Chế độ ăn low-carb. ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK |
Trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng, ngành nghề và lứa tuổi Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết hiện nay có một số trào lưu sử dụng các phương pháp không khoa học để giảm cân như Low Carb, Keto, hạn chế ăn cơm và các thực phẩm giàu glucid để giảm cân.
Chế độ ăn như vậy có thể có những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, đặc biệt với những người có bệnh nền, như: đái tháo đường, cao huyết áp, tim mạch, rối loạn chuyển hóa. Từ năm 2018, nghiên cứu được đăng trên tạp chí Lancet cho thấy chế độ ăn quá nhiều glucid (trên 70% năng lượng khẩu phần) hoặc quá ít (dưới 40% năng lượng khẩu phần) đều làm tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong.
Theo TS Nhung, với những người sử dụng chế độ ăn giảm tinh bột, để giảm đói thường ăn nhiều thực phẩm cung cấp chất đạm hoặc sử dụng bột protein. Việc sử dụng các chế độ ăn không cân đối, ít chất đường bột, quá nhiều đạm so với nhu cầu trong thời gian kéo dài không chỉ gây rối loạn chuyển hóa mà còn ảnh hưởng tới chức năng thận.
TS Nhung đặc biệt lưu ý: “Chất đường bột (glucid) có rất nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể, đặc biệt cần cho não và cơ. Riêng não tiêu thụ đến 25% lượng đường của cơ thể. Khi thiếu hụt glucid do không ăn cơm và các sản phẩm giàu glucid, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, dễ bị hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi”.
Chuyên gia dinh dưỡng khuyên, khi tổ chức bữa ăn gia đình, các bà nội trợ nên tham khảo tháp dinh dưỡng cho người trưởng thành và tháp dinh dưỡng cho trẻ em theo lứa tuổi để có được ước tính thích hợp về lượng thực phẩm của các nhóm thực phẩm theo lứa tuổi. Tránh ăn thừa hoặc thiếu đều có ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
Không tự sử dụng sản phẩm tăng chiều cao
Theo PGS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trên mạng xã hội có nhiều quảng cáo về các sản phẩm uống để tăng chiều cao, thậm chí mạo danh bác sĩ để quảng bá. Đặc biệt, rất khó kiểm soát ngăn chặn với các quảng cáo xuyên quốc gia.
Việc bổ sung vi chất có tác dụng tăng trưởng cho trẻ nhỏ như: can xi, kẽm... là cần thiết. Tuy nhiên, thông thường, chỉ bổ sung khi cơ thể thiếu hụt do chế độ ăn không bảo đảm bảo. Vì các vi chất này đều sẵn có trong thực phẩm, rau quả. Các gia đình không nên tự mua sản phẩm theo quảng cáo, theo lời khuyên của người quen. Trẻ nên được khám dinh dưỡng, tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng để bổ sung vi chất phù hợp.
TS Bùi Thị Nhung nhìn nhận, các gia đình đều quan tâm tăng chiều cao cho các con, có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm thực phẩm tăng chiều cao. Tuy nhiên, để trẻ phát triển chiều cao, quan trọng trước tiên là can thiệp dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, từ khi mẹ mang thai đến khi trẻ được 2 tuổi. Giai đoạn tiếp theo, với trẻ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, cùng với dinh dưỡng hợp lý, cần được vận động thể lực. Thanh thiếu niên nên hoạt động thể lực ít nhất 60 phút/ngày. Nên kết hợp đa dạng các loại hoạt động thể lực như tập thể dục, nhảy dây, chạy nhảy, bơi, bóng rổ, đạp xe…
Hoạt động thể lực giúp trẻ kiểm soát cân nặng, cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao, phòng chống thừa cân béo phì. Hoạt động thể lực giúp chuyển hóa các chất dinh dưỡng, giúp trẻ tăng trưởng chiều cao, ngoài ra còn làm cho hệ hô hấp và tuần hoàn khỏe mạnh, đồng thời mật độ xương đạt tối đa khi trưởng thành. Hoạt động thể lực cũng giúp trẻ có tinh thần phấn chấn, vui vẻ, giảm căng thẳng, rối loạn tâm lý.
Tác giả: Liên Châu
Nguồn tin: Báo Thanh niên