đồng cho thuê 36 năm và ký lại hợp đồng 5 năm theo đúng thẩm quyền của xã. Trong hồ sơ lưu có 4 người, trong đó có ông Thái ký đại diện cho tập thể đồng ý hủy hợp đồng sai thẩm quyền 36 năm.
Trả lời câu hỏi của PV, vì sao xã cho rằng ông Thái đồng ý thanh lý hợp đồng 36 năm nhưng lại không có bản hợp đồng 5 năm ký lại. Ông An cho rằng, thời điểm ấy ông đang là cán bộ bán chuyên trách, không trực tiếp làm nên không thể trả lời đúng hay sai việc này. Hồ sơ thì chủ tịch xã giữ và đang bận đi học nên chưa thể cung cấp.
Trụ sở xã Tân Long (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) |
Ông Nguyễn Đức Nhân, Bí thư Đảng ủy xã Tân Long cho biết, khu vực vừa tiến hàng cưỡng chế trước đây là quy hoạch bãi rác chôn lấp. Sau này có nhà đầu tư nên huyện chuyển sang đầu tư nhà máy xử lý rác vào khu vực này. “Quyết định cưỡng chế là thẩm quyền của huyện. Xã chỉ cung cấp các hồ sơ về hợp đồng thuê đất, nguồn gốc đất, và tập trung tuyên truyền, vận động hộ dân bàn giao mặt bằng”, ông Nhân nói.
Về nội dung chưa thanh lý hợp đồng sai thẩm quyền 36 năm và cũng chưa ký lại hợp đồng mới thuê 5 năm, mà xã trình hồ sơ cho huyện tiến hành cưỡng chế. Ông Nhân cho rằng, trong hồ sơ ông Thái đã đồng ý ký thanh lý hợp đồng 36 năm trái thẩm quyền rồi. Hộ ông Thái, xã cũng có thông báo riêng để mời lên xã ký lại hợp đồng mới thuê 5 năm nhưng ông Thái không lên ký.
Phản ứng trước những thông tin trên, ông Thái cho rằng, năm 2018, xã có mời các hộ có thuê đất của xã lên họp. Khi xã yêu cầu hủy bỏ hợp đồng thuê 36 năm để ký lại hợp đồng cho thuê 5 năm thì các hộ dân không đồng ý, vì khi đó cây cao su của chúng tôi đã trồng được 12 năm rồi, xã yêu cầu ký lại thuê 5 năm là không phù hợp với cây cao su là cây công nghiệp dài ngày. “Sau đó người dân bỏ về, chỉ còn 4 hộ chúng tôi ở lại, cán bộ xã bảo 4 người ở lại ký vào biên bản có tham dự cuộc họp, nhưng giờ xã lại cho rằng: chúng tôi ký đại diện cho tập thể đồng ý hủy hợp đồng cho thuê 36 năm. Tôi khẳng định chưa đồng ý làm thủ tục thanh lý hợp đồng 36 năm, và cũng chưa ký lại hợp đồng mới thuê 5 năm. Việc ký đồng ý thanh lý hợp đồng 36 năm phải được tiến hành ký từng hộ, sao lại ký đại diện cho tập thể như xã nói vậy được”, ông Thái cho biết.
Trước sự việc trên, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan chức năng lập đoàn thanh tra, vào cuộc xác minh, và có hướng giải quyết thấu tình, đạt lý, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và quyền lợi chính đáng của người dân.
Chùm ảnh những gì còn sót lại sau cuộc cưỡng chế vườn cao su 14 năm tuổi
Chính quyền đưa máy vào cưỡng chế, chặt hạ toàn bộ vườn cây cao su khiến người dân xót xa |
Sau khi chặt phá, chính quyền châm lửa đốt |
Chính quyền cưỡng chế tài sản của dân để giao cho doanh nghiệp làm nhà máy rác với giá rẻ mạt |
Những gốc cao su được người dân chăm sóc 14 năm cho thu hoạch mủ, nhưng bị chặt phá với phương án bồi thường rẻ mạt chưa được người dân không đồng ý |
Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin./.
Tác giả: Trần Phong – Anh Tuấn
Nguồn tin: congluan.vn