|
Đã nhiều năm nay, vết thương bom đạn vẫn luôn hành hạ cơ thể ông. |
Phóng viên Dân trí nhận được đơn cầu cứu khẩn thiết của ông Thái Văn Khế, SN 1949 (ngụ ở thôn Quang Long, xã Quang Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) nói về gia cảnh khốn cùng khi các vết thương thời chiến hành hạ bản thân. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Lân mắc bệnh thoái hóa cột sống. Không có tiền điều trị, tài sản lớn nhất là con trâu thì ông bà cũng phải bán để đi bệnh viện. Giờ tiền hết, bệnh không thuyên giảm nên hai ông bà chỉ biết về nhà uống thuốc nam cầm cự.
Tiếp chúng tôi, ông kể chuyện về mình như một cuốn phim quay chậm lúc oai hùng, lúc bi thương trước phong ba bão táp của cuộc đời. “Năm 1968, theo tiếng gọi của Đảng ông Kế tham gia nhập ngũ ở chiến trường C1-D2-E27, Quảng Trị.
Tóm tắt bệnh án của ông Thái Văn Kế. |
Năm 1969, trong một lần trực tiếp chiến đấu ở chiến trường ông không may bị thương nặng nên bị giặc bắt. Sau đó địch đưa ông về thành phố Đông Hà chữa trị vết thương để lấy lời khai.
“Tôi thà chết chứ không chịu bán dân, bán nước. Trước khi lên đường tôi và các đồng đội đã ăn thề, dù bản thân có chi đi chăng nữa thì vẫn một lòng kiên trung”, ông Kế nhớ lại.
3 tháng được địch chăm sóc vết thương, dùng mọi hình thức để lấy lời khai nhưng không được. Cuối năm 1969, địch chuyển ông vào nhà tù Non Nước, Đà Nẵng. Tại đây, trong 2 năm ông bị tra tấn dã man như: đóng đinh vào tay, chân, đầu; đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, đục răng, trùm bao bố chế nước sôi … .
Ông Kế phải dùng xe lăn để di chuyển. |
“Khi đó sống còn khổ hơn chết chú ạ, nhưng mỗi lúc đau đớn xác thịt là mỗi lúc lòng căm hờn giặc, lòng yêu nước lại sục sôi. Tôi vốn đã là người nhỏ con, sau 2 năm bị giam cầm tra tấn ở đây thân xác tôi bị tê liệt hoàn toàn, sức sống không còn”, ông Kế nói trong nước mắt.
Cuối năm 1972, một lần nữa địch lại đưa ông ra nhà tù Côn Đảo. Tại đây, cuộc sống giam cầm, tù đày ông bị bọn quản ngục dùng đủ đòn để tra tấn, bạo hành nhưng không hề nao núng tinh thần, nhụt chí. Năm 1973, theo hiệp định Pari, ông và các đồng đội được trao trả tù binh rồi ông quay về đơn vị cũ và được nhà nước công nhận là một cựu binh quả cảm đồng thời được hưởng chế độ thương binh 4/4.
Khi trở về địa phương, năm 1974 ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Khôi rồi lần lượt sinh được 5 người con gái. Vợ, chồng làm thuê, làm mướn. Cuộc sống tuy nghèo nhưng cũng đủ sống qua ngày. Năm 1983, tai ương bắt đầu ập đến với gia đình ông. Trong một lần người con gái đầu lòng là cháu Thái Thị Lý (6 tuổi) không may bị đuối nước.
Vì quá thương con nên ông Kế bệnh ngày càng nặng thêm. Không dừng lại đó, cuối năm 1983 người vợ của ông là bà Nguyễn Thị Khôi bị bệnh nặng rồi qua đời.
|
Không chỉ riêng ông Kế, mà những đứa cháu nội của ông cũng có dấu hiệu bị ảnh hưởng chất độc da cam. |
Cảnh “gà trống nuôi con”, lo bữa ăn, cái mặc cho con không đủ. Hàng ngày ông cật lực làm thuê, làm mướn nhưng do sức khỏe không có nên bố con ông phải cơm sắn qua ngày. Thương con, ông Kế quyết định lập gia đình lần thứ hai với bà Nguyễn Thị Lân và sinh thêm được 3 người con.
Số phận cuộc đời dường như vẫn chưa buông tha cho gia đình ông. Năm 2017, chị Thái Thị Luận con gái đầu của ông trong lúc đi làm thuê ở Đà Nẵng thì không may bị tai nạn giao thông qua đời. Khẽ lau giọt nước mắt, ông Kế nghẹn ngào: “Đời tôi vào sinh ra tử bao nhiêu lần. Tôi đã chịu đựng rất nhiều đau khổ rồi, ở cái tuổi này mà ông trời vẫn không cho gia đình một lối thoát”.
Suốt cuộc đời, ông và vợ là bà Thái Thị Lân, quần quật làm thuê nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo trong khi đó vết thương bom đạn luôn tái phát khiến ông phải đau ốm thường xuyên.
Bà Lân nghẹn ngào khi nhắc đến hoàn cảnh khốn khổ của gia đình. |
Nói về hoàn cảnh của gia đình ông Kế, ông Phan Văn Tiến – Phó chủ tịch xã Quang Thành cho biết: “Hoàn cảnh ông Kế rất đáng thương khi nhà nghèo, vợ chồng lại mang bệnh nặng không có tiền điều trị. Địa phương cũng rất quan tâm, giúp đỡ phần nào nhưng chừng đó là không đủ”.
“Năm 2012, với công lao to lớn vì sự nghiệp cách mạng, ông Kế được chủ tịch nước Trương Tấn Sang phong tặng danh hiệu AHLLVTND. Đây là một sự ghi nhận lớn lao đối với những gì ông cống hiến cho đất nước”, ông Tiến cho biết thêm.
Từ ngày rời viện về nhà đến nay, sức khỏe ông ngày càng yếu. Vợ chồng ông phải dựa vào những bài thuốc dân gian. Trong căn nhà nhỏ, ông Kế phải dùng xe lăn để di chuyển. Còn bà Lân vợ ông thì bị căn bệnh thoái hóa hành hạ thường xuyên.
Ông Kế phải uống thuốc giảm đau thường xuyên mỗi khi căn bệnh tái phát. |
“Mấy tháng trước, gia đình còn con trâu nhưng cũng phải bán để đi viện. Từ bệnh viện tỉnh rồi ra Hà Nội nhưng gia cảnh ngặt nghèo quá nên vợ chồng tôi chỉ biết về nhà cầm cự chứ không biết phải làm sao”, bà Lân nấc nghẹn.
Theo ông Kế, mấy tháng liền ban đêm đều không ngủ được vì những cơn đau nhức hành hạ. Có những đêm ông phải uống thuốc an thần nhưng vẫn không tài nào chợp mắt được nên từ đó cứ thức suốt với những cơn đau hết đêm này đến đêm khác. Bên đầu giường, ông luôn thủ sẵn mấy hộp thuốc morphin (giảm đau cực mạnh) để khi không còn chịu đựng được nữa sẽ nhờ người chích nhằm giảm đau.
Với những gì đóng góp cho tổ quốc, ông Kế được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND. |
Người cựu binh từng vào sinh, ra tử vẫn còn ý chí sắt đá nhưng giờ như đầu hàng bởi số phận hẩm hiu của nghèo khó, bệnh tật. Hơn bao giờ hết, ông rất cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng để tiếp tục được sống trong quãng đời còn lại.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 3112: Ông Thái Văn Kế (Xóm Quang Long, xã Quang Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) Số ĐT: 032.760.0208 |
Tác giả: Nguyễn Tú- Nguyễn Duy
Nguồn tin: Báo Dân trí