Giáo dục

Bộ GD&ĐT cho Công ty tư nhân tham gia kiểm định chất lượng giáo dục

Lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT ký Quyết định cho phép hai Công ty tư nhân thành lập Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục.

Nhiều chuyên gia lo ngại khi để Công ty tư nhân tham gia kiểm định chất lượng giáo dục (Ảnh: Internet)

Ngày 16/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã ký quyết định 979/QĐ-BGDĐT cho phép thành lập Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn trực thuộc Công ty CP Đầu tư Giáo dục TP HCM và Quyết định 969/QĐ-BGDĐT thành lập Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long trực thuộc Công ty CP Đầu tư Giáo dục Hà Nội.

Đây là hai trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tư thục đầu tiên của cả nước; có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng theo quy định của pháp luật.

Như vậy, đến nay cả nước có 7 Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Trước đó, có 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG Hà Nội, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG TP.HCM, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của Trường Đại học Vinh.

Lo ngại?

Trước quyết định trên, một số chuyên gia giáo dục băn khoăn, việc các công ty cổ phần tham gia vào lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục có đảm bảo tính khách quan? Nếu vì lợi nhuận mà quá trình kiểm định bị chi phối thì kết quả có đáng tin cậy?

Chia sẻ với PV Dân trí, TS Hoàng Ngọc Vinh - Thành viên tổ tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục và đào tạo cho rằng: "Việc cho ra đời hai tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục mới cũng là phù hợp với xu thế hiện nay. Điều cốt yếu là những trung tâm kiểm định phải đảm bảo năng lực đội ngũ chuyên gia.

Chuyên gia không phải chỉ học qua những lớp chứng chỉ kiểm định viên, rồi về làm một công việc là đối chiếu các tiêu chuẩn cơ sở giáo dục với các quy định của luật pháp. Trong mỗi lĩnh vực phải có những chuyên gia tham gia kiểm định đúng chuyên ngành. Giả sử, kiểm định chương trình về ngành Cơ khí thì phải mời chuyên gia ngành Cơ khí chứ không thể mời chuyên gia ngành kế toán, sư phạm".

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục dù của công lập hay tư nhân đều phải tuân thủ theo các quy định và đặt dưới sự giám sát của nhà nước, Bộ GD&ĐT.

Nếu các trường ĐH có khiếu nại, trung tâm tham gia kiểm định phải có trách nhiệm giải trình; nếu không đảm bảo sẽ phải đóng cửa, dừng hoạt động để tránh câu chuyện trường nào tham gia kiểm định cũng đều đạt hết nhưng chất lượng giáo dục thật sự lại thấp.

Tuy nhiên, ông Vinh lo lắng, công ty tư nhân tham gia vào công tác kiểm định giáo dục, họ không được ngân sách Nhà nước cấp vì vậy họ sẽ phải đặt bài toán lợi nhuận lên trên và có thể họ "nhắm mắt làm ngơ", nếu thế liệu chất lượng kiểm định liệu có đáng tin cậy?

Kiểm định không đơn giản

Cùng quan điểm trên, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT cho rằng, điều quan trọng cần quan tâm là năng lực kiểm định, năng lực trình độ cán bộ của các trung tâm tư nhân này khi tham gia công tác kiểm định.

"Kiểm định không đơn giản chỉ là đưa ra văn bản này, tiêu chí kia mà quan trọng là khả năng tư vấn để các trường hoạt động tốt hơn. Phải đưa ra được văn hóa chất lượng vào các trường. Dù đó là mong muốn chính đáng nhưng thực tế hiện nay, các chuyên gia kiểm định của chúng ta chưa có đủ tố chất đó", TS Tùng nói.

Theo TS Tùng, một vai trò quan trọng của các trung tâm kiểm định là làm sao để hoạt động kiểm định thực sự góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học. Tránh tình trạng dù biết trường chưa đạt nhưng vẫn chấm điểm cho qua thì thực sự rất nguy hiểm.

Hiện nước ta có hơn 200 cơ sở giáo dục đại học nhưng mới có khoảng 2/3 trường thực hiện kiểm định xong. Theo quy định, cứ 5 năm các trường sẽ phải kiểm định lại một lần.

"Điều mà chúng ta đang thiếu là những tiêu chuẩn liên quan đến giáo trình. Hiện tại, nước ta vẫn đang có bộ tiêu chí kiểm định, các trường căn cứ vào đó đối chiếu với các điều kiện để được công nhận đạt. Tuy nhiên, nhiều nơi làm đối phó mà chất lượng thực không đảm bảo. Do đó, có những trường trước và sau kiểm định dường như không có gì thay đổi" - TS Tùng nhấn mạnh.

Tác giả: Đình Cường

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP