Cuộc sống

Hết Tết mới dám về quê vì sợ bị hỏi “Bao giờ lấy vợ/chồng“?

Biết rằng có quan tâm mới hỏi han, tuy nhiên, có những câu hỏi thực sự "khó đỡ", trở thành nỗi sợ ngày Tết, khiến nhiều bạn trẻ ái ngại về quê ăn Tết.

Tết là dịp mọi người quây quần, sum họp bên gia đình sau một năm làm ăn mệt nhọc, xa xứ. Nhưng những người đến và quá “tuổi cập kê” thì thêm một nỗi lo năm nào cũng phải trải qua là đối diện với một loạt các câu hỏi như "bao giờ lấy vợ/chồng", "bao giờ có cỗ?", "năm nay cưới nhé"?...

Thói quen thân thiện này của người Việt trong rất nhiều trường hợp, hoàn cảnh đã trở thành cơn ác mộng khiến người được quan tâm dở khóc dở cười. Cũng bởi vậy mà có không ít ý kiến tranh luận về việc có nên hỏi về những chuyện mang tính riêng tư như vậy trong ngày Tết?

Ca sĩ Bích Phương từng có ca khúc "Bao giờ lấy chồng" nói trúng tâm tư của nhiều bạn trẻ. (Ảnh minh họa)

Một số ý kiến cho rằng, có quan tâm mới hỏi han, chia sẻ. Những câu hỏi đó cũng hết sức bình thường, là một phần trong văn hóa người Việt từ bao thế hệ nay, do đó người được hỏi cũng nên vui vẻ, không cần quá căng thẳng.

Trong khi đó, nhiều ý kiến của các bạn trẻ còn độc thân lại thấy đây không phải là chuyện chỉ "cười trừ" là xong, vì bị hỏi nhiều đến ám ảnh, thậm chí không dám về quê ngày Tết.

Nguyễn Thị Phương Thảo (24 tuổi, Vĩnh Phúc) hiện đang làm kế toán tại một doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Hà Nội chia sẻ: "Nếu tính cả tuổi âm lịch, em mới 25, thế nhưng Tết về quê, ai đến nhà cũng hỏi, con gái lớn, công việc ổn định rồi, có người yêu chưa mà mãi không lấy chồng. Vài người nhẹ nhàng hơn thì chỉ hỏi có người yêu chưa, bao giờ lấy chồng. Có người lại vừa hỏi, vừa cảnh báo rằng năm nay có cỗ chưa, con gái 25 tuổi là đẹp, kén quá lại quá lứa lỡ thì... Nếu chỉ nghe một vài người hỏi thì không sao, nhưng Tết gặp ai em cũng bị hỏi những câu như vậy. Bố mẹ em cũng từ đó mà gây áp lực về chuyện chồng con, cưới xin với em. Tết này nắng nóng, em cũng không muốn đi chơi xa, nên em và vài người bạn chọn đi cà phê cả ngày, chỉ để "né" những câu hỏi khó".

Song, theo quan điểm của Thảo, trong xã hội hiện đại, con gái 24 tuổi còn khá trẻ, vừa mới tốt nghiệp đại học được vài năm. Ngoài chuyện tình cảm, thì còn nhiều vấn đề khác cần quan tâm, tập trung như công việc, học lên cao hơn, tìm kiếm các cơ hội phát triển bản thân, đi đây đi đó để mở rộng hiểu biết.

34 tuổi chưa lấy vợ, Nguyễn Huy Tiến (Hải Dương) hiện đang công tác trong ngành quân đội, phải "né" những câu hỏi khó đỡ bằng cách hết Tết mới về quê.

"Mọi năm mình vẫn phải trực 1-2 ngày trước hoặc trong Tết. Năm nay dù không có lịch trực Tết, nhưng mình vẫn báo với gia đình sẽ phải trực đến tối mùng 4 Tết. Khoảng thời gian từ mùng 1 đến mùng 4, mình rủ bạn bè cùng đi du lịch Sa Pa để giải tỏa căng thẳng. Lý do không phải vì ham chơi, không muốn về nhà, mà bởi mình sợ sẽ bị hỏi khi nào lấy vợ, thậm chí bị cả nhà gây áp lực về vấn đề này", anh Tiến chia sẻ.

Chàng trai độc thân tuổi 34 tâm sự thêm rằng, những năm trước, hễ cứ về nhà, là bị cả nhà, họ hàng, xóm láng hỏi về chuyện yêu đương, cưới xin. Nhiều cô dì, chú bác nhiệt tình, còn ra sức làm mối cho hết đám này đến đám kia, nhưng đều không thành. Đỉnh điểm hơn nữa, khi Tết năm ngoái, trong một bữa cơm đông đủ, chủ đề cũ về chuyện vợ con của Tiến được đưa ra để nói, mẹ anh còn khóc lóc, nói con trai bất hiếu, để bố mẹ lo lắng mãi mà không chịu lấy vợ.

"Ở tuổi này, bản thân mình cũng rất muốn tìm được ai đó thực sự yêu thương, phù hợp để đi đến hôn nhân, nhưng không phải muốn là được. Khi duyên chưa tới, có ép cũng chẳng được", anh Tiến chia sẻ.

Vũ Huệ Chi (28 tuổi, Hải Dương) cũng cùng chung hoàn cảnh với bao bạn trẻ khác. Chi cho rằng, Tết là để về nhà quây quần đầm ấm bên gia đình, để tận hưởng cái hạnh phúc đoàn viên khi những ngày thường trong năm không có được do còn bận công việc, học hành nơi xa. Nhưng niềm vui, niềm hạnh phúc cũng vơi đi gần nửa khi thấy mẹ ra vào thở dài thiểu não "năm nay vẫn chưa có đứa nào để dẫn về à", "mẹ nói mãi rồi, mày già kén kẹn hom" hay bà nội thì lại than: "Bà có cái dây chuyền để dành chờ ngày con Cún cưới thì trao, mà chả biết bà có còn sống để chờ đến ngày đấy hay không".

Chi cho rằng, bản thân không hề kén, chỉ là duyên chưa tới và còn vài mục tiêu sự nghiệp cần phấn đấu, nên chưa muốn vội lấy chồng. Hơn nữa, hôn nhân là chuyện đại sự, không thể yêu gấp, cưới vội để hoàn thành chỉ tiêu 25 hay 27 tuổi của bố mẹ đề ra.

"Người trẻ, bản thân họ không áp lực với chuyện lập gia đình khi nguồn năng lượng của họ đã chia sẻ cho nhiều vấn đề khác như công việc, học tập, trau dồi các kỹ năng, kiếm tiền, đi đây đó để có thêm nhiều trải nghiệm. Nhưng cả năm tung cánh tự do, quay về nhà đối mặt với hệ tư tưởng "có an cư mới lạc nghiệp", "có yên bề gia thất công việc mới hanh thông", đối mặt với sự quan tâm đôi khi hơi quá của hàng xóm láng giềng, những xì xào bàn tán và cả tiếng thở vắn than dài của gia đình thì đó lại là áp lực thực sự", Chi nói thêm./.

Tác giả: Chang Mi

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP