Tin trong tỉnh

Tăng trưởng ấn tượng của công nghiệp Nghệ An

Thực hiện Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ 18, cơ cấu công nghiệp của Nghệ An tiếp tục chuyển dịch nhanh và đúng hướng. Cơ cấu nội ngành cũng có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần ngành khai thác chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, để công nghiệp đóng góp tích cực hơn nữa cho nền kinh tế thì vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

1. Chuyển động từ những sản phẩm chủ lực

Theo Sở Công thương, nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ 18, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 18,6%, cao hơn mục tiêu Nghị quyết đề ra (17-18%). Riêng năm 2017, tăng trưởng đạt 20,06%, cao nhất kể từ năm 2011.

Lãnh đạo Trung ương, tỉnh Nghệ An và Tập đoàn Xi măng The Vissai phát lệnh vận hành Nhà máy Xi măng Sông Lam. Ảnh: Nguyên Sơn

Tỷ trọng công nghiệp-xây dựng trong tổng sản phẩm xã hội của tỉnh (GRDP) tăng từ 27,1% năm 2015 lên 33,5% năm 2017 (mục tiêu nghị quyết là 40-41%). Nhiều sản phẩm mới có quy mô lớn, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng và góp phần hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết như: Tôn lợp, ván MDF, linh kiện điện tử, nước ép hoa quả, bình nước Inox, cá hộp, nước mắm,…

Điển hình như quy mô sản xuất xi măng hiện nay đạt 6 triệu tấn/mục tiêu nghị quyết 10 triệu tấn năm 2020. Hiện nay, các chủ đầu tư đang tích cực đẩy nhanh tiến độ các dự án: Xi măng Tân Thắng công suất 2 triệu tấn/năm, mở rộng xi măng Sông Lam giai đoạn 2 thêm 3,8 triệu. Dự kiến tổng công suất xi măng có thể đạt 12 triệu tấn.

Về sản xuất bia: Quy mô hiện nay đạt 200 triệu lít/mục tiêu nghị quyết là 250 triệu lít năm 2020. Đầu năm 2018, đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư và đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án bia của Tập đoàn Massan công suất 150 triệu lít, khả năng hoàn thành đầu tư trước năm 2020. Tổng công suất dự kiến đạt 350 triệt lít/năm.

Hay sản phẩm may mặc, hiện trên địa bàn tỉnh có 15 nhà máy với tổng công suất đang hoạt động đạt từ 25-26 triệu sản phẩm/năm. Đang tiếp tục triển khai các dự án: May Minh Anh (Đô Lương); May Mạnh Thành (Tân Kỳ), mở rộng Nhà máy may Yên Thành; May Nghi Lộc và khả năng đầu tư thêm Nhà máy may ở Quỳnh Lưu,… sẽ đảm bảo vượt mục tiêu 35 triệu sản phẩm/năm vào năm 2020. Các sản phẩm khác như đá xây dựng, nước máy, gạch ốp lát, đá xẻ, chỉ tiêu về công nhận làng nghề TTCN,… đều có khả năng vượt kế hoạch. Những sản phẩm có khả năng đạt nếu chỉ đạo quyết liệt gồm: Sữa chế biến, chè búp khô, Cao su, đá bazan, sợi,…

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu khó đạt gồm: thủy sản đông lạnh; đường kính, thiếc tinh luyện, thịt hộp (hiện các nhà máy rất bị động về nguyên liệu sản xuất), Điện sản xuất (do hai Dự án nhiệt điện hiện đang gặp khó khăn trong triển khai).
Giám đốc Sở Công thương- đồng chí Hoàng Văn Tám cho hay: Những kết quả đạt được phải kể đến công tác thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp giai đoạn 2016 – 2018 đạt nhiều thành công và có chiều sâu.

Đã thu hút được những nhà đầu tư lớn với các dự án có tính đột phá, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và làm tiền đề cho tăng trưởng. Công tác quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp được cả hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư.

Hệ thống KCN, cảng biển, giao thông tiếp tục đầu tư, mở rộng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, vận chuyển của doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Đã quy hoạch phát triển 50 CCN, trong đó 39 CCN đã thực hiện các bước đầu tư xây dựng, đáp ứng cơ bản và kịp thời nhu cầu mặt bằng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa đầu tư sản xuất kinh doanh.

Theo đánh giá, Nghệ An đang ngày càng xây dựng được tâm và thế mới, nhất là từ sau khi thực hiện NQ 26 của Bộ Chính trị và đổi mới công tác xúc tiến, thu hút, hỗ trợ đầu tư. Qua đó, phát huy được tiềm năng về vị trí địa kinh tế, lựa chọn đúng các lĩnh vực công nghiệp có lợi thế để ưu tiên phát triển.

Nhiều dự án sản xuất công nghiệp của các nhà đầu tư có thương hiệu mạnh được triển khai và nhanh chóng phát huy hiệu quả, như: Nhà máy Tôn Hoa Sen của Tập đoàn Hoa Sen Việt Nam; các Nhà máy Xi măng của Tập đoàn The Vissai và Tổng Công ty XM Việt nam, Nhà máy thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Mavin Austfeed, các nhà máy thực phẩm của Tập Đoàn Masan; Nhà máy gỗ MDF của Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm, Tổng Công ty Thanh Thành Đạt; các nhà máy bia: Sài Gòn – Sông Lam, Hà Nội – Nghệ An, Sài gòn – Nghệ Tĩnh, bao bì Sabeco, nhà máy sữa của Tập đoàn TH, Vinamilk, Nhà máy điện tử BSE Hàn Quốc, Nhà máy Chế biến thủy sản đóng hộp Royal Food, các Nhà máy May Hàn Quốc, Đài Loan, Tổng Công ty Dệt may Việt Nam, các Nhà máy thuỷ điện; các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến đá trắng,…

2. Quan tâm nhà đầu tư chiến lược

Tuy nhiên, theo đánh giá, thời gian qua công tác quy hoạch vùng nguyên liệu còn chồng chéo, chưa bám sát điều kiện thực tế; chỉ đạo của các cấp chính quyền chưa quyết liệt, thiếu sự gắn bó giữa người dân và doanh nghiệp. Hạ tầng công nghiệp chưa đồng bộ do thiếu vốn dẫn đến thu hút đầu tư mới khó khăn nhất là công tác bàn giao mặt bằng. Tiến độ một số dự án đã cấp phép đầu tư thực hiện còn chậm hoặc chưa triển khai (Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1, Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 2, xi măng Tân Thắng,…). Một số lĩnh vực như: bột giấy, thịt hộp, sợi cách nhiệt, công nghiệp cơ khí chưa có nhà đầu tư. Vì thế, một số lĩnh vực, sản phẩm đạt thấp, nhất là khai thác chế biến khoáng sản và chế biến nông, lâm, thủy sản được nhận định khó hoàn thành mục tiêu Nghị quyết.

Tăng trưởng công nghiệp vẫn chủ yếu dựa trên bề rộng, lĩnh vực gia công còn chiếm tỷ trọng lớn nên giá trị gia tăng thấp, đóng góp vào tăng trưởng GRDP của tỉnh thấp và chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều dự án sử dụng nhiều lao động, vốn, tài nguyên, đất đai, nguyên liệu đầu vào,… với trình độ công nghệ trung bình. Đây là những hạn chế trong phát triển công nghiệp mà lâu nay Nghệ An chưa thể khắc phục được.

Vì thế, tiếp tục bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 để có giải pháp quyết liệt chỉ đạo, phối hợp thực hiện, nhất là các chỉ tiêu còn đạt thấp hoặc đang triển khai dở dang, là nhiệm vụ trọng tâm của Nghệ An trong thời gian tới.

Theo đó, tập trung các nguồn lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghiệp đồng bộ đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư. Tranh thủ nguồn vốn trung hạn của Trung ương, nguồn ODA và nguồn xã hội hóa để xây dựng: Hạ tầng KKT Đông Nam, các KCN, cụm công nghiệp, hạ tầng làng nghề, cảng biển,… đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Tại các cuộc làm việc về phát triển công nghiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền đặc biệt nhấn mạnh các sở ngành quan tâm chỉ đạo, hợp tác với các nhà đầu tư chiến lược để thu hút các dự án đầu tư vào các KCN: VSIP, Hemaraj, Hoàng Mai I.

Đây là bước rất quan trọng để từ đó thu hút các nhà đầu tư thứ cấp mới trong lĩnh vực công nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghiệp tỉnh có lợi thế; ưu tiên các ngành có hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao, có sức lan tỏa như vật liệu mới, sản xuất và lắp ráp ô tô, cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin,…; các dự án công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Cùng với đó là xây dựng hệ thống chính sách phát triển công nghiệp đồng bộ theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị. Đây được coi là đòn bẩy tạo đà cho công nghiệp tiến xa hơn, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Trong số 25 chỉ tiêu công nghiệp chủ yếu của mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 dự báo có 10 chỉ tiêu vượt, 10 chỉ tiêu đạt. 5 chỉ tiêu khả năng không đạt hoặc khó hoàn thành là: Thủy sản đông lạnh; Đường kính, Thiếc tinh luyện, Thịt hộp (hiện các nhà máy rất bị động về nguyên liệu sản xuất), Điện sản xuất (do hai Dự án nhiệt điện hiện đang gặp khó khăn trong triển khai).

Tác giả: Thu Huyền

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP