Tin trong tỉnh

Bài 1: Thủy điện tới, dân đói phải ăn rau

Những thủy điện ở Nghệ An mới chỉ có lợi ích cho thủy điện mà chưa có lợi cho nhân dân. Giá mà đừng có thủy điện thì người dân còn được ăn cơm cá...

Tỉnh Nghệ An hiện có 18 nhà máy thủy điện đi vào phát điện với tổng công suất 892,9 MW, trong đó chủ yếu là thủy điện vừa và nhỏ, đã có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Tuy nhiên, do việc xây dựng thủy điện chặn dòng làm biến đổi tự nhiên, mùa hè gây hạn hán, mùa mưa xả lũ làm hàng trăm nhà bị ngập và phải di dời. Nhiều tuyến giao thông bị hư hỏng và hàng nghìn ha hoa màu bị thiệt hại. Ước tính thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ đồng. Thậm chí là không có lũ, nhà máy thủy điện cũng xả sai quy trình làm chết người.

Nhà ông Vy Nghệ Toàn đã cách lòng sông hơn 100m nhưng lo sợ nước lũ thủy điện tràn về như năm 2018, năm nay, gia đình vẫn cố đi vay lãi hơn 100 triệu đồng để mua gỗ về nối cột nâng nhà sàn lên cao.

Trước đó, hàng nghìn người dân miền núi phía Tây Nghệ An phải dắt díu ra đi nhường đất để xây dựng thủy điện vì dòng điện trong tương lai. Nhưng đến nay, họ lại sống cơ cực trong ngôi nhà siêu vẹo, thiếu đất sản xuất, hạ tầng điện, đường, trường, trạm chưa hoàn thiện.

Đáng chú ý là theo thống kê, 60% trong số các hộ nghèo trong huyện Tương Dương đều liên quan đến khu tái định cư thủy điện. Đặc biệt là trong nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân vùng hạ du luôn sống trong sợ hãi dưới “bom nước” của thủy điện có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào.

Sông sâu lũ dữ bủa tứ bề

Tháng 7, 8/2018, thiên tai tràn về kết hợp với quá trình xả lũ hối hả đồng loạt của các nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Nặm Nơn, Bản Ang và Chi Khê, dòng lũ đã càn quét khắp các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông miền Tây xứ Nghệ. Đã hơn 1 năm qua, những vệt nước, dấu bùn trên tường có thể mờ đi nhưng trong tâm trí người dân không thể nào quên trận lũ lịch sử đó. Trận lũ dữ cuốn trôi hàng nghìn ngôi nhà, ruộng vườn sạch bách chả sót lại gì, công trình giao thông hư hỏng nghiêm trọng, tổng thiệt hại ước tính trên hàng trăm tỷ đồng.

Nỗi ám ảnh in hằn trong trí nhớ của người dân về trận lũ kinh hoàng dòng chảy nhanh và mạnh hơn tất cả những trận lũ mà đã từng nhìn thấy. Thậm chí, nước lũ dâng nhanh, có nhiều nơi lên cao lút mái nhà…trong lúc trời nắng đã khiến thiệt hại nặng nề thêm. Nhiều tháng sau lũ rút, các hộ dân sống trong lán tạm bợ men đồi ven tỉnh lộ 534B.

Đây là hoàn cảnh sống của 71 hộ dân cần di dời khẩn cấp trên địa bàn huyện Tương Dương bị ảnh hưởng sạt lở sau khi thủy điện xả lũ từ những năm 2017, 2018. Cụ thể gồm 34 hộ dân thuộc 2 bản Lả và Minh Phương, xã Lượng Minh (bị ảnh hưởng sạt lở ven sông, thuộc Thủy điện Nậm Nơn) và sau đợt Thủy điện Bản Vẽ xả lũ có thêm 37 hộ bị thiệt hại.

34 hộ dân ở bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương thấp thỏm dưới chân "bom nước" thủy điện Nặm Nơn.

Chủ nhà máy thủy điện Nặm Nơn, Bản Ang đã tiến hành bồi thường, nhưng với số tiền chẳng thấm tháp vào đâu so với mức độ thiệt hại. Ông Vi Nghệ Toàn cho biết: mặc dù nhà ông đã cách lòng sông hơn 100m nhưng lo sợ nước lũ tràn về như năm 2018, năm nay, gia đình vẫn cố đi vay lãi hơn 100 triệu đồng để mua gỗ về nối cột nâng nhà sàn lên cao.

“Tôi ở đây mấy chục năm rồi, trước đây cũng có lũ không đến nỗi nhưng đến năm 2018 vừa rồi nước dâng lên rất nhanh, lên đến 1,5m gần chạm sàn nhà. Những ngày đó khổ lắm, đường ngập không còn lối đi. Nguyên nhân là thủy điện Bản Ang xả lũ. Đến nay, công ty thủy điện Bản Ang chưa khảo sát đền bù thiệt hại chưa có nhưng năm nay tôi vẫn quyết định vay tiền xây lại nhà, nối cột nâng cao chống lũ như năm trước...”, ông Toàn nói.

Trong khi hậu quả lũ lụt gây ra còn nặng nề thì người dân đau thắt lòng mất người thân. Công an huyện Tương Dương đã khởi tố 02 bị can là cán bộ của nhà máy thủy điện Nâm Nơn để điều tra về hành vi "vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính" liên quan vụ việc xả nước nhưng không thông báo nên đã làm anh Vi Văn May, ở bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng, bị lật thuyền chết đuối thương tâm. Từ đó đến nay, bất kể ngày hay đêm, 14 hộ ở bản Xiêng Hương ở cách chân đập nhà máy thủy điện Nặm Nơn hơn 20m, cứ mỗi lần nghe tiếng còi hú báo động xả lũ, người dân lại giật mình thon thót trước nguy cơ mất an toàn luôn thường trực.

“Xây dựng thủy điện Nặm Nơn, họ nổ mìn ngay trên giường nằm của chúng tôi, không đầy 20m nhà cửa rung chuyển. Tiếng còi, tiếng ồn nước xả lũ, tiếng tuabin động cơ làm cho nhân dân không ổn định cuộc sống, lo lắng. Người già không yên giấc ngủ ban đêm, trẻ con không yên tâm học tập, con cháu khóc giật mình. Nhà cửa đã hư hỏng rồi chưa được đền bù, người dân chưa có chỗ ở mới, chết cả con người thì nhà máy nghĩ như thế nào thì hơn 01 năm rồi”, ông Vi Quang Minh bức xúc nói.

Có thủy điện về, người dân nghèo nhanh

Sông Nậm Nơn và sông Nậm Mộ hợp lưu tại cửa Rào, xã Xá Lượng huyện Tương Dương là thượng nguồn sông Lam. Hiện nay, đoạn sông này phải oằn mình gánh 04 dự án thủy điện công suất lớn nhất của Bắc Trung Bộ. Cụ thể là 04 nhà máy thủy điện bậc thang, bao gồm: thủy điện Bản Vẽ 320MW; thủy điện Khe Bố 100MW; thủy điện Nậm Nơn 20MW, Nậm Mộ 18W và thủy điện Bản Ang 17MW. Trong đó, Công ty cổ phần Tổng Công ty Phát triển năng lượng Nghệ An là chủ đầu tư nhà máy Nậm Nơn, Nậm Mô, Bản Ang.

Sau lũ rút đi, nhiều nhà cửa của người dân đã bi sạt lở nghiêm trọng nhưng vẫn chưa được di dời.

Những tưởng sẽ vui mừng khi dòng diện sáng làm đổi thay quê hương, thì nay, người dân đau đáu tiếc nuối cả vùng hạ du rộng lớn bị nhấn chìm trong biển nước đục ngầu. Đó là tâm trạng của các hộ dân “di cư ngược” từ Thanh Chương về lại vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.

Vùng họ sống như những hoang đảo, không điện, không nước, không đường, không trường trạm...Trước đó, để xây dựng Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương có 2.910 hộ với 13.735 nhân khẩu thuộc 31 bản, 8 xã phải di dời tái định cư sang huyện khác. Không có đất sản xuất và thay đổi thói quen tập tục canh tác nên nhiều hộ dân đã di cư về lại quê cũ, cư trú bất hợp pháp và chấp nhận một cuộc sống bấp bênh.

Tháng 7 vừa qua, nắng nóng kéo dài liên tục hơn 1 tháng buộc nhà máy thủy điện Bản Vẽ phải xả nước chống hạn vùng hạ du. Lòng hồ thủy điện cạn trơ đáy, khiến cuộc sống mưu sinh của những người dân nơi đây đã khốn khó lại càng khó khăn hơn. Theo thống kê, 60% trong số các hộ nghèo trong huyện Tương Dương đều liên quan đến khu tái định cư thủy điện.

Gần 10 năm qua kề từ khi nhà máy thủy điện vận hành đến nay thì tại các cuộc họp từ xã đến huyện, “trăm người như một", người dân đồng thanh lên tiếng kiến nghị đến cấp chính quyền vì các nhà máy thủy điện chậm thực hiện trách nhiệm đã cam kết. Riêng Thủy điện Khe Bố, UBND nhân dân huyện Tương Dương đưa ra 26 nội dung để giải quyết, có thời hạn giao thực hiện nhưng chậm vẫn hoàn chậm.

Ông La Văn Bống, Phó Chủ tịch UBND xã Lưu Kiền nêu ý kiến: nhà máy thủy điện Bản Ang “nuốt” lời hứa trách nhiệm không chịu bồi thường khi người dân và chính quyền đã kiến nghị nhiều lần.

“Trách nhiệm của công ty không cao đối với người dân. Suy nghĩ của nhân dân chúng tôi là giá mà không có thủy điện thì không sao. Nhưng có thủy điện rồi chỉ là lợi ích của thủy điện thôi, chứ không có lợi ích cho nhân dân trong xã. Lúc đầu họ nói là sẽ đền bù cho hộ dân nếu có ảnh hưởng, nhưng sau được làm thủy điện rồi, còn ảnh hưởng như thế nào thì họ không biết. Còn người dân bị sạt lở thấp thỏm lo âu, xác định ở đây không biết sẽ bị như thế nào”, ông La Văn Bống bộc bạch.

Trao đổi với phóng viên VOV, lãnh đạo huyện Tương Dương khẳng định việc giải quyết các vấn đề tồn đọng liên quan đến thủy điện gây ra đối với cuộc sống người dân luôn chiếm hơn một nửa thời gian làm việc, không còn thời gian nghiên cứu định hướng phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Khi kiến nghị của nhân dân ngày càng chồng chất còn trách nhiệm của nhà máy thủy điện vơi dần đó là lý do chính đáng mà Ban Thường vụ Huyện ủy Tương Dương đã có tờ trình kiến nghị dừng cấp phép đầu tư xây dựng thủy điện Bản Pủng trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư huyện ủy Tương Dương Nguyễn Văn Hải, cho biết: Trên địa bàn huyện có 05 nhà máy, sự việc tồn đọng nhiều quá.

“Cấp ủy chính quyền phối hợp với chủ đầu tư giải quyết ổn định đời sống người dân liên quan đến nhà máy thủy điện. Cấp ủy chính quyền ở đây không phải là chỉ chăm lo đến vấn đề thủy điện mà phải đảm bảo phát triển KT-XH và ANQP. Nhiều sự việc xảy ra hơn nữa thì ảnh hưởng ngày càng nhiều số hộ dân tạo sức ép số đông. Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị dừng chưa xem xét đầu tư xây dựng thủy điện bản Pủng”, Bí thư huyện ủy Tương Dương Nguyễn Văn Hải nói.

Tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Nghệ An diễn ra tháng 7 vừa qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông cho rằng; Qua kiểm tra cho thấy các thủy điện xả lũ đều đúng quy trình, nhưng tại sao đúng quy trình lại gây thiệt hại lớn. Điều đó cho thấy vấn đề nằm ở quy trình này.
Do đó, các cơ quan phải có biện pháp mạnh dựa trên pháp lý để yêu cầu thủy điện chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra. Tuy nhiên, các nhà máy đều lập luận “đã vận hành theo đúng quy trình, sự việc bất khả kháng do thiên tai quá lớn”, nên chỉ có trách nhiệm “hỗ trợ” chứ không phải “đền bù” khắc phục hậu quả.

“Hoa thơm bướm đậu, hoa tàn bướm bay”, chủ đầu tư sau khi đã đạt được mục đích ban đầu xây dựng nhà máy thủy điện, đã trây ỳ né tránh thực hiện tránh trách nhiệm với người dân địa phương.

Lãnh đạo xã chua xót cho rằng chỉ có lợi ích cho thủy điện mà chưa có lợi cho nhân dân. Giá mà đừng có thủy điện thì họ còn ăn cơm với cá.../.

Tác giả: Sơn Lâm-Đình Hiếu

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP