Giáo dục

Tâm sự của giáo viên sau tuần đầu "mướt mồ hôi" dạy học trực tuyến

Sau khai giảng, hơn 121.000 học sinh của 192 trường THCS và THPT ở Hà Tĩnh bước vào tuần học đầu tiên theo hình thức trực tuyến. Và cũng từ đây, cả thầy và trò đã có những trải nghiệm " mướt mồ hôi".

Quay cuồng với các ứng dụng trực tuyến

Để chuẩn bị tốt cho kế hoạch năm học, ngay từ trước khi bước vào năm học mới cô Nguyễn Thị Thùy- giáo viên Ngữ văn trường THPT Kỳ Anh đã chuẩn bị máy tính mới, cài đặt đầy đủ các ứng dụng dạy học trực tuyến từ Zoom không giới hạn thời gian, Teams, Meet.

Tuy nhiên, khi bước vào thực tế giảng dạy, nhiều vấn đề bắt đầu phát sinh. Do sự quá tải của hệ thống đường truyền nên các ứng dụng thường xuyên bị lỗi. Để kịp thời xử lý tình huống, cô thay đổi ứng dụng, vào nhóm lớp thông báo cho học sinh thay đổi đường link.

Hầu hết các ứng dụng đang dùng miễn phí nên trong quá trình học vẫn gặp sự cố: học sinh "vào- ra" liên tục. Bất đắc dĩ, giáo viên vừa giảng bài, vừa cầm điện thoại để truy cập vào các nhóm kiểm tra hỗ trợ học sinh kịp thời.

Nhiều thầy cô giáo và học sinh có những trải nghiệm "mướt mồ hôi" sau tuần đầu học trực tuyến (Ảnh: M.H).

Tình trạng trên không chỉ xảy ra với học sinh THPT, mà với học sinh THCS cũng tương tự. Phạm Bảo Khánh, học sinh lớp 6B trường THCS Sông Trí, trong một buổi học có đến 5, 6 lần nhờ phụ huynh hỗ trợ kết nối lại. Gia đình em dùng đủ thiết bị có trong nhà như máy tính bàn, laptop, điện thoại và thậm chí vào nhóm Zalo lớp cầu cứu giáo viên nhưng không được duyệt vào phòng học nên đành bỏ dở buổi học.

Từ khi mẹ dạy trực tuyến, con học trực tuyến tài khoản cá nhân Facebook, Zalo của mỗi người lại thêm vài nhóm, thậm chí là trên 10 nhóm. Cũng vì thế mà cường độ sử dụng điện thoại tăng lên vì phải liên tục cập nhật thông tin, thông báo trên các nhóm lớp. Phụ huynh bơ phờ, học sinh mệt mỏi.

Bên cạnh việc các gia đình tự đầu tư nâng cấp đường truyền internet, mua sắm thiết bị phục vụ dạy học thì giáo viên và học sinh cũng cần phải thay đổi để giảm bớt áp lực và căng thẳng.

Giáo viên phải thay đổi cách thức tổ chức lớp học

Để phù hợp với cách dạy trực tuyến, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch dạy học theo 3 phương án để ứng phó với diễn biến của dịch Covid-19. Các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt sao cho phù hợp với các phương án đã được đưa ra. Để việc dạy học trực tuyến mang lại hiệu quả, khắc phục những hạn chế như trên đã nêu thì giáo viên phải thay đổi.

Thứ nhất, bắt đầu từ sự thay đổi nhận thức và tư duy. Đồng ý là dạy học trực tuyến sẽ có nhiều hạn chế so với tương tác trực tiếp trên lớp học truyền thống song không vì thế mà chúng ta phủ nhận hiệu quả, tiện ích của công nghệ mang lại. Vấn đề của giáo viên là phải kịp thời nắm bắt các ứng dụng, sử dụng thành thạo các thao tác cơ bản.

Thứ hai, đầu tư các thiết bị dạy học phục vụ đắc lực cho đặc thù từng bộ môn. Cô Trần Thị Thảo, giáo viên môn Hóa, Trường THPT Kỳ Anh nói rằng: "Đặc thù của môn tự nhiên là có các công thức, phương trình bài giải nên chúng tôi đã mua sắm thêm công cụ hỗ trợ là bảng điện tử. Với thiết bị này, giáo viên có thể tương tác trực tiếp với học sinh.

Đối với các giáo viên không có điều kiện trang bị bảng điện tử có thể sử dụng bảng thông thường, kết nối với 1 thiết bị điện thoại được gắn cố định và sử dụng các tính năng của ứng dụng để chia sẻ hình ảnh. Với cách thức này, lớp học trực tuyến sẽ được tổ chức gần với lớp học truyền thống phấn trắng, bảng đen", giúp rút ngắn khoảng cách địa lý và tránh việc học sinh bị khớp tâm lý khi phải học trực tuyến".

Thứ ba, giáo viên cần đưa ra mục tiêu, yêu cầu cần đạt sát hợp với từng đối tượng học sinh, đúng với hình thức dạy học mà mình đang triển khai.

Thứ tư, giáo viên có sự điều chỉnh kế hoạch bài dạy: Thiết kế không nặng nề, ôm đồm về mặt kiến thức; có sự cân nhắc và sử dụng hợp lý các kĩ thuật dạy học phù hợp với việc hình thành và phát triển năng lực cho học sinh

Một số giáo viên dạy Toán cùng trường đã chia sẻ, khối 10 và 11, giáo viên chỉ chọn những kiến thức trọng tâm, xây dựng hệ thống câu hỏi đa dạng và có khả năng phân hóa. Trong khi triển khai, chú trọng cách nêu vấn đề, từ lý thuyết học sinh có thể nhận dạng các bài tập có thể gặp. Đối với khối 12, giảm bớt dung lượng kiến thức lý thuyết, ưu tiên cho việc dạy công thức, giải bài tập, luyện các dạng toán thường xuất hiện trong đề thi. Với những kiến thức khó, giáo viên để lại khi học sinh quay lại trường học mới dạy.

Cùng với việc điều chỉnh các đơn vị kiến thức thì việc vận dụng linh hoạt các kĩ thuật dạy học cũng rất quan trọng. Khi không thể áp dụng được các kĩ thuật dạy học trực tiếp thì giáo viên chủ yếu giao nhiệm vụ trên một đơn vị kiến thức rất nhỏ, phân công nhiệm vụ cá nhân, trả lời theo hình thức vấn đáp. Giáo viên giảm việc thuyết trình, ưu tiên giao nhiệm vụ cho học sinh thực hiện.

Giáo viên đến trường dạy trực tuyến để thiết bị, đường truyền ổn định (Ảnh: M. H).

Thứ năm, giáo viên cần chủ động kéo dãn thời lượng của các đơn vị bài học. So với việc dạy học trực tiếp thì dạy trực tuyến buộc phải kéo dãn số tiết phân bố trên đơn vị bài học. Do sự hạn chế của phương tiện tổ chức dạy học, học sinh học trên điện thoại với giao diện nhỏ, khó tiếp thu hơn trên lớp. Nhằm đảm bảo cho tất cả học sinh đều nắm được bài nên giáo viên buộc phải làm chậm tiến độ bài dạy.

Thứ sáu, giáo viên linh hoạt trong khâu quản lý học sinh. Thay vì mất thời gian điểm danh đầu buổi, giáo viên có thể kiểm tra xen giữa các tiết học bằng cách gọi từng nhóm học sinh trả lời. Mặt khác, giáo viên cũng cần chủ động nắm vững các thao tác trên ứng dụng để quản lý tốt hơn nề nếp học tập, tránh tình trạng học sinh nghịch ngợm, ảnh hưởng đến lớp học.

Học sinh thay đổi cách học

Học sinh cũng cần thay đổi để sớm thích nghi với việc học trực tuyến. Cụ thể, trước giờ học trực tuyến, các em cần đọc, tìm hiểu kỹ SGK, khi vào giờ học tương tác, trao đổi thêm với giáo viên.

Các em cần rèn luyện, nâng cao năng lực tự học và tự giải quyết vấn đề. Trong quá trình học, song song với quá trình nghe thầy cô giảng bài, học sinh có thể vận dụng mạng internet để có thể có thu thập kiến thức, triển khai mở rộng vấn đề mà giáo viên vừa nêu để có thêm nhiều kiến giải hay. Sau buổi học trực tuyến, em thường mày mò tìm thêm tài liệu nghiên cứu và làm bài tập.

Ngoài ra, việc thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị, các ứng dụng dạy học trực tuyến giúp cho học sinh nâng cao kĩ năng sử dụng công nghệ, tìm kiếm và thu thập tài liệu. Học sinh nên tìm kiếm các bài giảng hay trên Youtube, ghi chép lại cẩn thận làm tài liệu để học.

Còn có rất nhiều ý kiến hoài nghi về hiệu quả của dạy học trực tuyến nhưng ít nhất đó là điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm trong thời điểm hiện tại. Hiệu quả đến đâu, cần phải có thời gian để đánh giá song không thể phủ nhận những trải nghiệm thú vị mà nó mang lại.

Tác giả: Nguyễn Thị Cẩm

(GV trường THPT Kỳ Anh, Hà Tĩnh)

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP