Tin trong tỉnh

Người thương binh hơn 10 năm mòn mỏi xin chính quyền cấp sổ đỏ

Bản thân là thương binh hạng 2/4, bị hỏng một mắt, di chứng nặng nề trên não, mất vĩnh viễn 61% sức khỏe và đã 3 lần bị tai biến. 82 tuổi, hơn 10 năm nay, thương binh Lưu Xuân Du vẫn phải lập bập gõ cửa cơ quan chức năng chỉ để xin được cấp sổ đỏ cho mảnh đất đang sinh sống. Đồng hành cùng ông, một cựu binh khác đã phải gác lại tâm nguyện vì bị tai biến.

Một ngày cuối tháng 7, phóng viên tìm đến ngôi nhà cấp 4 xập xệ của ông Lưu Xuân Du (SN 1940), tại khu tập thể Công ty Công nghệ phẩm, thuộc khối 2, phường Cửa Nam, TP Vinh (Nghệ An). Tuổi cao, sức yếu nhưng những ngày nắng như đổ lửa của miền Trung gió Lào bỏng rát, hai ông bà vẫn phải tá túc trong căn nhà cũ nát, diện tích chật hẹp cùng gia đình người con gái đầu với 4 nhân khẩu, hiện đang là giáo viên của một trường tiểu học trên địa bàn.

Thương binh Lưu Xuân Du bên ngôi nhà tập thể đã xuống cấp nhiều năm nay.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Du kể: Bản thân ông trước đây phục vụ trong quân đội, đã để lại một phần cơ thể, máu thịt cho chiến trường. Trở về sau chiến tranh, ông là thương binh hạng 2/4, một mắt bị hỏng hoàn toàn, hàng tháng chỉ có khoản trợ cấp thương tật với số tiền hơn 3 triệu đồng. Vợ ông, bà Trần Thị Thu Hiền là cán bộ Công ty Công nghệ phẩm về hưu, với mức lương cũng chỉ 2 triệu đồng.

Từ năm 1994, do không có chỗ ở nên vợ chồng ông bà được Công ty phân cho 2 gian nhà tập thể, tổng diện tích 140,6m2 trong khu tập thể. Gần 30 năm qua, do vướng quy hoạch thành cổ Vinh nên gian nhà của hai ông bà không được cấp sổ đỏ, cũng không được xây mới, cơi nới hay sửa sang. Ba thế hệ trong một gia đình phải chấp nhận sống trong cảnh dột nát, tồi tàn, ẩm thấp, ô nhiễm nặng nề suốt mấy chục năm nay.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lưu Xuân Du cho biết: Tuổi cao sức yếu, thương tật hành hạ, nguyện vọng lớn nhất của ông là mảnh đất ông đang ở được cấp sổ đỏ, để nếu có mất đi, cũng được nhắm mắt xuôi tay trong chính ngôi nhà của mình. “Tuy nhiên, đã mấy chục năm nay, tôi đã gõ cửa khắp nơi, gửi đơn xin chính quyền các cấp nhưng đã hơn 10 năm trôi qua, lần nào câu trả lời là vẫn phải chờ. Người bạn đồng hành với tôi trên hành trình đòi quyền lợi chính đáng đã bị tai biến, nằm một chỗ”, ông Du chia sẻ trong sự thất vọng.

Theo tìm hiểu được biết, thửa đất của vợ chồng ông Lưu Xuân Du được cấp năm 1994 thuộc thửa đất số 12, nằm trong khu tập thể Công nghệ phẩm tại khối 2, phường Cửa Nam cùng với 21 hộ dân khác sinh sống. Thửa đất này nằm trong đề án xóa nhà ở tập thể trên địa bàn TP Vinh, đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt từ năm 2015. Các cấp chính quyền đã nhiều lần tổ chức họp bàn, đưa ra các phương án nhưng không tìm được hướng giải quyết vì người dân không đồng thuận.

Ông Đặng Hiếu Lam, Chủ tịch UBND phường Cửa Nam cho biết: Liên quan đến trường hợp của ông Lưu Xuân Du nói riêng và khu tập thể Công nghệ phẩm nói chung, đến nay đã tổ chức không dưới 50 cuộc họp với người dân nhưng vẫn chưa có phương án giải quyết cuối cùng.

Nguyên nhân, năm 1981 khu đất này được UBND tỉnh Nghệ Tĩnh giao cho Công ty Công nghệ phẩm để xây dựng nhà tập thể cho cán bộ, công nhân viên, với diện tích 4.089,5m2, thời hạn sử dụng là 10 năm. Từ năm 1994, Công ty Công nghệ phẩm đã sáp nhập, giải thể nên từ đó đến nay, không có đơn vị chủ quản quản lý khu đất. Quá trình xác minh nguồn gốc đất của các hộ dân, cũng không có bất cứ hồ sơ tài liệu nào chứng minh việc hóa giá, phân phối gian nhà tập thể cho các hộ gia đình, cá nhân. Chính vì vậy, mặc dù năm 2015, UBND TP Vinh đã phê duyệt quy hoạch và ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng chia lô đất ở khu tập thể Công nghệ phẩm nhưng 7 năm trôi qua dự án này vẫn nằm trên giấy.

Sau khi quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt, đã có 2 luồng ý kiến trái chiều, nhiều lần tranh cãi quyết liệt và không thống nhất phương án giải quyết. Theo đó, một số hộ dân được cấp đất diện tích lớn đề nghị không cắt đất để phân lô quy hoạch mà yêu cầu cấp bìa đỏ theo hiện trạng, trong khi các gia đình có diện tích nhỏ hơn thì yêu cầu thực hiện quy hoạch vì diện tích đang sử dụng quá nhỏ hẹp.

Theo đại diện lãnh đạo Phòng Tài nguyên Môi trường UBND TP Vinh, dự án nói trên nằm trong Đề án 109 giải quyết nhà ở tập thể cũ trên địa bàn TP Vinh. Đề án này có từ năm 2007, thực hiện trong thời gian 10 năm, được UBND tỉnh Nghệ An kéo dài đến năm 2020, đến nay đã hết hạn nhưng vẫn không thể giải quyết được. Trong khi đó, theo quy định hiện hành thì TP Vinh không đủ cơ sở để xét đối tượng giao đất ở không qua đấu giá quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình tại khu tập thể công nghệ phẩm. Trong những năm qua, để giải quyết dứt điểm khu tập thể công nghệ phẩm, đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân sinh sống tại đây, TP Vinh đã có nhiều công văn gửi UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo vướng mắc, khó khăn trong quá trình giải quyết.

Thành phố Vinh cũng đã đề nghị UBND tỉnh Nghệ An cho chủ trương giải quyết riêng đối với khu tập thể công nghệ phẩm theo hướng thực hiện lập dự án đầu tư hạ tầng chia lô đất ở dân cư, chỉnh trang đô thị và thực hiện việc đo đạc theo hiện trạng sử dụng. Đồng thời, tổ chức lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng toàn bộ khu đất, tiến hành đầu tư xây dựng hạ tầng và giao đất tái định cư tại chỗ theo quy định đối với dự án phát triển đô thị. Đề xuất là vậy nhưng đến nay UBND tỉnh Nghệ An vẫn chưa cho chủ trương để thực hiện.

Tìm hiểu thực tế, phóng viên ghi nhận điều khiến các hộ dân sinh sống trong khu nhà ở đây bất bình là giữa sự tồi tàn, xuống cấp của khu tập thể này có 3 hộ gia đình gồm các ông Nguyễn Văn Toàn, Đỗ Anh Thăng và Nguyễn Thanh Tùng đã được cấp bìa đỏ, xây nhà ở cao tầng kiên cố trong thời điểm khu đất này đang nằm trong quy hoạch thành cổ Vinh, buộc phải di dời. Trong đó, hộ ông Toàn được phường Cửa Nam cấp bìa đỏ tạm thời với diện tích 209,1m2; hộ ông Thăng cũng được UBND TP Vinh cấp bìa đỏ với diện tích 287,5m2 và ông Tùng được cấp bìa đỏ với diện tích 256m2, nhưng đo đạc hiện trạng là 432,1m2.

Trở lại với trường hợp của cựu chiến binh Lưu Xuân Du, trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo UBND TP Vinh cho rằng, nguyện vọng của ông Du là chính đáng, cũng là trường hợp đặc biệt nhưng vì vướng vào khó khăn chung của khu tập thể nên cũng khó tách ra để giải quyết theo mong muốn của cá nhân nên vẫn phải chờ. Tuy nhiên, với trường hợp của cựu binh Lưu Xuân Du, nếu vì vướng cái chung của tập thể mà chưa cấp được sổ đỏ tại mảnh đất ông đang sinh sống, thì thiết nghĩ, chính quyền các cấp của tỉnh Nghệ An cũng nên giải quyết cấp đất theo chế độ chính sách.

Bởi, như tâm sự của ông Du thì bản thân ông đã ngoài 80 tuổi, với tình trạng sức khỏe hiện nay, liệu có còn đủ kiên nhẫn để chờ được giải quyết? Trong khi quỹ đất thành phố vẫn không thiếu mà những người có công với cách mạng như ông, liệu còn mấy người?

Tác giả: Thiên Thảo

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP