Tin trong tỉnh

Tướng Nguyễn Hữu Cầu bật mí chuyện phá án vụ 39 người chết ở Anh

Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu đã triệu tập cuộc họp, nghe toàn bộ thông tin đánh giá và quyết định phải tập trung phá án, nếu không sẽ gặp 2 áp lực rất lớn.

XEM CLIP:

Chia sẻ với VietNamNet về những áp lực của Công an Nghệ An trong năm qua, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh thở phào nhẹ nhõm khi 52 chỉ tiêu Bộ Công an giao tỉnh đã hoàn thành và vượt. Trong đó phải kể đến khá nhiều vụ án nổi cộm, dư luận rất quan tâm đã được các chiến sỹ phá án, làm rõ ngọn ngành.

“Để có được kết quả này, anh em đã làm hết sức mình, chịu nhiều vất vả và áp lực rất lớn. Hàng loạt vụ việc vừa qua đặt trên vai của lãnh đạo Công an tỉnh cũng như cán bộ, chiến sỹ những áp lực mà không thể nói là xem thường”, tướng Cầu tâm sự.

Phá án ngay trong đêm

Ông nhắc đến vụ 39 người Việt tử vong trong container tại Anh, trong đó Nghệ An có đến 21 người.

“Khi xảy ra vụ việc, công an Nghệ An truy cập ngay vào mạng để tìm, chắt lọc những thông tin liên quan đến tỉnh. Đối với những thông tin trái chiều, chúng tôi phải kiểm tra ngay.

Ngay sau khi có thông tin về người Nghệ An trong 39 người, Ban giám đốc đã xác định đây là vấn đề rất nhạy cảm và chỉ đạo phải tập trung để xác minh nắm tình hình, chỉ đạo lập phương án đấu tranh ngay”, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu nhớ lại.

Ông kể, giai đoạn đầu khi chưa đủ căn cứ để khởi tố, Công an tỉnh phải xác lập chuyên án trinh sát theo quy định của ngành để thu thập tài liệu.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An. Ảnh: Minh Quang

Quá trình này cũng đặt ra những áp lực rất lớn vì có những gia đình hợp tác, có gia đình không.

“Ngày thứ 7 cuối tuần, ông đã triệu tập cuộc họp, nghe toàn bộ thông tin đánh giá và đã quyết định phải tập trung phá án, nếu không sẽ gặp 2 áp lực rất lớn”, Tướng Cầu kể.

Thứ nhất, Bộ Công an yêu cầu phải điều tra làm rõ tất cả những đối tượng liên quan đến việc đưa người ra nước ngoài và ở lại nước ngoài trái phép. Địa phương nào để đối tượng bỏ trốn thì địa phương ấy phải chịu trách nhiệm, mà trước hết là Giám đốc Công an tỉnh phải chịu trách nhiệm.

Thứ hai, đó cũng là yêu cầu của người dân, đòi hỏi phải đưa những đối tượng phạm tội về để quy án.

“Nghe xong, chúng tôi quyết định tiến hành chuyển hóa tài liệu và phá án trong ngày hôm đó. Tôi cho chủ trương bắt 7 người liên quan và trong đêm, anh em bắt được đối tượng đầu tiên. 5h30 sáng hôm sau, anh em đã bắt tiếp các đối tượng còn lại.

Sau khi bắt hết các đối tượng, khởi tố vụ án, các đối tượng nhận tội, áp lực của chúng tôi mới được giải tỏa”, Tướng Cầu kể.

Ông chia sẻ, nếu trong những thời khắc ấy, người chỉ huy không quyết định sớm thì vụ án sẽ chuyển sang một hướng khác, dư luận sẽ cho rằng tỉnh điều tra kém, đối tượng thì có cơ hội bỏ trốn. Như vậy, chắc chắn công sức của anh em bỏ ra rất vô ích.

“Khi ấy tỉnh huy động rất nhiều lực lượng tham gia phá án với tinh thần tập trung cao độ, coi đây là một nhiệm vụ chính trị đột xuất mà dứt khoát phải làm bằng được”, Giám đốc Công an Nghệ An nhấn mạnh.

Ông nhớ lại có những lúc anh em gồng mình làm cả đêm hôm, quên ăn, quên ngủ để phá cho được vụ án này.

Trong lúc dư luận mỗi ngày một sốt ruột, hầu như ngày nào báo chí cũng “hỏi thăm” thì áp lực càng đè nặng, từ việc lập hồ sơ, củng cố tài liệu, rồi đấu tranh với đối tượng đến việc làm thủ tục để Viện kiểm sát phê chuẩn để có căn cứ giữ người, bắt người đúng pháp luật.

Vì danh dự phải cố gắng hết mức

Một vụ khác cũng tạo áp lực nặng nề lên công an Nghệ An được Tướng Cầu chia sẻ là vụ bố bé gái 6 tuổi bịa chuyện con bị hiếp dâm.

“Khi nhận đơn tố cáo của bố cháu bé, tôi đã yêu cầu dù vất vả đến đâu cũng tập trung mọi lực lượng để làm rõ việc cháu có bị dâm ô, hiếp dâm hay không để trả lời công luận”, ông Cầu kể lại.

Để làm rõ vụ việc này, Công an TP Vinh kết hợp với các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh, gần 24 ngày liên tục, các chiến sỹ phải lặn lội vào Nam, ra Bắc để thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ, đi trưng cầu giám định đến 4 cơ quan.

“Kết luận cuối cùng là toàn bộ đơn mà bố cháu bé viết đều là bịa đặt”, Tướng Cầu nói.

Hay như vụ án bà nội 65 tuổi giết cháu 11 tuổi, dư luận cho rằng có 2 động cơ người bà có thể gây án.

Thứ nhất là bà theo một loại tà đạo mà hiện nay ta không chấp nhận.

Luồng suy nghĩ thứ hai là bà này mua bảo hiểm cho cháu, giết cháu để hưởng bảo hiểm.

Đây là những áp lực mà cơ quan điều tra phải chứng minh có động cơ đấy không. Kết luận điều tra được làm rõ là người bà giết cháu do động cơ mâu thuẫn gia đình.

“Để phá được một vụ án, các điều tra viên và trinh sát viên hầu như không ngủ, phải đi đêm đi hôm, ở đâu có thông tin là anh em phải đi đến đó và tất cả mọi khả năng có thể xảy ra đều phải chứng minh để loại trừ. Nếu không thì không trả lời chính thức được”, Tướng Cầu chia sẻ.

Tướng Cầu đúc kết "sau mỗi vụ án, càng áp lực, anh em càng trưởng thành hơn".

Nói về áp lực của người đứng đầu, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu cho hay, lãnh đạo Bộ và tỉnh đòi hỏi rất cao về vai trò của Giám đốc Công an tỉnh.

Nếu người đứng đầu xử lý không được các vụ án này sẽ bị đánh giá là một lãnh đạo thấp kém, không đáp ứng yêu cầu.

Trong năm qua, khối lượng công việc tương đối nhiều, nếu người đứng đầu không sắp xếp thời gian một cách hợp lý thì không đủ thời gian để làm.

“Cách thức làm việc của người lãnh đạo chỉ huy là phải san sẻ thời gian làm phù hợp, việc gì cần làm trước, việc gì cần phải làm sau”, Giám đốc Công an Nghệ An tâm sự.

Áp lực khác mà ông cho rằng quan trọng nhất đó là danh dự. “Khi người ta nói rằng anh quá yếu kém hoặc quá nhu nhược, hoặc chỉ đạo hoàn toàn không chấp nhận được thì đấy là danh dự của người lãnh đạo”.

Tướng Cầu không ngại bộc lộ, “chính vì danh dự cho nên mình phải cố gắng hết mức. Cho dù có vất vả, có bị tác động nhiều thứ thì mình cố gắng vượt qua”.

Tác giả: Thu Hằng - Hương Quỳnh

Nguồn tin: Báo Vietnamnet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP