Giáo dục

Thầy giáo người Kinh 20 năm cắm chốt trên bản người Mông

24 tuổi, Nguyễn Hồ Quang có ngã rẽ trong nghề “gõ đầu trẻ”. Anh ngược núi, cách quê nhà hơn trăm cây số để rồi trở thành thầy giáo cắm bản, sống gần gũi với người dân bản địa như người nhà.

Gian nan đường lên xã Tây Sơn (huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An) sau cơn lũ dữ. Ảnh: Hữu Vi

Dân bản xem thầy giáo như người nhà

Dịp 20.11 năm nay, lên miền Tây Nghệ An, tôi không còn nhận ra con đường quen thuộc dẫn vào xã Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) nữa. Nửa năm trước là tuyến đường rải nhựa khá phẳng phiu nay hoàn toàn đổi khác. Dấu tích của trận lũ lịch sử ở đất Kỳ Sơn hơn hai tháng trước vẫn hiện diện nặng nề.

Thầy giáo Nguyễn Hồ Quang đã có hơn 20 năm miệt mài dạy chữ cho học sinh người Mông. Ảnh: Hữu Vi

Từ Bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ vào Tây Sơn chỉ 12km, thường ngày tôi chỉ mất hơn 20 phút chạy xe máy, nay thì gần một giờ đồng hồ để đi hết quãng đường. Ngay giữa bản Hòa Sơn, ven đường vẫn ngổn ngang đất đá.

Từ sáng sớm vẫn có những chiếc xe máy chở theo hai người vượt qua các khúc đường tránh vượt lên trước tôi. Họ ăn mặc chỉnh tề, mỗi người đều đeo cặp trên lưng. Đó là những giáo viên công tác tại xã Tây Sơn. Các bản trong xã chủ yếu là người Mông cư ngụ trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Nơi đây có ngôi trường phổ thông cơ sở bán trú của các học sinh cấp 1 và 2. Có 3 bản, các em học sinh từ cấp 1 đã phải ở bán trú. Hai bản Đống Trên và Đống Dưới xa nhất nếu đi bộ phải mất hơn 6 giờ đồng hồ.

Tôi có hẹn với thầy giáo Nguyễn Hồ Quang (quê huyện Con Cuông, Nghệ An) dạy bậc tiểu học ở xã Tây Sơn từ 20 năm nay. Anh thạo phong tục, nói thông thạo tiếng Mông. Dân bản tin tưởng anh đến mức có lần cử tham gia “bắt vợ” cho con trai họ.

Ngôi trường nơi Nguyễn Hồ Quang giảng dạy ở cuối một bản người Mông gọi là Huồi Giảng 3, cách trụ sở ủy ban xã một quãng khá xa.

Tôi từng gặp thầy giáo Quang vào năm 2018. Khi đó, tôi đến một bản người Mông khác là Đống Dưới nằm trên dẫy Pu Lon xã Tây Sơn. Nghệ An có 2 khu dân cư cao trên 2.000m là Đống Trên và Đống Dưới đều thuộc xã Tây Sơn và chỉ cách nhau nửa giờ đi bộ.

Có thể leo lên bản Đống Dưới bằng xe máy. Nhưng cứ một quãng là phải dừng tưới nước lên lốc máy làm mát động cơ. Leo đến nơi cũng mất 2 giờ đồng hồ. Thế nhưng ngày ấy, Nguyễn Hồ Quang đã cắm bản ở Đống Dưới trên 15 năm. Có 10 năm liền, anh chỉ xin lãnh đạo trường dạy tại bản nhỏ này vì đã quá quen thuộc với cư dân cũng như học trò nơi đây.

Nguyễn Hồ Quang cho hay, anh tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Nghệ An năm 1999. Năm 2002, sau hơn 2 năm dạy hợp đồng ở huyện Con Cuông mà không được xét biên chế, anh xách ba lô lên Kỳ Sơn.

Ngày ấy mới 24 tuổi, hăng hái, không sợ khó. Nhìn trong bản đồ, anh thấy điểm bản Đống Dưới của trường phổ thông cơ sở Tây Sơn không quá xa xôi. Đến nơi mới biết đó là vùng heo hút cách không xa biên giới Việt - Lào là bao.

Anh theo chân người dẫn đường cứ thế vạch lá rừng mà đi trên một lối mòn bé xíu. Đến nơi đã là chiều muộn. Bản chỉ có hơn ba chục nóc nhà lụp xụp. Đón anh là 4 đồng nghiệp khác, đều là các thầy giáo người Mông. Người trẻ nhất mới qua tuổi 20, vừa tốt nghiệp trung cấp.

Bản làng vắng lặng. Sáng ra, hầu hết đàn ông đều lên rẫy đến tôi mịt mới về. Thế mà khi có thầy giáo mới, cả bản tề tựu đến đón. Ít lâu sau, Nguyễn Hồ Quang tìm được 1 cuốn từ điển tiếng Mông và một cuốn sách khác về phong tục của người Mông ở Kỳ Sơn và say sưa học.

Qua học kỳ thứ 2, thầy giáo trẻ đã giao tiếp được một cách căn bản. Với người Mông, khi đã nói chuyện được với nhau thì mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Dần dà, dân bản xem thầy giáo như người nhà. Có củ sắn, bó rau, con chuột... cũng đem chia nhau. Ngoài giờ lên lớp, thầy Quang lại lân la khắp lượt các nhà trong bản kèm thêm cho các em học lực yếu kém. Anh thông thuộc các ngọn núi lân cận như khu vườn nhà mình.

Hai vợ chồng cùng là giáo viên cắm bản

Thông thạo ngôn ngữ, am hiểu văn hóa người Mông, thầy Quang rất thuận lợi trong công tác dạy học. Ảnh: Hữu Vi

Trong thời gian từ 2002 - 2006, có một số học kỳ, Nguyễn Hồ Quang được chuyển đến các điểm bản trong xã. Nhờ thế mà quen được người bạn đời là cô giáo mầm non Nguyễn Thị Bình (quê xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn). Sau đám cưới, hai người cùng nhau về bản Đống Dưới dạy học.

Thế rồi cả 4 người con của anh và chị Bình lần lượt được sinh ra ở đây. Các cháu đều trải qua những năm tháng tuổi thơ cạnh cha mẹ khi làm giáo viên cắm bản. Tất cả đều nói thạo tiếng Mông.

Gần 18 năm gắn bó với cộng đồng người Mông, Nguyễn Hồ Quang am hiểu các tập tục bản địa, gắn bó với người dân như một nhà.

Từ hai năm nay, vợ chồng thầy giáo Quang được lãnh đạo trường điều động về cơ sở chính. Cũng giảng dạy những học sinh người Mông, nhưng ở cơ sở chính thì khang trang hơn nhiều so với điểm bản. Anh cho hay bản thân vẫn rất nhớ bản cũ.

“Nếu được điều động trở lại bản Đống, tôi vẫn rất sẵn sàng. Vì mỗi người ở đó với tôi đã là người nhà” - thầy Nguyễn Hồ Quang bộc bạch.

Cô Lê Thị Vinh - Hiệu trưởng trường Phổ thông cơ sở - Dân tộc bán trú Tây Sơn - chia sẻ: Thầy Nguyễn Hồ Quang là giáo viên có chuyên môn tốt và luôn tận tụy với học trò. Thầy đã có thời gian dài cắm bản ở một cơ sở khó khăn bậc nhất ở huyện Kỳ Sơn. Từ khi có mạng Internet, thầy Nguyễn Hồ Quang tìm hiểu những khó khăn thiếu thốn của các các điểm lẻ trong trường và các địa bàn khác rồi kết nối với các tổ chức thiện nguyện để giúp đỡ.

Tác giả: Hữu Vi

Nguồn tin: Báo Lao động

  Từ khóa: Kỳ Sơn , giáo viên , Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP