Tin trong tỉnh

Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu thu hút khoảng 550-600 dự án/130.000-150.000 tỷ đồng

Đó là mục tiêu UBND tỉnh đưa ra tại Quyết định 235/QĐ-UBND ngày 24/1 phê duyệt Đề án “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 -2025”.

Đề án đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, các chỉ số PCI, PAPI và PAR Inder nằm trong top 15 cả nước; chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin nằm trong top 10 cả nước. Giai đoạn 2021 -2025 thu hút khoảng 550-600 dự án/130.000-150.000 tỷ đồng (bình quân mỗi năm thu hút từ 26.00-30.000 tỷ đồng), trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI khoảng 3.000-3.500 triệu USD; thu hút vào khu kinh tế và các khu công nghiệp khoảng 100-120 dự án/75.000-90.000 tỷ đồng. Đóng góp vào GDRP của tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 25 -30 %...

Theo đó, UBND tỉnh định hướng thu hút đầu tư như sau: Tập trung thu hút các dự án sản xuất công nghiệp vào Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, lấp đầy diện tích đã xây dựng hạ tầng trong các KCN VSIP, WHA giai đoạn 1, Hoàng Mai 1; triển khai đầu tư hoàn thành hạ tầng và thu hút đầu tư vào các KCN Hoàng Mai 2, Thọ Lộc, KCN WHA giai đoạn 2...

Thu hút các dự án sử dụng nguyên liệu, tạo việc làm tại chỗ; khai thác tiềm năng, thế mạnh tại các vùng, miền, địa phương của tỉnh. Chú trọng và khuyến khích các dự án phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh, các dự án có tính đột phá, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh như công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp sản xuất thực phẩm tiêu dùng, dược liệu; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng... Dịch vụ vận tải biển; dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; dịch vụ du lịch biển đảo, văn hóa – lịch sử... Dự án nông nghiệp có quy mô lớn, chế biến sâu, hình thành chuỗi giá trị từ nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến đến tổ chức tiêu thụ; dự án áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, nông nghiệp hữu cơ...

Tỉnh Nghệ An tiếp tục xác định 3 nhà đầu tư VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt là đối tác quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp – đô thị; đồng thời chú trọng thu hút thêm các nhà đầu tư khác phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp ngoài khu kinh tế, cụm công nghiệp. Ưu tiên các nhà đầu tư có năng lực tài chính lớn, có bề dày kinh nghiệm, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài; các nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp/chi nhánh trên địa bàn tỉnh Nghệ An để nộp thuế.

Các đối tác trọng tâm theo quốc gia, vùng lãnh thổ được xác định gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Israel, Đài Loan, Hồng Kông và các nhà đầu tư đến từ các nước có nền kinh tế phát triển, các nước sở hữu công nghệ nguồn.

Ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, ít tác động xấu tới môi trường; không chấp thuận các dự án sử dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định pháp luật hiện hành. Không xem xét chấp thuận đối với các nhà đầu tư không giải trình được năng lực tài chính; không chấp hành đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước nếu đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; vi phạm các quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng mà chưa/chậm khắc phục.

Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Đó là, tiếp tục tăng cường, đổi mới công tác chỉ đạo điều hành; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tăng cường khả năng tiếp cận đất đai; tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, nhà đầu tư...

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, hình thức xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động, đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu quả. Xây dựng và công khai danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư, các dự án động lực, các dự án lan tỏa để phát huy lợi thế cạnh tranh. Tăng cường các hoạt động xúc tiến tại chỗ, gắn với thực hiện các hoạt động hỗ trợ đầu tư. Tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định, tham mưu chủ trương đầu tư các dự án của các sở, ngành, địa phương. Nghiên cứu xây dựng, ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư. Hoàn thiện quy trình, thủ tục, chính sách thu hút đầu tư; tăng cường công tác quản lý dự án sau chấp thuận đầu tư...

UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực các sở, ngành, địa phương báo cáo UBND tỉnh.

Tác giả: PT (Tổng hợp)

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP