Thế giới

Trung Quốc tuyên tử hình công dân Canada giữa lúc căng thẳng vụ Huawei

Tòa án Trung Quốc đã kết án tử hình một công dân Canada vì tội buôn lậu ma túy giữa lúc hai nước căng thẳng vì vụ bắt giữ giám đốc tài chính tập đoàn Huawei.

Tòa án ở Đại Liên - nơi xét xử Robert Lloyd Schellenberg. (Ảnh: Reuters)

Reuters dẫn thông báo của Tòa Trung cấp Nhân dân Đại Liên tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc hôm nay 14/1 cho biết công dân Canada Robert Lloyd Schellenberg đã bị kết án tử hình vì tội buôn bán ma túy.

Phán quyết trên được tòa đưa ra sau khi các công tố viên cho rằng mức án 15 năm tù giam đối với công dân Canada được đưa ra hồi tháng 11/2018 là quá khoan hồng. Schellenberg bị bắt tại Liêu Ninh vào năm 2014.

Tại phiên tòa hôm nay, Schellenberg được thông báo anh có quyền kháng cáo lên Tòa án Tối cao Liêu Ninh trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được phán quyết. Cáo trạng của tòa cho biết công dân Canada đã dính líu tới tội buôn bán ma túy có tổ chức trên quy mô quốc tế.

Schellenberg, 36 tuổi, khẳng định anh chỉ là khách du lịch bị những tên tội phạm lừa, đồng thời bác bỏ cáo buộc vận chuyển hơn 200kg ma túy vào Trung Quốc. Tuy nhiên các công tố viên khẳng định có bằng chứng cho thấy Schellenberg đã tham gia đường dây buôn bán ma túy.

Phán quyết tử hình công dân Canada của tòa án Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước vẫn chưa hạ nhiệt sau một loạt vụ bắt giữ công dân của nhau trong những tháng gần đây. Canada và Trung Quốc cũng liên tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn nhằm chỉ trích nhau.

Ngày 1/12/2018, Canada đã bắt bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính tập đoàn Huawei khổng lồ của Trung Quốc, theo đề nghị của Mỹ. Bà Mạnh bị cáo buộc “âm mưu lừa đảo các tổ chức tài chính” và “lách” lệnh trừng phạt Mỹ áp dụng lên Iran.

Canada hồi đầu tháng cho biết, sau khi xảy ra vụ việc của giám đốc tài chính Huawei, 13 công dân nước này đã bị bắt ở Trung Quốc, trong đó có ít nhất 8 người đã được thả. Trong số 13 công dân Canada bị tạm giữ có cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor.

Quân cờ của Bắc Kinh?

Schellenberg được cho là công dân đầu tiên ở khu vực Bắc Mỹ bị kết án tử hình tại Trung Quốc trong thời gian gần đây. Trước phiên tòa tuyên án Schellenberg, gia đình anh này đã bày tỏ quan ngại rằng Schellenberg có thể trở thành "quân cờ" mặc cả của Trung Quốc để buộc Canada phải thả bà Mạnh Vãn Chu.

"Tình huống xấu nhất đã xảy ra, nỗi sợ hãi lớn nhất của chúng tôi đã trở thành hiện thực. Tôi không nghĩ chúng tôi nhận phán quyết của tòa nhanh như vậy. Điều này thật sốc, đặc biệt nếu nhìn theo quan điểm ở Bắc Mỹ về diễn biến của sự việc", bà Lauri Nelson-Jones, cô của Schellenberg và là người phát ngôn của gia đình, cho biết.

"Anh ấy là một quân cờ. Chúng tôi chỉ có thể đoán được như vậy, nhưng đó chính xác là những gì đang diễn ra, và điều này rất đáng lo ngại", bà Lauri nói thêm.

Các chuyên gia nước ngoài tin rằng, hành động nhanh chóng của Trung Quốc trong vụ xét xử Schellenberg cũng như bắt giữ Michael Kovrig và Michael Spavor dường như nhằm gây sức ép với Canada trong việc thả bà Mạnh Vãn Chu và đưa giám đốc tài chính Huawei về Trung Quốc, thay vì dẫn độ sang Mỹ.

"Vụ việc lần này dường như càng củng cố thêm thông điệp, vốn đã được đưa ra sau vụ bắt hai công dân Canada trước đây, rằng Trung Quốc xem việc bắt giữ con tin là cách thức có thể chấp nhận được khi tiến hành hoạt động ngoại giao", Giáo sư Donald Clarke tại Trường Luật thuộc Đại học George Washington, bình luận.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định vụ xét xử Schellenberg và vụ bắt giữ các công dân Canada không liên quan tới vụ việc của bà Mạnh Vãn Chu.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: Huawei , Canada , trung quốc

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP