Tin trong tỉnh

Tận thấy đoàn ‘xe vua’ đại náo sân bay Vinh

Không biết từ bao giờ, CHK quốc tế Vinh được “phù phép” thành “thủ phủ” của xe “trá hình” liên tỉnh, nhưng lạ một nỗi, từ nhân viên Cảng hàng không cho tới các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ Anh lại không hề có động thái xử lý, mặc cho các nhà xe này lộng hành, khiến hình ảnh của một hàng không quốc tế trở nên nhếch nhác và méo mó trong mắt hành khách trong và ngoài nước.

Tại bãi đỗ ô tô sân bay Vinh luôn có khoảng 10 chiếc xe “trá hình” liên tỉnh vô tư chèo kéo, xếp khách giữa “thanh thiên bạch nhật”.

Cảng hàng không thành “bến xe dù” liên tỉnh

Trực tiếp tìm hiểu về thực trạng “xe dù, bến cóc” tại Cảng hàng không quốc tế Vinh (Nghệ An), nhóm PV Tạp chí Giao thông vận tải đã tận mắt chứng kiến những nhà xe “trá hình” chạy tuyến cố định liên tỉnh núp bóng xe chạy hợp đồng.

Trong vai những hành khách vừa trên chuyến bay từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP.Hồ Chí Minh) tới sân bay Vinh (Nghệ An), nhóm PV chúng tôi đã tiếp cận nhà xe có tên: “Phòng vé Mai Hương” - Thuộc Công ty TNHH XD & TM Đức Hiền, chuyên tuyến Sân bay Vinh - Thanh Hoá; Sân bay Vinh - Hà Tĩnh. Vừa bước chân đến ga đến sân bay Vinh, chúng tôi nhận ngay được lời mời chào khách của nhân viên nhà xe này. Không khó để nhận thấy, tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Vinh luôn có từ 3- 5 xe của “Mai Hương” đang chờ đón khách, việc chào khách diễn ra công khai trước “thanh thiên bạch nhật”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để hợp thức hóa hoạt động dừng đỗ, bắt khách tuyến cố định của mình, nhà xe “Mai Hương” núp bóng xe đưa đón khách sân bay nhưng thực chất là một bến “cóc” với đẩy đủ điểm đón, xếp chỗ và vận chuyển hàng hóa cho khách.

Ngoài ra, với việc lấy danh nghĩa là đại lý bán vé máy bay cho các hãng: Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar cùng với sức nặng của “tấm bùa hộ mệnh” được Cảng HK Vinh cấp quyền sử dụng sân đỗ ô tô nhà ga hành khách của Cảng và tem phù hiệu hợp đồng được Sở GTVT Nghệ An cấp phép, nhà xe này đã “lách luật” bằng cách gom những khách lẻ để… ghép đoàn nhằm hợp thức hóa hành vi vận tải khách theo tuyến cố định.

Các xe ô tô từ 16 đến 29 chỗ mang thương hiệu “Phòng vé Mai Hương” được Sở GTVT Nghệ An cấp tem hợp đồng và Cảng HK quốc tế Vinh cấp quyền sử dụng sân đỗ tại nhà ga hành khách, hoạt dưới hình thức xe hợp đồng đội lốt tuyến cố định đi các tỉnh Thanh Hoá và Hà Tĩnh.

Để ghi lại hình ảnh về hoạt động “trá hình” của nhà xe này, khoảng 10 giờ ngày 16.1.2019, chúng tôi tiếp cận chiếc xe ôtô loại 16 chỗ BKS 37B.013.22, trên thân xe ghi rõ “Phòng vé Mai Hương - xe đưa đón khách sân bay Vinh”. Lúc này, trên xe đã có vài hành khách, nhân viên nhà xe lỉnh kỉnh xếp đồ cho khách. Vừa nhồi nhét khách, lái xe này trấn an “yên tâm, hơn một tiếng nữa lại có một chuyến, ở đây xe này đi Thanh Hoá, Hà Tĩnh là uy tín nhất”.

Cũng tại Cảng hàng không quốc tế Vinh, nhóm PV chúng tôi ghi lại được cảnh tượng “lạ”, mặc dù các đối tượng cò vé, nhân viên nhà xe chèo kéo, mời gọi hành khách đi xe, tạo nên một khung cảnh hỗn loạn, nhếch nhác tại một sân bay tầm cỡ quốc tế, nhưng các nhân viên an ninh sân bay dường như làm ngơ, không hề đả động gì đến các xe này, để mặc cho các xe “trá hình” tung hoành ngang dọc.

Để làm rõ lộ trình của xe khách “Mai Hương”, với 130.000 đồng, chúng tôi quyết định theo chân chiếc xe BKS 37B.005.89 chạy tuyến sân bay Vinh - Hà Tĩnh. Sau khi xếp đủ khách, nhân viên nhà xe tiến hành thu tiền trực tiếp từ hành khách. Việc thu tiền diễn ra công khai, trực tiếp ai về TP. Hà Tĩnh giá vé được thu là 100.000 đồng, còn về các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh giá vé 130.000 đồng/người/lượt.

Cận cảnh nhân viên nhà xe “Mai Hương” thu tiền trực tiếp từ hành khách tại bãi đỗ xe sân bay Vinh

Sau màn thu tiền nhanh chớp nhoáng, chiếc xe bắt đầu khởi hành theo hướng đại lộ V.I. Lê Nin - QL1A - cầu Bến Thuỷ về Hà Tĩnh theo một lộ trình niêm yết cố định.

Ngoài tuyến Sân bay Vinh - Hà Tĩnh, hãng xe “Mai Hương” còn tổ chức các chuyến xe từ sân bay Vinh đi Thanh Hoá, mức giá vé được áp dụng là 150.000 đồng/lượt/người.

Cần xử lý trách nhiệm người “tiếp tay, làm ngơ” cho xe dù đại náo sân bay Vinh

Tiếp tục làm rõ những chiếc xe “vua” chạy tuyến cố định núp bóng xe hợp đồng tại Cảng hàng không quốc tế Vinh, nhóm PV Tạp chí Giao thông vận tải tiếp cận hãng xe Thành Trung. Theo ghi nhận của chúng tôi, Thành Trung không ồn ào như nhà xe Mai Hương, nhưng lại ngầm tung người mời chào khách trực tiếp tại khu vực sảnh đến sân bay Vinh.

Khác với những chiếc xe bình thường, không được dừng đỗ bắt khách ở đây, các xe của Đại Nam ngang nhiên “nằm” chờ khách hàng tiếng đồng hồ mà không lo ngại cơ quan quản lý. Mọi khách hàng có nhu cầu đi xe từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài về Thanh Hoá đều được mời chào nhiệt tình.

Theo ghi nhận của PV Tạp chí Giao thông vận tải, khoảng 11h40 ngày 16.1, chiếc xe BKS 37B-018.86 đã đợi sẵn ngoài khu vực sảnh bãi đỗ ô tô Cảng hàng không Vinh đón khách. Các nhân viên và “cò khách” của nhà xe này liên tục đi chào mời khách từ khu vực cổng khách đến, chỉ đến khi xe đã đầy khách, chiếc xe mới di chuyển đi Thanh Hoá. Tất cả đều diễn ra công khai, việc khách lẻ trả tiền được thực hiện trực tiếp…

Nhà xe Thành Trung sắp xếp hành khách tại sân bay quốc tế Vinh

Trong khi đó, để quản lý các loại hình vận tải, cơ quan chức năng cấp phù hiệu “xe chạy tuyến cố định” (thường gọi tắt là xe khách) và “xe hợp đồng” với các nguyên tắc hoạt động khác nhau. Không khó nhận ra, trên kính của hầu hết các xe Thành Trung, hoạt động tại sân bay Vinh đều mang phù hiệu xe hợp đồng nhưng được vận hành như xe khách với những thủ thuật không khó phát hiện.

Để lách luật, sau khi hành khách lên xe, nhân viên của hãng xe Thành Trung lần lượt tiếp cận từng hành khách đề nghị cung cấp thông tin như: họ tên, địa chỉ, số điện thoại, điểm đến… sau đó điền vào một hợp đồng được làm sẵn.

Đồng thời, nhân viên nhà xe này điền tên từng người vào danh sách hành khách ở một mẫu hợp đồng được chuẩn bị sẵn.

Cũng theo một quy luật khép kín, khi xe hoàn tất các thủ tục mang tính hình thức, nhân viên nhà xe chủ động thu tiền trực tiếp hành khách. Theo đó, mức giá thu đối với tuyến sân bay Vinh đi Thanh Hoá là 150.000 đồng, riêng hành khách đi các huyện Diễn Châu, Hoàng Mai (Nghệ An) có giá 100.000 đồng.

Ước tính mỗi ngày tại sân bay Vinh có khoảng từ 50 - 70 lượt xe “trá hình” liên tỉnh hoạt động, song không thấy lực lượng chức năng xử lý.

Trong khi đó, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định, xe chở khách theo hợp đồng và xe vận chuyển khách du lịch chỉ được thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết cho cả chuyến xe; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức...; không được hoạt động thường xuyên trên một tuyến như xe khách đăng ký chạy tuyến cố định.

Từ những vi phạm trên, câu hỏi đặt ra là ai đang “chống lưng” cho các hãng xe hợp đồng chạy xe “dù”, mở bến “cóc” giữa lòng sân bay quốc tế Vinh, mời độc giả đón đọc kỳ tiếp theo.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin./.

Tác giả: Lê Minh

Nguồn tin: tapchigiaothong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP