Giới trẻ

Đến trường bằng đôi chân bạn

“Cầm lấy mũ bảo hiểm này, đội lên, cài dây vào”, Khanh nhắc Cảnh, rồi hai cậu lên xe về nhà. Chiếc xe đạp điện mới được sắm 1 năm nay, còn trước đó, là những năm tháng Khanh cõng người bạn tật nguyền đến lớp. Từ nhỏ đến giờ, nhẫn nại, nhưng cũng tự nhiên, vô tư như việc “bạn bè với nhau phải thế”.

Em Vi Văn Cảnh bị tàn tật nhưng luôn cố gắng đến trường

7 năm gắn bó

Cảnh sinh ra chịu số phận thiệt thòi khi căn bệnh bại não bẩm sinh khiến chân tay yếu ớt, đi không vững. Mẹ của em cũng bị dị tật. Khi Cảnh hơn 1 tuổi, bố em lặng lẽ bỏ 2 mẹ con ở lại rồi đi biệt tích đến giờ. Mấy năm sau, một người đàn ông ở thị trấn Tân Lạc đi xây nhà thuê ở bản Tà Cồ đem lòng yêu thương và đến với 2 mẹ con. Người cha dượng chăm chỉ, tốt bụng đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho Cảnh và mẹ nương tựa. Cuộc sống tuy còn vất vả, nhưng đã có nụ cười ấm áp trong ngôi nhà nhỏ nơi bản Tà Cồ.

Cậu bé Cảnh lớn lên, đến tuổi đi học, cũng khao khát đến trường như các bạn. Nhưng thân thể nhỏ bé, chân tay co rút, bố mẹ em không biết con mình có thể cầm bút viết được hay không. Bố đi làm thợ xây thường xuyên vắng nhà, mẹ thì lo làm rẫy, ai đưa Cảnh đi học? Thế là cậu bạn thân gần nhà, chơi với Cảnh từ khi chập chững tập đi, tập nói là Vi Tuấn Khanh nhận nhiệm vụ đó. “Em đi học với Cảnh từ năm lớp 1, lúc đó nhỏ quá, em đi trước, còn Cảnh bám vào vai em bước phía sau. Cứ thế đến trường thôi. Đến khi lên lớp 3, em lớn hơn, khỏe hơn nên cõng bạn đi học cho nhanh. Lúc đầu thì cũng thấy mệt và nặng lắm, nhưng sau quen dần…”, Khanh nhớ lại.

Câu chuyện của 2 em Khanh và Cảnh là tấm gương về tình bạn đẹp, đáng quý, là gương sáng để nhà trường giáo dục các em học sinh về tình yêu thương, quan tâm, giúp đỡ bạn bè trong học tập và trong cuộc sống hàng ngày.

Thầy Đặng Xuân Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hạnh Thiết (Quỳ Châu, Nghệ An)

Từ nhà ở bản Tà Cồ đến trường chỉ khoảng 2km, nhưng lại là quãng đường dài khi hai đứa trẻ cõng nhau đi học. Đường đất bụi, dốc đá, người dân trong bản ai cũng quen với hình ảnh 2 cậu bé sáng nào cũng đi học rất sớm và lúc tan trường thì về trễ hơn các bạn. Trên lưng Khanh là cậu bạn thân thiết, cùng với cặp sách của hai. Vắt vẻo, nặng nhọc, đi được một đoạn thì bạn bị tụt khỏi lưng, Khanh dừng lại, xốc bạn lên, nhắc “ôm vào cổ cho chắc”, rồi lại đi tiếp. Không ít lần vấp phải đá, ổ gà bị ngã lên nhau, cả hai nhăn nhó, lồm cồm bò dậy, nhìn nhau cười.

“Thấy bạn Cảnh như thế, em thương lắm. Mẹ em cũng thương bạn Cảnh. Mẹ nói em giúp bạn ấy đi học. Năm lên lớp 4, mẹ bạn Cảnh mua cho một chiếc xe đạp, thế là em không phải cõng bạn nữa, mà chở bạn trên xe đạp đến trường”, Khanh nói.

Suốt 7 năm qua, Khanh và Cảnh luôn đến trường cùng nhau

Vì bố mẹ thường xuyên đi làm xa nên Vi Văn Cảnh ở cùng với bác Vi Thị Hồng (là chị gái của mẹ Cảnh) để tiện cơm nước. Hằng ngày, Khanh vẫn qua lại học bài cùng bạn, có hôm ngủ lại luôn ở nhà Cảnh. Còn bình thường em ở nhà phụ việc gia đình giúp bố mẹ, nhưng dù mưa nắng, hay trời rét cỡ nào, thì sáng sớm cậu bé đã có mặt ở nhà bạn để làm “tài xế”.

“Có hôm trời nắng, hai đứa đi học về thì xe đạp bị hỏng. Cảnh thì không tự đi được mà Khanh lại phải dắt xe, không biết làm thế nào nên cả hai ngồi bệt giữa đường. May sau đó có người đi qua nhìn thấy, chở Cảnh về trước, còn Khanh về sau”. Nhìn 2 đứa thương lắm, nhưng tôi cũng phải đi làm rẫy nên không đưa đón cháu được. Nhờ có Khanh thì Cảnh mới đi học thường xuyên được như thế”, chị Vi Thị Hồng xúc động.

Lan tỏa tình yêu thương

Là học sinh lớp 7A4, Trường THCS Hạnh Thiết (huyện Quỳ Châu, Nghệ An), Vi Tuấn Khanh đã cao hơn nhiều, đi bên cạnh em, vẫn là người bạn thân thiết, thấp bé hơn, như học sinh tiểu học, bước đi tập tễnh, xiêu vẹo. Đôi bạn “lệch” về ngoại hình, nhưng chưa bao giờ giận nhau, mà luôn đồng hành bên nhau suốt 7 năm qua, như một điều tự nhiên chẳng cần phải giải thích. “Thỉnh thoảng hai đứa cũng cãi nhau, nhưng vẫn chơi với nhau bình thường. Em cũng rất thương bạn Khanh, vì bạn cõng em, chở em đi học từ nhỏ đến giờ”, Vi Văn Cảnh chia sẻ.

Đôi bạn thân chưa bao giờ giận nhau

Tan học, Vi Tuấn Khanh nhanh chóng thu gọn sách vở cho vào cặp rồi đến chỗ ngồi của Cảnh, đợi bạn thu dọn sách vở vào cặp, rồi cùng ra về. Khanh đi trước, Cảnh vịn tay vào vai bạn tập tễnh bước theo sau. Đến đoạn cầu thang thì Khanh đi chậm lại, đỡ bạn bước xuống vừa nhắc: Từ từ thôi.

Cả hai cậu bé đều có gương mặt hiền lành, thật thà và nụ cười bẽn lẽn khi trò chuyện với mọi người. Xuống đến sân trường, Cảnh ngồi đợi dưới gốc cây, còn Khanh đi lấy xe để chở bạn về. Lần nào cũng vậy, Khanh đều đỡ bạn ngồi lên xe, nhắc bạn đội mũ bảo hiểm “cài quai vào”, rồi mới cẩn thận đi về. Đây là chiếc xe đạp điện mà gia đình Cảnh đã cố gắng tích góp, vay mượn, cùng với sự hỗ trợ của nhà trường mua cho con cách đây 1 năm. Vì lên THCS, quãng đường từ nhà đến trường của hai em dài gần 10km, nhưng chưa bao giờ Khanh phải để bạn nghỉ học vì mình.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP