Tin trong tỉnh

Bắt quả tang xi măng Hoàng Mai giả danh Long Sơn xuất khẩu

Công ty Viết Nam đã hợp đồng với Xi măng Hoàng Mai sản xuất xi măng, sau đó đóng bao, in nhãn mác xi măng Long Sơn để xuất khẩu.

Lô xi măng do nhà máy xi măng Vicem Hoàng Mai sản xuất được đóng gói gắn mác xi măng Long Sơn

21.000 tấn xi măng xuất khẩu đóng gói với bao bì, nhãn mác là xi măng Long Sơn, nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra lại phát hiện toàn bộ số xi măng mác thấp bên trong do Nhà máy Xi măng Vicem Hoàng Mai sản xuất.

“Treo đầu dê, bán thịt chó”

Tháng 1/2019, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Thanh Hóa (Ban Chỉ đạo 389) đã phát giác hành vi giả mạo nhãn mác hàng hóa đối với lô 21.000 tấn xi măng, do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và dịch vụ Viết Nam mua, cung ứng theo dạng hàng xuất khẩu đi Philippines. Kiểm tra tại cảng Đại Dương (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), lực lượng Hải quan cửa khẩu cảng Nghi Sơn cùng với Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt quả tang tàu TAN BINH 236 đang bốc xếp hàng nghìn tấn xi măng giả nhãn mác, bao bì lên boong.

Ông Lê Hồng Phong, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Nghi Sơn xác nhận vụ việc và cho biết: Tại thời điểm kiểm tra, phía Công ty Viết Nam đã thừa nhận toàn bộ số xi măng đang bốc lên tàu là xi măng do Nhà máy Xi măng Vicem Hoàng Mai sản xuất nhưng sử dụng bao bì, nhãn mác của xi măng Long Sơn. Ngày 30/1, lực lượng hải quan cùng với công an tỉnh đã yêu cầu xếp dỡ, kiểm đếm lô hàng trên và xác định, tại thời điểm kiểm tra, phía Công ty Viết Nam đã đưa 12.000 tấn xi măng lên tàu, tại kho cảng còn có 6.000 tấn xi măng đóng giả nhãn mác. Đây là số xi măng trong lô 21.000 tấn xi măng mà Công ty Viết Nam khai báo xuất khẩu đi Philippines.

Ban đầu, cả Công an Nghệ An và Công an tỉnh Thanh Hóa cùng giải quyết, sau đó thống nhất là chuyển vụ việc về cho Công an tỉnh Nghệ An. Hiện, chúng tôi đã thu thập đầy đủ chứng cứ để hoàn tất hồ sơ. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần làm rõ, trong đó có liên quan đến chất lượng sản phẩm nên phải đưa đi giám định. Khi có kết quả chính xác cơ quan điều tra sẽ công bố thông tin chính thức.

Trung tá Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Nghệ An - đơn vị được giao thụ lý điều tra vụ việc

Sau khi phát giác sự việc, Hải quan cửa khẩu cảng Nghi Sơn đã lập biên bản sự việc, đồng thời mời đại diện Nhà máy Xi măng Long Sơn tới xác minh nguồn gốc hàng hóa. Qua đó xác định, toàn bộ số xi măng 18.000 tấn trên tàu TANBINH 236 và kho cảng Đại Dương đều giả nhãn mác, bao bì của xi măng Long Sơn. Toàn bộ lô hàng bị niêm phong. Tàu TAN BINH 236 cũng bị yêu cầu dừng ở cảng để phục vụ công tác điều tra. Hiện, hồ sơ vụ việc đã được lực lượng hải quan bàn giao cho Công an tỉnh Thanh Hóa điều tra làm rõ.

Theo tìm hiểu của PV, Công ty Viết Nam là đơn vị chuyên đấu mối với đối tác nước ngoài, sau đó đặt hàng các doanh nghiệp Việt sản xuất xi măng xuất khẩu. Công ty này cũng thường xuyên thực hiện các đơn hàng xuất khẩu. “Chỉ tính trong năm 2018, Công ty Viết Nam đã khai báo hải quan xuất gần chục tàu. Sau khi xảy ra sự việc, công ty này vẫn tiếp tục làm thủ tục kê khai hải quan và xuất khẩu các lô xi măng khác”, ông Phong cho biết thêm.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Tiến Dũng, Phó giám đốc Công ty TNHH Long Sơn cho biết: Đơn vị không sản xuất và cung ứng lô hàng trên cho Công ty Viết Nam. Số bao bì in nhãn mác xi măng Long Sơn cũng không phải do đơn vị sản xuất. Đơn vị cũng không ký kết, thuê xi măng Hoàng Mai gia công sản phẩm cho mình.

Được biết, trước đây Công ty Viết Nam có đấu mối với đối tác nước ngoài để cung ứng sản phẩm xi măng thương hiệu ZEBRA, sản xuất tại Nhà máy Xi măng Long Sơn. Tới tháng 9/2018, xi măng Long Sơn đã ngừng cung ứng sản phẩm này cho Công ty Viết Nam.

Hàng nghìn tấn xi măng giả nhãn mác, bao bì bị phát hiện khi đang được bốc xếp lên tàu TAN BINH 236

Kẽ hở “luồng xanh” hải quan, doanh nghiệp dễ làm liều

Làm việc với Báo Giao thông, ông Lê Quý Thạch, Trưởng phòng Hành chính Quản trị, Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai cũng thừa nhận có xảy ra sự việc như trên. “Cơ quan công an cũng đã vào điều tra tại nhà máy, xí nghiệp tiêu thụ, niêm phong hồ sơ giấy tờ, đồng thời mời những người có liên quan lên làm việc. Phía công ty cũng đã có quyết định tạm đình chỉ công tác một số cán bộ, nhân viên để phục vụ công tác điều tra. Sắp tới đây, việc điều tra hoàn tất, Công an tỉnh Nghệ An sẽ có thông tin chính thức”, ông Thạch nói.

Theo tìm hiểu của PV, để xảy ra sự việc như trên là do kẽ hở ở quy định kiểm tra hải quan. Dẫn chứng về quy trình, ông Lê Hồng Phong cho biết: “Xi măng là mặt hàng xuất khẩu luồng xanh, được miễn thuế, miễn cả kiểm tra hồ sơ chứng từ và kiểm tra hàng hóa. Doanh nghiệp chỉ cần khai báo hải quan là được làm thủ tục xuất khẩu. Luồng xanh có 2 dạng giám sát là giám sát thủ công và giám sát trên hệ thống tự động. Với luồng xanh hải quan không được kiểm tra giấy tờ trừ trường hợp có thông tin tố giác. Như ở vụ việc này nếu không có tố giác lên Ban Chỉ đạo 389 thì lực lượng Hải quan cũng không biết được”.

Vì vậy, rất có thể lợi dụng việc này, Công ty Viết Nam đã hợp đồng với Xi măng Hoàng Mai sản xuất xi măng, sau đó đóng bao, in nhãn mác xi măng Long Sơn để xuất khẩu. Giá trị lô hàng tạm tính theo đơn giá thị trường lên đến khoảng 17 tỷ đồng.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP