Kinh tế

Tiết kiệm 500.000 tỉ đồng để cải cách tiền lương, nỗ lực đạt mức tăng trưởng 6%

Với ba kịch bản tăng trưởng được đưa ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lựa chọn kịch bản tăng trưởng GDP cả năm khoảng 6% để tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất có thể.

Thủ tướng yêu cầu nỗ lực đạt mức tăng trưởng 6% theo kịch bản đề ra - Ảnh: VGP

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, xác định rõ đây là trọng tâm ưu tiên trong chỉ đạo điều hành.

Ba kịch bản tăng trưởng, phấn đấu đạt kết quả cao nhất

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá tốc độ tăng trưởng GDP chưa được như mong muốn, lạm phát còn chịu nhiều sức ép. Các động lực tăng trưởng gặp khó khăn, như công nghiệp phục hồi chậm, giá trị tăng thêm 9 tháng chỉ tăng 1,65%. Tình hình lao động, việc làm gặp nhiều thách thức, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn...

Trên cơ sở kết quả 9 tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra dự báo bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước thời gian tới với ba kịch bản tăng trưởng, bao gồm mức tăng 5%, 5,5% và 6%. Thủ tướng yêu cầu lựa chọn kịch bản tăng trưởng GDP cả năm khoảng 6% để tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất có thể cho năm 2023.

Để đạt mục tiêu trên, Thủ tướng đề nghị tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và cụ thể là công nghiệp chế biến, chế tạo. Tập trung đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; thúc đẩy mạnh mẽ các ngành mới nổi, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…

Trong đó, cần chủ động, linh hoạt phối hợp đồng bộ giữa các chính sách, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ. Phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô.

Dồn trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng

Để thúc đẩy mạnh mẽ ba động lực tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu tập trung vào đầu tư gồm đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và tăng cường hợp tác công tư (PPP), thu hút FDI có chọn lọc, nhất là những ngành mới nổi, công nghệ cao…

Về xuất khẩu, cần giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống và tích cực mở rộng các thị trường mới. Gắn với phát triển mạnh thị trường trong nước hơn 100 triệu dân; đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Chú trọng tận dụng thời cơ, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, nhất là chuyển đổi số (như sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…). Thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh...

Thông tin tại phiên họp, những năm qua, trong bối cảnh vừa phải phòng chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh COVID-19, vừa phải bảo đảm an sinh xã hội, chúng ta vẫn tiết kiệm được 500.000 tỉ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024, 2025 và 2026.

Đánh giá đây là nỗ lực rất lớn, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách thực hiện phương án cải cách tiền lương khi được trung ương thông qua.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hoàn thành đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai thực hiện kế hoạch năm 2024 và tiến tới hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra cho cả nhiệm kỳ.

Tác giả: Ngọc An

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP