Thịt ngựa là thịt từ những con ngựa, đây là loại nguyên liệu phổ biến trong ẩm thực của các nước Châu Á, nhất là vùng Trung Á, các nước vùng Trung Mỹ. Trong lịch sử, thịt ngựa là món ăn chính ở vùng Trung Á trong nhiều thế kỷ, và nó cũng là một phần trong văn hóa ẩm thực truyền thống của nhiều quốc gia khác trên thế giới từ châu Âu đến Nam Mỹ và châu Á.
Nếu như thịt lợn, thịt bò là những món ăn quen thuộc với người Việt thì món thịt ngựa vẫn khá xa lạ, mấy năm gần đây mới được để ý.
Thịt ngựa là đặc sản ở vùng cao Tây Bắc, mấy năm gần đây được người dân thành phố lùng mua về thưởng thức vì ngon và bổ dưỡng |
Thịt ngựa là đặc sản ở Tây Bắc, lành, ngon và ít chất béo. Theo quan niệm của người Việt, thịt ngựa có thể giải xui và xua tan vận đen, vì thế vào các tất niên cuối năm, hay cuối tháng, thịt ngựa rất đắt khách, phải đặt trước mới mua được.
Trong các phiên chợ vùng cao, hay trên các sàn thương mại điện tử, thịt ngựa được bán với giá từ 200.000 đến 300.000 đồng/kg tùy thời điểm, tùy bộ phận của con ngựa.
"Thịt ngựa ít người biết đến, nhưng những ai đến vùng cao và có dịp được thưởng thức thứ đặc sản này thì sẽ “nghiền”, bởi khi ăn sẽ cảm nhận được một cảm giác mềm, ngọt, đậm đà cùng với sự béo ngậy trong cách chế biến của thịt ngựa mà ai ăn cũng nhớ mãi. Tại Hà Nội chỉ có ít nhà hàng phục vụ món này", anh Hòa (ở Lai Châu) chia sẻ.
Theo anh Hòa, mấy năm nay cuối năm anh hay chọn thịt ngựa trong mâm cỗ tất niên. Từ thịt ngựa có thể làm thành các món thông dụng như: thắng cố, ngựa lúc lắc, bít- tết ngựa, gan ngựa chiên,... Trong đó món ăn nổi tiếng nhất chính là lẩu ngựa (hay còn gọi là thắng cố).
Thắng cố là món nổi tiếng nhất |
Thắng cố là món ăn do người Mông tạo ra và đã trở thành món ăn đặc trưng luôn có trong mọi phiên chợ vùng cao từ Lào Cai đến Hà Giang. Người dân nơi đây nấu chín từng bộ phận của con vật bốn chân này trong một cái chảo khổng lồ rồi đem bán ở các khu chợ phiên. Ngựa không phải là đông vật nhai lại nên nội tạng của ngựa rất giòn và ngon.
Thịt ngựa xào rau muống, khi ăn sẽ cảm nhận được miếng thịt mềm, ngọt, đậm đà cùng với sự béo ngậy |
Chị Bích - ở Thái Nguyên chia sẻ: "Cách chế biến thịt ngựa khá giống với thịt bò do mùi vị, màu sắc không khác biệt quá nhiều. Yêu cầu thịt ngựa chất lượng tốt là màu đỏ đậm, thớ chắc, để lâu không ra nước, khi chế biến phải mềm và không có mùi ngái. Thịt ngựa khá hiếm bởi ít người nuôi, số lượng bán ra không nhiều. Hơn nữa, mấy năm gần đây số người đặt mua thịt ngựa ngày càng tăng cao nên vào những dịp lễ Tết phải đặt hàng trước mới có".
Tác giả: H.A
Nguồn tin: doisonggiadinh.baophunuthudo.vn