Giáo dục

Sinh viên bị đại học trả về vì có bằng cao đẳng nhưng không có bằng THPT

Mặc dù Bộ GD&ĐT đồng ý cho Học viện Múa cấp bằng cho học viên theo đề nghị nhưng nhiều sinh viên trường Múa hiện nay đang "bơ vơ" bị trường đại học trả về vì có bằng cao đẳng nhưng không có bằng THPT.

Đủ điểm đỗ đại học bị trả về vì có bằng cao đẳng nhưng không có bằng THPT

Em H.N.V (sinh năm 2001) học Khóa 2 hệ trung cấp liên thông cao đẳng của Học viện Múa Việt Nam trong 7 năm (2013 - 2020). Sau khi ra trường năm 2020, V. được nhà trường trao cho tấm bằng tốt nghiệp hệ cao đẳng chính quy chuyên ngành múa.

V. có nguyện vọng học lên trình độ đại học nên nộp đơn thi tuyển vào ngành Biên đạo múa của ĐH Sân khấu điện ảnh. Qua kỳ thi xét tuyển đầu vào, V. đủ điểm đỗ và đã nhập học như nguyện.

Tuy nhiên, sau gần 1 tháng học tập, ĐH Sân khấu điện ảnh rà soát hồ sơ sinh viên, yêu cầu V. nộp bổ sung bằng tốt nghiệp THPT vì em chưa có tấm bằng này trong hồ sơ mà mới chỉ có bằng cao đẳng.

V. và phụ huynh quay lại Học viện Múa nhiều lần yêu cầu trường cấp bằng tốt nghiệp THPT vì em đã hoàn thành chương trình học văn hóa, cũng như thi cử ngay tại trường. Tuy nhiên, nhà trường trả lời rằng không thể cấp bằng THPT cho học sinh.

Không có bằng tốt nghiệp THPT, ĐH Sân khấu điện ảnh không thể tiếp nhận V. vào học. Do vậy, nữ sinh này bị buộc dừng việc học đại học.

Học sinh đang học tại Học viện Múa hoang mang, lo lắng trước thông tin sẽ không được cấp bằng tốt nghiệp THCS, THPT khi ra trường.

Trường hợp của V. cũng là hoàn cảnh chung của học sinh tốt nghiệp hệ trung cấp liên thông cao đẳng Múa khóa 1 và khóa 2. Các em đều không được cấp bằng tốt nghiệp THPT nên không thể học lên đại học. Mặt khác, đa số các em cũng gặp khó trong việc tìm việc làm ổn định vì "chưa tốt nghiệp cấp 3" - theo như lời nhà tuyển dụng.

Hàng trăm học sinh đang học tại Học viện Múa VN cũng đang trong tình trạng lo lắng vì nhà trường cho biết rằng không thể cấp bằng THCS, THPT cho các em.

Ngày 1/4, Học viện Múa Việt Nam thông tin rằng có 273 học sinh đã ra trường trong tình trạng "3 không": không bằng tốt nghiệp THCS, không bằng tốt nghiệp THPT và không bằng trung cấp chuyên nghiệp.

Lí do không có bằng trung cấp chuyên nghiệp, nhà trường lí giải là vì... quên không đăng ký mã định danh cho học sinh. Mặt khác, nhà trường cũng nói rằng sẽ không có bằng THCS, THPT cho học sinh vì đây là phương thức đào tạo theo kiểu cũ.

Tháo gỡ "nửa chừng" khiến phụ huynh lo lắng phát khóc

Quá bức xúc trước hiện trạng con em mình học thật, thi thật nhưng không có bằng cấp, 325 phụ huynh đã làm đơn kêu cứu gửi các Bộ, ngành liên quan và báo chí. Báo Dân trí đã có những bài viết phản ánh về vụ việc này.

325 phụ huynh trong đó có ông Cường (mắc áo xanh) cùng làm đơn "kêu cứu" cho con em đã và đang học tại Học viện Múa gửi các cơ quan chức năng.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho học sinh trường Múa, Học viện Múa Việt Nam đã và đang làm việc với Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Ngày 1/4, Bộ GD&ĐT có công văn trả lời Bộ VHTT&DL nêu rõ: Trong trường hợp trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) tổ chức đào tạo đầy đủ chương trình, Bộ GD&ĐT đồng ý để Học viện Múa Việt Nam được in phôi bằng và in bằng tốt nghiệp theo quy định hiện hành; đồng ý để Học viện Múa Việt Nam cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT.

Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ VHTT&DL và Học viện Múa Việt Nam triển khai thực hiện các nội dung trên để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, sinh viên theo quy định của pháp luật.

Nhận được thông tin này, lẽ ra phụ huynh và học sinh trường Múa phải vui mừng vì con em sẽ được cấp bằng. Tuy nhiên, phản hồi với báo chí, các phụ huynh còn rất nhiều nỗi lo lắng, phát khóc.

Phụ huynh Phạm Thị Thanh Thủy cho biết: "Theo cách giải quyết đang được 2 Bộ đề xuất, các con ra trường vẫn sẽ chỉ có thêm bằng trung cấp chuyên nghiệp mà không có bằng tốt nghiệp THCS và THPT".

Theo bà Thủy, mặc dù Học viện Múa có giải thích rằng trước đây giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS và THPT của nhà trường được các trường đại học thuộc "ngành dọc" như ĐH Sân khấu điện ảnh, ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội... chấp thuận; tuy nhiên quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT không công nhận giấy chứng nhận này nữa. Đó là nguyên nhân dẫn tới việc học sinh như em V. đã thi đỗ nhưng không được học ở ĐH Sân khấu điện ảnh.

Bà Thủy lo lắng rằng con của bà hiện đang học tại trường Múa sau khi ra trường cũng không được cấp bằng văn hóa như các khóa trước.

Cùng có chung nỗi lo, phụ huynh Hồng Nhung lên tiếng: "Đến khi các con ra trường làm sao có thể yêu cầu trường đại học, nhà tuyển dụng chấp thuận giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT do Học viện múa cấp, trong khi quy định hiện nay bằng tốt nghiệp văn hóa phải do Bộ GD&ĐT cấp?".

Các phụ huynh cũng không đồng tình với giải pháp nhà trường đưa ra là cho các con học lại, học bù văn hóa để được cấp bằng.

"Con tôi đã 18 tuổi, bảo cháu học lại lớp 7 thì học thế nào bây giờ?", phụ huynh nói.

Hội phụ huynh có con em đã và đang học tại Học viện Múa mong muốn được tham gia cùng tháo gỡ với nhà trường và các cơ quan quản lý để tìm ra giải pháp thỏa đáng nhất cho sự việc này.

Trả lời trên báo Thanh niên, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, giải thích rằng phương án đề xuất của Bộ VHTT&DL gửi Bộ GD&ĐT chỉ nói đến 2 việc, một là cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, hai là cấp giấy chứng nhận hoàn thành các môn văn hóa THPT cho học sinh, nên Bộ GD&ĐT chỉ trả lời 2 việc đó.

Trước lo lắng của phụ huynh trường Múa, ông Độ góp ý, phụ huynh nên đề xuất với trường Múa, trường Múa kiến nghị lên Bộ VHTT&DL để làm việc với Bộ GD&ĐT, từ đó Bộ GD&ĐT mới có thể cho ý kiến.

Theo ông Độ, vấn đề này có thể giải quyết theo hướng rà soát, xem xét khối lượng kiến thức văn hóa mà học sinh trường Múa đã được học, sau đó cho các em học bổ sung tại trung tâm giáo dục thường xuyên, dự thi và cấp bằng.

Tác giả: Mai Châm

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP