Kinh tế

Kiểm tra đột xuất, quyết “đóng cửa” trạm thu phí BOT nếu vi phạm

Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao theo dõi, giám sát, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tổ chức thu phí, kịp thời phát hiện tiêu cực và xử lý nghiêm vi phạm.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các nhà đầu tư dự án BOT đôn đốc công tác quản lý vận hành và giám sát chặt việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm BOT.

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT, chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước và hợp đồng dự án liên quan đến quản lý thu, chi trong giai đoạn kinh doanh, khai thác và chuyển giao dự án. Nhà đầu tư BOT phải xây dựng các giải pháp quản lý nội bộ, kiểm tra, xử lý vi phạm, không xảy ra tiêu cực trong quá trình thu phí.

Các nhà đầu tư cũng cần phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương nơi đặt trạm giữ gìn an ninh, trật tự trong quá trình thu phí; đảm bảo an toàn, tránh ùn tắc giao thông không xảy ra các hiện tượng tiêu cực, cản trở, gây phiền hà trong thu phí; xử lý kịp thời các hành vi gian lận trong quá trình thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.

Nhà đầu tư BOT chấp hành nghiêm và phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ công nghệ thu phí theo hình thức tự động không dừng theo chỉ đạo của Chính phủ. Rà soát nâng cấp trang thiết bị tại trạm đảm bảo việc lưu trữ đầy đủ, kịp thời các dữ liệu thu theo quy định tại Thông tư số 15/2020 của Bộ GTVT.

Bộ GTVT chỉ đạo kiểm tra đột xuất, quyết “đóng cửa” trạm thu phí BOT nếu vi phạm

Bộ GTVT cũng yêu cầu nhà đầu tư nghiêm túc tuân thủ chế độ báo cáo về lưu lượng và doanh thu theo nội dung quy định trong hợp đồng dự án và quy định của Bộ GTVT.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao theo dõi, giám sát, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tổ chức thu, hạch toán và báo cáo doanh thu của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, kịp thời phát hiện tiêu cực và có hình thức xử lý nghiêm vi phạm.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải áp dụng các biện pháp khoa học và công nghệ để kiểm soát thu phí của nhà đầu tư để tránh thất thoát doanh thu. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn kinh doanh, khai thác và chuyển giao công trình dự án đối với các dự án BOT được giao quản lý.

Cơ quan Tổng cục sẽ quyết định theo thẩm quyền việc tạm dừng thu khi phát hiện nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án vi phạm quy định của hợp đồng dự án và quy định của pháp luật nhà nước.

Cũng liên quan đến thu phí, Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đẩy nhanh triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng trên toàn quốc theo Quyết định 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ GTVT, việc triển khai thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng để thay thế cho phương thức thu phí thủ công, một dừng được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là nhiệm vụ bắt buộc phải triển khai thực hiện nhằm tăng cường minh bạch trong hoạt động thu phí, văn minh, thuận tiện cho người tham gia giao thông, tiết kiệm chi phí xã hội.

Bộ GTVT đã chia hệ thống trạm thu phí do Bộ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành 2 giai đoạn (giai đoạn 1 gồm 44 trạm, giai đoạn 2 gồm 33 trạm; trong đó có một số trạm do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã tham gia vào dự án giai đoạn 1) và đã lựa chọn 2 nhà cung cấp dịch vụ triển khai thực hiện.

Dự án giai đoạn 1 do Công ty TNHH Thu phí tự động VETC là nhà cung cấp dịch vụ, dự án giai đoạn 2 do Công ty Cổ phần giao thông số VN là nhà cung cấp dịch vụ", Bộ GTVT cho biết thêm.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định triển khai thực hiện đồng bộ việc thu phí điện tử không dừng, đảm bảo kết nối liên thông và hoàn thành trước ngày 31/12/2020.

Tác giả: Châu Như Quỳnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: gtvt , phí BOT , Trạm BOT , thu phí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP